Giám đốc Công an Hà Nội nêu nguyên nhân chưa xử lý sai phạm Tập đoàn Mường Thanh

GD&TĐ - Sáng 6/12, trong phiên chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề tại sao đến nay vẫn chưa khởi tố sai phạm tại doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh).

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, doanh nghiệp này sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống, về công tác trật tự xây dựng và công tác Phòng cháy chữa cháy(PCCC). Từ tháng 8/2016, thanh tra TP đã chuyển Công an TP. Hà Nội điều tra và Giám đốc Công an TP hứa sẽ khởi tố sớm. Nhưng tại sao đến giờ phút này, vẫn chưa khởi tố được vi phạm xây dựng cũng như an toàn PCCC của doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên?

Đại biểu Hoàng Huy Được (huyện Ba Vì) bày bỏ: "Đã qua 2 kỳ họp, sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh được xới lên, tạo dư luận trong cử tri. Người ta đặt vấn đề phải chăng “củi ướt” nên không khởi tố được, không cháy được?" - đại biểu Được bày tỏ.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, vụ việc xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty Cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes (thuộc tập đoàn Mường Thanh) do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch, ngày 29/11/2016  cơ quan CSĐT CATP chính thức nhận toàn bộ hồ sơ của Thanh tra TP chuyển theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Cùng ngày, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Trưởng phòng PC46 đã ra quyết định phân công điều tra viên tổ chức xác minh, điều tra theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.

"Thời gian xác minh, điều tra là 20 ngày, nhưng theo Khoản 1, Điều 103 Luật Tố tụng Hình sự là đối với các vụ việc đơn giản, không phức tạp. Còn Khoản 2 điều này và Thông tư 06 liên tịch, đối với các vụ việc phức tap thì giới hạn 60 ngày, không quá 2 tháng.

Tuy nhiên, đây là vụ việc xảy ra ở một công ty có nhiều các tình tiết, nội dung cần phải tập trung lực lượng, biện pháp để xác minh, điều tra làm rõ. Chúng tôi cũng đã trao đổi và phối hợp chặt chẽ với VKS thành phố để giám sát các hoạt động thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, trong đó có nội dung cần phải giám định thiệt hại.

Chúng tôi đã có đề xuất với Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại… nhưng cho đến giờ chưa nhận được kết quả của việc giám định. Vì vậy, chúng tôi chưa có cơ sở khởi tố vụ án", tướng Khương nêu rõ.

Giám đốc CATP Hà Nội cũng thông tin, tuy đây là doanh nghiệp tư nhân nhưng cũng là doanh nghiệp lớn, có nhiều người lao động (hơn 20.000 lao động).

"Việc chúng ta điều tra, xác minh với tinh thần tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng. Bởi vì quá trình xử lý sẽ tác động trước hết đến khách hàng, người dân đã mua và đang ở các chung cư này, đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của người lao động đang làm việc ở công ty. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, chúng tôi đang cùng với Viện Kiểm sát đề nghị với 3 ngành tư pháp TW họp nghe cơ quan điều tra CATP và Viện Kiểm sát báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo trước khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can", tướng Đoàn Duy Khương nói.

Người đứng đầu Công an Hà Nội cũng khẳng định: "Không có việc củi ướt hay củi khô, còn chắc anh Được là luật sư nên hình tượng hóa về văn học. Về mặt luật, cơ quan CSĐT luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các trình tự pháp luật, thận trọng, khách quan".

Sau đó, hai đại biểu Nam và Được đề nghị tranh luận lại thêm với Giám đốc công an TP. nhưng Chủ tịch HĐND TP. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, do đã hết thời gian nên các đại biểu sẽ gửi văn bản để trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ