Giải tỏa tâm tư

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn mới về tiêu chuẩn đạo đức, chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương giáo viên…

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Các quy định này cơ bản đáp ứng mong mỏi của đội ngũ và nói lên tiếng lòng của nhà giáo trên cả nước.

Cách đây hơn 2 năm, Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT (Thông tư số 01 - 04) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Chùm Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Ngay sau khi ban hành chùm Thông tư này, cùng với nhiều văn bản hướng dẫn khác, giáo viên từ mầm non đến THPT đều phải đi học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ngoài ra, việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên phải kèm theo bản photo văn bằng, chứng chỉ, các danh hiệu thi đua để làm minh chứng cho việc xếp hạng. Cùng với đó là những cuộc họp xếp hạng, xếp lương mới, rồi hoàn thiện các thủ tục nhận xét từng giáo viên theo yêu cầu của cấp trên. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, có nhiều giấy phép con “hành” giáo viên.

Thậm chí, nhiều địa phương chưa thể hoàn thiện việc chuyển hạng, xếp lương mới cho giáo viên bởi việc này phụ thuộc vào nhiều quy trình, thủ tục. Hay như quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo theo hạng chức nghề nghiệp của giáo viên cũng tạo ra không ít phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, cách phân chia này không phù hợp. Mọi giáo viên đều phải đạt tiêu chuẩn chung về đạo đức, không nên tách ra để xếp theo từng loại.

Hàng loạt băn khoăn, khúc mắc nảy sinh từ thực tiễn khiến giáo viên không khỏi tâm tư. Nắm bắt nguyện vọng chính đáng của đội ngũ nhà giáo trên cả nước, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư số 01 - 04. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Ngay sau khi thông tư được ban hành, trên các diễn đàn xã hội, nhiều giáo viên không giấu nổi niềm vui, hân hoan đón nhận quy định mới. Trên hết là, các quy định mới đã nói lên tiếng lòng của đội ngũ nhà giáo cả nước.

Minh chứng cho điều này, Bộ GD&ĐT cho biết, trước khi ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT theo thẩm quyền, Bộ đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó phải kể đến ý kiến góp ý của 63 sở GD&ĐT, với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước.

Đặc biệt là sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông trên hệ thống TEMIS. Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận cao đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như: Quy định tiêu chuẩn về đạo đức chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp, hơn 98% giáo viên tham gia khảo sát đồng tình với nội dung này.

Theo đó, để thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở các văn bản khác và không làm xáo trộn việc đánh giá tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông như quy định trước đây, Bộ GD&ĐT bỏ quy định ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định chung cho giáo viên ở các hạng.

Như vậy, sau thời gian dài chờ đợi, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã giải quyết được những hạn chế, vướng mắc của chùm Thông tư 01 - 04 trong quá trình chuyển xếp lương. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác và tận tâm, tận hiến với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.