Giải quyết căn bản những vấn đề phân luồng, hướng nghiệp

GD&TĐ - Một trong những nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm góp ý nhiều nhất của đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật GD (sửa đổi) là quy định về liên thông, hướng nghiệp. Theo các đại biểu, quy định trong dự thảo Luật rất tốt và có tính mở, tạo ra nhiều cơ chế, đổi mới cho GD nghề nghiệp. Vấn đề còn lại là vận hành ở phía dưới sau khi dự thảo Luật được thông qua tại Kỳ họp này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mong Dự thảo Luật sẽ được thông qua

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nhận xét: Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn như, quy định về liên thông, phân luồng, hướng nghiệp được thể hiện khá tốt và tường minh, bảo đảm tính mở theo xu hướng thế giới. Đặc biệt, lần này yếu tố phân luồng được thể hiện khá mạnh mẽ. “Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến việc chuộng bằng cấp. Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con cái chưa được tốt. Vì vậy, cứ tốt nghiệp THPT là phải lên ĐH; còn rẽ ngang từ THCS hoặc THPT sang học nghề là không phù hợp với con em mình. Do đó, xảy ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ là điều dễ hiểu”, đại biểu Phan Viết Lượng trăn trở.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vấn đề này đã được giải quyết trong dự thảo Luật GD (sửa đổi). Cụ thể dự thảo Luật đề xuất: Liên thông trong GD là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức GD và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, tạo công bằng, dân chủ và công khai, bình đẳng cho mọi người.

Việc liên thông phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng; chương trình GD được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình GD trước đó.

“Quy định trên đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ của Quốc hội thẩm tra, giải trình, làm rõ. Do đó, tôi thấy, đây là chủ trương tốt, cơ bản đáp ứng được những bất cập hiện nay. Vấn đề còn lại là khâu vận hành, tổ chức ở địa phương sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành”, đại biểu Phan Viết Lượng trao đổi, đồng thời bày tỏ tâm đắc với đề xuất quy định dạy văn hóa trong trường nghề. Đại biểu cũng mong muốn, Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước)
  • Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước)

Tạo đồng bộ trong hệ thống pháp luật về GD

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đồng thuận quan điểm, cần phải bổ sung một số điều khoản để quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông vào trong dự thảo Luật lần này. Qua đó nhằm thể hiện rõ mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng của hệ thống GD, bởi thực tế hiện nay hướng nghiệp, phân luồng đang gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Tâm lý phụ huynh và HS sau khi học hết bậc THCS vẫn muốn tiếp tục học lên THPT, sau đó là CĐ, ĐH. Vì vậy, kết quả phân luồng, tỷ lệ HS chuyển sang học nghề không đạt được như kỳ vọng của các cơ quan quản lý và người học cũng như người sử dụng lao động.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, việc bổ sung thêm nguyên tắc cơ chế liên thông ở các cấp học, trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học để tạo cơ hội học tập cho mọi người là hết sức cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là phải quy định đồng bộ, chuyển đổi qua lại giữa GD nghề nghiệp và GDĐH một cách phù hợp, tránh những hạn chế như trước đây, hoặc thậm chí như hiện nay đang bộc lộ những bất cập.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)
  • Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)

“Chẳng hạn như theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018 quy định: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh quy định phân nguồn tuyển sinh trình độ ĐH từ HS tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp CĐ, trung học. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 33 Luật GD nghề nghiệp thì thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng THCS trở lên là một đến hai năm, tùy theo chuyên ngành học hoặc nghề đào tạo. Trong khi đó, để tốt nghiệp THPT thì người học phải học tối thiểu là ba năm và phải thi tốt nghiệp. Như vậy, có sự bất cập trong việc tuyển sinh đại học đối với người tốt nghiệp trung cấp. Vì vậy, cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH năm 2018, cần xem xét, sửa đổi Luật GD nghề nghiệp năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về GD”, đại biểu Nguyễn Tạo đề xuất.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi)
 Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi)

Khẳng định, hướng nghiệp cấp học, THCS và THPT là chủ trương đúng; đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) nhấn mạnh: Chủ trương này tiếp tục quy định trong Dự thảo Luật GD (sửa đổi) làm cơ sở thực hiện phân luồng trong GD, tạo điều kiện để HS tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học các cấp học trình độ cao hơn. Việc theo học GD nghề nghiệp và tham gia lao động phù hợp với năng lực điều kiện cá nhân và nhu cầu xã hội sẽ góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của các lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

“Tuy nhiên, thực tiễn việc tổ chức triển khai hướng nghiệp cho HS cấp THCS và THPT thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn. HS đăng ký tham gia mang tính hình thức, chưa nhận thức đầy đủ mục đích hướng nghiệp. Do vậy, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về thời điểm tổ chức hướng nghiệp ở mỗi cấp, thời lượng và phương pháp giảng dạy phù hợp, bảo đảm địa điểm cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách liên quan nhằm tạo sự chuyển biến và nhằm phát triển khả năng sáng tạo, kích thích đam mê nghề nghiệp thu hút HS tham gia, giúp cho việc thực hiện phân luồng có hiệu quả”, đại biểu Phạm Thị Thu Trang góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.