7 nội dung quan trọng cần lưu ý
Đánh giá đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, sẵn các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đồng thời lưu ý 7 vấn đề quan trọng trong chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi. Các vấn đề này liên quan đến: Quán triệt nhận thức về vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn; lựa chọn, bố trí nhân sự cho Kỳ thi; chuẩn bị cơ sở vật chất; công tác tập huấn; phòng chống dịch Covid-19; công tác thanh tra, kiểm tra và chế độ thông tin báo cáo.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng cho biết: Mục đích thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của Kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng.
Liên quan đến xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn, theo Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế; ban hành Kế hoạch tổ chức Kỳ thi và hướng dẫn tổ chức Kỳ thi; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022; đồng thời ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Từ những văn bản, hướng dẫn được Bộ ban hành, Thứ trưởng đề nghị kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn liên quan đến Kỳ thi tại địa phương; trong đó đặc biệt là Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 trên địa bàn tỉnh để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy hiệu quả nhất vai trò mọi lực lượng được huy động tham gia vào Kỳ thi. Cùng với đó, thành lập Ban chỉ đạo thi ở địa phương, Thứ trưởng hoan nghênh việc thành lập Ban chỉ đạo thi đến cấp huyện. Cần có kế hoạch cụ thể của từng ban ngành trong Ban chỉ đạo do Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt.
Với vấn đề nhân sự, Thứ trưởng nhấn mạnh: Lựa chọn nhân sự, phân công nhân sự tham gia Kỳ thi là vô cùng quan trọng và cần làm cẩn thận, chặt chẽ; quán triệt quan điểm: Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên. “Đơn cử, nếu chọn được một trưởng điểm thi nghiêm túc thì điểm thi đó sẽ nghiêm túc.” - Thứ trưởng nêu ví dụ.
Làm tốt công tác tập huấn là nội dung quan trọng thứ tư được Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh. Theo đó cần phải bảo đảm chất lượng các đợt tập huấn, ngay cả lực lượng dự phòng cũng cần được tập huấn hết sức nghiêm túc.
Các nội dung tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho Kỳ thi; trong đó đặc biệt lưu ý chuẩn bị các điều kiện nơi đặt Hội đồng in sao đề thi; điểm thi bảo đảm an ninh, an toàn. Cùng với đó là chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống dịch tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương, quan điểm là cố gắng tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Cuối cùng, cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
5 yếu tố cơ bản bảo đảm thành công Kỳ thi
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong phát biểu đã nhấn mạnh đến những cụm từ khóa quan trọng trong Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: An toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19; trong đó, từ khóa “an toàn” được nhắc lại nhiều lần.
Để Kỳ thi diễn ra theo đúng yêu cầu, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, có 5 yếu tố hết sức cơ bản, đó là: Công tác phối hợp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác chuẩn bị cho Kỳ thi kỹ lưỡng, chu đáo; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và làm tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về tính chất Kỳ thi, cùng chia sẻ, phối hợp tham gia.
Về công tác phối hợp, Thứ trưởng làm rõ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với quy mô rất lớn, cả về số thí sinh và chủ thể tham gia tổ chức Kỳ thi, lại diễn ra trong thời gian rất ngắn, nên công tác phối hợp phải hết sức nhịp nhàng. Tên Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Kỳ thi năm nay có thêm từ “phối hợp” cũng thể hiện cho vai trò quan trọng của công tác này.
Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu chính là phòng ngừa; phải tham gia từ đầu để ngăn ngặn kịp thời hạn chế, bất cập, không để xảy ra vi phạm. Cán bộ tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn để nắm vững các văn bản, quy định, làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, phải kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Công tác kiểm tra, thanh tra phải rất kịp thời, vừa theo diện rộng, vừa có trọng điểm; có biên bản, thông báo để rút kinh nghiệm, đề phòng thì hiệu quả công tác thanh tra mới cao...