Chạm vào tâm tư

GD&TĐ - Từ năm học 2022 – 2023, các địa phương sẽ thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

Trước đó, một số địa phương thông báo tăng mức học phí gấp nhiều lần so với năm học trước. Thực tế này không có gì bất ngờ, bởi nếu theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các địa phương được phép áp dụng mức khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (theo Khoản 2 Điều 9 Nghị định trên).

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên cả nước từ năm học 2022 – 2023. Dẫu biết rằng, đó chỉ là đề xuất của ngành GD, nhưng động thái tích cực này đã phần nào giúp cởi bỏ nỗi lòng của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường. Đặc biệt, đề xuất của Bộ đã gieo thêm niềm tin, hy vọng cho các bậc phụ huynh về việc sẽ không phải đóng học phí theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi nhiều địa phương lên tiếng về việc không tăng học phí, giữ ổn định như năm học trước; thậm chí có nơi đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ học phí năm học 2022 – 2023, đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉnh này sẽ chi cho cả giai đoạn đến năm 2025 là hơn 568 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh các trường THCS công lập và ngoài công lập. Theo đó, trẻ 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 đến hết 2023 - 2024; học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 đến hết 2024 - 2025.

Trên phương diện xã hội, chủ trương quyết sách như trên của các địa phương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được dư luận đồng tình, hoan nghênh và quan trọng hơn là đã chạm vào tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Bởi trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội đều đề cập đến vấn đề này và đề xuất các địa phương tạm thời chưa tăng học phí trong năm học tới.

Tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh được lắng nghe, tiếp nhận, chuyển hóa thành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh và chắc chắn nó sẽ trở thành hiện thực. Qua đó nhằm hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của người dân, nhất là trong bối cảnh vật giá tăng rất nhanh sau Covid-19.

Nói cách khác, hỗ trợ/miễn học phí cho học sinh THCS là chủ trương nhân đạo, làm giảm tình trạng học sinh nghỉ và bỏ học giữa chừng. Việc này không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện cho trẻ khó khăn được đến trường, mà sâu xa hơn, còn tác động tích cực vào quá trình phổ cập giáo dục trung học ở các địa phương, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ