Tham dự Lễ trao có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông – Cơ quan bảo trợ chương trình và đại điện các Bộ, Ngành, địa phương, cùng hơn 500 cán bộ nòng cốt, đại diện của các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu.
Giải thưởng Sao Khuê trong 2 năm gần đây được trao sứ mệnh “Thúc đẩy nền tảng giải pháp số – Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số. Ban tổ chức đã định hướng cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam sáng tạo, tiên phong theo những tinh thần của những chủ chương này.
Ấn tượng những Sao Khuê 2022
Giải thưởng Sao Khuê 2022 được phát động ngày 20/1, tiếp tục đạt được “kỷ lục” mới về số lượng các sản phẩm tham dự với 314 đề cử từ 229 doanh nghiệp/đơn vị.
Ban tổ chức Giải thưởng đã thành lập 20 nhóm Hội đồng với hơn 40 chuyên gia. Vòng Thuyết trình kéo dài trong 03 ngày với tổng số hơn 480 giờ làm việc. Hội nghị Chung tuyển làm việc liên tục hơn 5 tiếng.
Kết quả, 174 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc từ 113 cơ quan/doanh nghiệp đã được thống nhất trao Giải thưởng Sao Khuê 2022, trong đó, 10 Dịch vụ, giải pháp được vinh danh Top 10 Giải thưởng Sao Khuê, và 19 Giải thưởng được xếp hạng 5 sao.
Theo số liệu thống kê, 174 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được trao Giải có doanh thu 16.000 tỉ đồng, tương đương 696 triệu đô la Mỹ, cao hơn doanh thu của toàn ngành phần mềm năm 2008, đồng thời 80% sản phẩm, giải pháp được trao giải sử dụng các công nghệ tiên phong như Ai, Blockchain, RPA trong đó có những sản phẩm, giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế đặc biệt cao.
25 nền tảng số và 17 giải pháp thuộc nhóm công nghệ tiên phong cũng đã được trao Sao Khuê, trong đó có 01 nền tảng số và 01 giải pháp nhóm công nghệ tiên phong xuất sắc được trao Top 10 Sao Khuê 2022.
Nhóm lĩnh vực tài chính, ngân hàng có 17 giải pháp được trao Giải thưởng Sao Khuê 2022 trong đó có 10 đề cử lĩnh vực ngân hàng và 7 đề cử lĩnh vực tài chính. Các sản phẩm thuộc lĩnh vực này được đầu tư rất lớn, bài bản, chất lượng giải pháp xuất sắc, đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng, đem lại hiệu quả tài chính rất cao, tiết kiệm thời gian, nhân sự. Ngành tài chính, ngân hàng được đánh giá là ngành đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, không chỉ nhanh mà còn vượt trội so với các ngành khác. Các ngân hàng hiện đã và đang vào cuộc mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số của các ngành khác, góp phần quan trọng xây dựng kinh tế số.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định: “Qua những con số ấn tượng của Sao Khuê 2022, có thể thấy rõ, các doanh nghiệp Công nghệ Việt đã tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới, đồng thời có sự phân mảnh bài bản trong đầu tư, nghiên cứu các nền tảng, giải pháp tích hợp giữa các doanh nghiệp công nghệ. Những hệ sinh thái số đang dần được hình thành cho các ngành, các lĩnh vực, các thành phần của nền kinh tế, thể hiện sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp CN với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong chiến lược phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, và xung kích cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi số.”
Top 10 Sao Khuê 2022 và Giải thưởng Sao Khuê 5 sao
Top 10 - Hạng mục danh giá nhất của Giải thưởng Sao Khuê năm nay là 10 sản phẩm, dịch vụ trải đều trong các lĩnh vực như chính phủ số, tài chính số, quản lý điều hành doanh nghiệp, quản lý bán hàng, giáo dục đào tạo, các nền tảng, các sản phẩm mới và các dịch vụ xuất khẩu phần mềm và chuyển đổi số.
Tổng doanh thu 10 doanh nghiệp năm 2021 đạt trên 160 nghìn tỷ đồng (gần 7 tỷ USD), tăng trưởng 15% so với 2020 (mặc dù trong covid). Tổng doanh thu 10 sản phẩm, dịch vụ năm 2021 đạt 6.242 tỷ đồng, tăng gần 300% so với năm 2020.
Sao Khuê 5 sao - Bên cạnh việc lựa chọn Giải thưởng TOP 10 Sao Khuê, các đề cử xuất sắc nhất tại mỗi lĩnh vực được thống nhất bình chọn 5 sao. Có 19 giải pháp, dịch vụ CNTT thuộc 6 nhóm lĩnh vực được trao Giải thưởng Sao Khuê 5 sao năm 2022.
20 năm đồng hành cùng ngành phần mềm và dịch vụ CNTT
Giải thưởng Sao Khuê được tổ chức lần đầu vào năm 2003. Trải qua 18 năm đã có 1.269 Giải thưởng, và tính cả năm 2022 đã có 1.343 Sao Khuê xuất sắc được vinh danh. Các hoạt động truyền thông, kết nối của Giải thưởng Sao Khuê đã trở thành bệ phóng hiệu quả cho các thương hiệu CNTT Việt Nam, qua đó luôn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các chủ trương chiến lược phát triển ngành CNTT thông tin nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong từng giai đoạn phát triển.
Hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, từ con số không giờ đã xứng đáng trở thành một trong những nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với: gần 300 nghìn lao động, doanh thu 2021 đạt >13 tỷ USD, giải quyết rất nhiều các bài toán ứng dụng CNTT của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, luôn nằm trong top 10 các nước hấp dẫn nhất về gia công xuất khẩu phần mềm.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương giới công nghệ thông tin, truyền thông đã có nhiều đóng góp rất thiết thực, hiệu quả, không thể thiếu vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời chỉ rõ: “Dịch bệnh cũng đã tạo ra cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, truyền thông. Đây là thời điểm chúng ta phải làm nhiều việc nhằm tiếp tục khơi dậy khí thế, khát vọng phải chuyển đổi không được trì trệ, chỉ tiến không được lùi, có như vậy mới có thể thực hiện được mục tiêu đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ngành công nghệ thông tin cần đốt lên ngọn lửa khát vọng, đột phá, sáng tạo không ngừng nghỉ”.
Phó Thủ tướng cho biết, ông vừa ký quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm làm Ngày Chuyển đổi số quốc gia và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức, VINASA cần xây dựng chương trình hành động chung hưởng ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 31/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Để cụ thể hóa chiến lược quan trọng này, ngay sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông, đã phê duyệt chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia, phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với mục tiêu: Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam, tập hợp các doanh nghiệp đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Đây được xem là những quyết sách kịp thời, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tiến trình chuyển đổi số.