Vinh danh các công trình khoa học
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ II diễn ra từ ngày 17 đến 21/12, tại Hà Nội.
Tuần lễ khoa học - công nghệ VinFuture 2022 là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu. Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng nghìn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân của 6 châu lục.
Các nhà khoa học tại buổi Giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo VinFuture. |
Nhiều nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới đã hội tụ tại Hà Nội để tham gia các hoạt động của Tuần lễ khoa học VinFuture. Bao gồm Giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo VinFuture; diễn thuyết truyền cảm hứng “Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai”; tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”; lễ trao giải VinFuture; giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022…
Với chủ đề “Hồi sinh và Tái thiết” (Reviving and Reshaping), Giải thưởng VinFuture 2022 tìm kiếm và vinh danh các công trình khoa học - công nghệ kiệt xuất có tác động tích cực trong và sau đại dịch. Từ đó giúp phát triển bền vững đời sống của hàng triệu người trên khắp hành tinh.
Đã có gần 1.000 dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ của 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử (so với 599 đề cử của năm 2021). Trong đó, 584 dự án do 2% số nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới đề cử.
Đây là những phát minh, sáng chế trong các lĩnh vực: Sức khỏe, lương thực, môi trường và năng lượng bền vững cùng với nhiều công nghệ ứng dụng khác trong mọi mặt của đời sống.
Trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt tại Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Giải thưởng, 4 công trình khoa học xuất sắc nhất sẽ được vinh danh.
Tại buổi giao lưu, các nhà khoa học kiệt xuất là thành viên của Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo VinFuture, như: Tiến sĩ Xuedong Huang (Tập đoàn Microsoft), Giáo sư Jennifer Tour Chayes (Đại học California, Berkeley), Giáo sư Leslie Valiant (Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard, Hoa Kỳ), Giáo sư Sir Kostya S.Novoselov (Đại học Manchester và Đại học Quốc gia Singapore); Giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale, đồng thời là Giám đốc Khoa học Viện Dữ liệu lớn (VinBigData), Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara, Hoa Kỳ)…
Chưa có cơ chế bảo vệ phù hợp cho bản quyền
Những chuyên gia đã trực tiếp chia sẻ với các nhà khoa học, giới doanh nhân, các nhà quản lý chính sách hàng đầu cùng những sinh viên tài năng của Việt Nam về những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời và sự nghiệp làm khoa học của mình.
Trong khuôn khổ của chương trình, 3 phiên tọa đàm với các chủ đề là Toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ; Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công; Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển.
Tại đây, các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 2 người từng được giải Nobel đều đồng tình, khi toàn cầu hóa, các kết quả có thể truy cập trên các nền tảng mở giúp thuận lợi hơn trong nghiên cứu. Tuy nhiên ở góc nhìn bản quyền và sở hữu trí tuệ vẫn chưa có cơ chế bảo vệ phù hợp.
GS Quarraisha Abdool Karim, nhà dịch tễ học người Nam Phi dẫn thực tế trong đại dịch Covid-19, lần đầu các rào cản được phá bỏ. Khi cả thế giới còn đang tìm sản phẩm điều trị căn bệnh, WHO đưa ra nền tảng đoàn kết để rà soát mọi phác đồ. "Nhờ đoàn kết chúng ta có thể chia sẻ phát kiến y học lâm sàng, khi bình thường mất 10-20 năm kiểm chứng. Nền tảng đoàn kết cho ta phản ứng nhanh chóng hơn", bà nói.
GS Quarraisha cho rằng, chưa bao giờ có tiền lệ có nhiều loại vaccine như trong đại dịch, đây là "nhờ sự chia sẻ của các nhà khoa học". "Điều này chưa từng nghĩ tới khi chống lại HIV".
Bà Quarraisha cho rằng trong trong thiên tai, đại dịch cần phải tránh trường hợp độc quyền, để kiểm soát về giá cả nguồn cung, mà cần nghĩ lợi ích cho cộng đồng, mọi người đều được hưởng lợi, đều được tiêm vaccine.
Chương trình giao lưu nằm trong chuỗi sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ II |
Theo GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale, Mỹ, Giám đốc khoa học VinBigdata, trong bối cảnh đối mặt với Covid-19 suốt 2-3 năm qua, việc cả thế giới đã đoàn kết giải quyết vấn đề, đó là cơ hội cho khoa học công nghệ mà chưa từng nghĩ tới.
Ông cho biết khi Covid-19 xuất hiện, nếu mỗi biến chủng mới cần có vaccine mới, có thể khiến câu chuyện này kéo dài mãi. Nhưng tư duy mới xuất hiện, đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, máy học xác định điểm chung của biến chủng để giải quyết vấn đề. "Đã có các công ty nghiên cứu phát triển một loại vaccine cho mọi loại biến chủng", ông nói.
Đảm bảo tính công bằng trong sở hữu trí tuệ
Các nhà khoa học cho rằng sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề cần bàn trong việc chuyển giao công nghệ hiện nay.
GS Jennifer Tour Chayes, Đại học California, Berkeley, cho biết mỗi nước có quy định khác nhau về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn khác biệt văn hóa về sáng chế phát minh hoặc khái niệm sở hữu công bằng của các giải pháp sáng tạo công nghiệp.
Theo bà, điều tuyệt vời của khoa học máy tính là nhiều công nghệ trong lĩnh vực này mang tính mở. Từ đó, cho phép chuyển giao dễ dàng, giúp nhiều giải pháp được nhiều người sử dụng, nghiên cứu mở cho mọi người.
Bà cũng bày tỏ triển vọng nền tảng kết nối tất cả cộng đồng khoa học toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách. Với cộng đồng chung, con người sử dụng nền tảng như AI, điện toán đám mây và cần tùy biến để phù hợp từng nhà khoa học ở mỗi lĩnh vực.
Bà lấy ví dụ nhà công nghệ có thể sử dụng thuận tiện về kỹ thuật. Trong khi người không được đào tạo sâu về khoa học máy tính sẽ sử dụng các nền tảng "không có code". Khi nền tảng chung này mở ra thì ta có thể hợp tác thành cộng đồng toàn cầu để giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu.
GS Gérard Albert Mourou, Đại học Bách khoa Paris cho rằng không dễ giải quyết việc vừa chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà vẫn mang lợi ích cho nhân loại. "Càng nhiều người tới từ nhiều nơi chung tay giải quyết vấn đề song vẫn bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ là không đơn giản", ông nói.
GS Sir Kostya S.Novoselov FRS, Đại học Manchester và Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng cần cơ chế mới để quản lý sở hữu trí tuệ trong tương lai.
Khoa học công nghệ chính là cơ hội duy nhất với nhiều quốc gia
Các thành viên của Hội đồng VinFuture 2022 cũng đã chia sẻ với các nhà khoa học trẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về tương lai của khoa học công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh về tri thức.
Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ : "Khoa học công nghệ chính là cơ hội duy nhất với nhiều nơi, với các quốc gia đang phát triển. Cách mạng công nghiệp đã thay đổi thế giới và Việt Nam cần điều như vậy. Ta bỏ lỡ các lần trước nhưng lần này ta sẵn sàng bước lên con tàu".
Ông cho rằng: "Hiện tại các ý tưởng có sẵn, ta chỉ cần đội ngũ để hiện thực hóa ý tưởng này. Tôi phụ trách một đơn vị nghiên cứu tại Vingroup và sau một vài năm, chúng tôi đã có sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Ví dụ như sản phẩm ứng dụng trên ô tô, không kém cạnh thế giới".
Chia sẻ về quan điểm này, giáo sư Leslie Gabriel Valiant (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) cho biết, trước đây mọi phát kiến khoa học công nghệ đều từ châu Âu và các nơi khác tham gia. Trong các cuộc cánh mạng công nghiệp trước, thường diễn ra ở một, hai trung tâm lớn nhưng bây giờ cách mạng về khoa học công nghệ có thể diễn ra ở trên toàn cầu và các nước đang phát triển cũng có cơ hội tham gia.
Còn theo giáo sư Gérard Albert Mourou (ĐH Bách khoa Paris, Pháp): "Chúng tôi nhận ra trong thế giới đang phát triển, ở nhiều nơi đang có những trí tuệ tuyệt vời. Thế giới đang khao khát tìm tri thức đỉnh cao. Trong toàn cầu hóa, làm sao ta giải quyết được vấn đề về huy động tài nguyên trí tuệ, tài nguyên trí thức khắp nơi. Để tìm kiếm thì tất nhiên phải ở những nơi cụ thể như trường đại học làm cái nôi đào tạo…".