Giải quyết an sinh xã hội thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Riêng trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 14.650 tỉ đồng, trong đó số tiền chậm đóng không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng.

Báo cáo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đến hết năm 2022, tổng số tiền chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng là gần 12,4 nghìn tỉ đồng gồm nợ gốc gần 8.561 tỉ đồng và lãi chậm đóng hơn 3.400 tỉ đồng. Trong đó, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 12.000 tỉ đồng, chiếm 97,2% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng tại gần 200.000 đơn vị.

Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu như năm 2021 có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội thì sang năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 31.800. Riêng trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình hình khó khăn những năm gần đây. Nguyên nhân nữa là do nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, chưa thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Nhiều đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài nhưng không còn tài sản bảo đảm hoặc nguồn tài chính dẫn đến số tiền chậm đóng tồn tại, không thể giải quyết do pháp luật chưa có quy định. Đặc biệt, chế tài xử lý hành vi nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế luôn hướng đến mục tiêu chăm lo, vì sự phát triển của con người; việc thực hiện và thụ hưởng các chính sách này đã được pháp luật quy định khá rõ ràng cả đối với người sử dụng và người lao động. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra hiện nay, đây thực sự là vấn đề rất trăn trở.

Để giải quyết tình trạng này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội - giải pháp căn cơ, lâu dài. Thế nhưng, trong khi chờ luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, vấn đề tiên quyết vẫn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải “đồng hành” với ý thức tuân thủ pháp luật.

Bên cạnh đó, phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thúc đẩy, đôn đốc việc thực hiện thu của cơ quan bảo hiểm xã hội đồng thời xử lý vấn đề nợ. Phải xem đây là vấn đề các cơ quan quản lý Nhà nước cần can thiệp, giải quyết, ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, bằng các quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu từng đặt câu hỏi rằng, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề an sinh xã hội thế nào khi họ về già? Không hề đơn giản vì trước mắt, lao động không được hưởng các quyền lợi chính đáng từ quỹ bảo hiểm xã hội. Về lâu dài, nếu không xử lý dứt điểm sẽ trở thành câu chuyện lớn về an sinh xã hội.

Do đó, vấn đề người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ là vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết tâm theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Hướng giải quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tìm chính sách đặc thù vì vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều lao động - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Cùng với các giải pháp để thu hút, giữ người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, tất yếu phải có giải pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp. Không thể để “quýt làm, cam chịu” như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ