Trước thực trạng này, cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Giáo viên Trường Tiểu học Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) - chia sẻ những phương pháp giúp giáo viên dạy học phép tu từ so sánh ở lớp 3 đạt hiệu quả cao.
Phương pháp phân tích ngôn ngữ
Đây là phương pháp rất quan trọng trong quá trình dạy học Tiếng Việt nói chung và dạy học phép tu từ so sánh nói riêng. Giáo viên có thể vận dụng phương pháp này vào việc dạy các loại bài tập về phép tu từ so sánh trong phân môn Luyện từ và câu.
Ví dụ sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ vào dạy bài tập nhận diện, tiết luyện từ và câu tuần 1 (Tiếng Việt 3)
Tìm những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ, câu văn dưới đây
a. Hai bàn tay em
Như hoa đầu cành.
b. Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch.
c. Cánh diều như dấu “á”
Ai vừa tung lên trời
d. Ơ, cái dấu hỏi
Trông ngồ ngộ ghê,
Như vành tai nhỏ
Hỏi rồi lắng nghe.
Bước 1: Giáo viên nêu nhiệm vụ và phổ biến hình thức tổ chức hoạt động với các thao tác:
Thao tác 1: Học sinh đọc to ngữ liệu trong sách giáo khoa, cả lớp đọc thầm bằng mắt.
Thao tác 2: Giáo viên nêu nhiệm vụ: Các em hãy đọc kĩ các câu thơ, câu văn rồi tìm ra những sự vật được so sánh với nhau trong các câu thơ, câu văn đó.
Thao tác 3: Phổ biến hình thức tổ chức hoạt động (làm việc theo nhóm hoặc cá nhân).
Thao tác 4: Phát phiếu giao việc cho học sinh.
Bước 2: Học sinh tiến hành phân tích ngữ liệu và ghi kết quả vào phiếu.
Bước 3: Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả qua các bước:
Thao tác 1: Giáo viên treo bảng phụ có ghi những câu thơ, câu văn làm ngữ liệu trong sách giáo khoa
Thao tác 2: Học sinh báo cáo kết quả. Giáo viên dùng phấn gạch chân dưới những sự vật được so sánh với nhau.
Thao tác 3: Học sinh cả lớp theo dõi phân tích kết quả của bạn, nêu nhận xét bổ sung
Bước 4: Giáo viên tổ chức cho học sinh rút ra bài học, thông qua các câu hỏi dẫn dắt, gợi ý.
Đây là loại bài tập thực hành, nhưng mục đích là hình thành kiến thức mới về phép tu từ so sánh nên tiến hành phân tích - phát hiện là chủ yếu. Hướng phân tích tập trung vào cấu trúc cơ bản của phép so sánh và nhận diện ra 2 yếu tố quan trọng của phép tu từ so sánh là cái so sánh và cái được so sánh.
Khi sử dụng phương pháp này với hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh, giáo viên cần phối hợp vận dụng các hình thức dạy học như dạy học theo nhóm, học cá nhân có sự hỗ trợ của phiếu giao việc.
Phương pháp rèn luyện theo mẫu
Phương pháp rèn luyện theo mẫu thường được sử dụng trong việc tạo ra các hình ảnh so sánh. Để áp dụng phương pháp rèn luyện theo mẫu, giáo viên có thể tiến hành theo các bước sau đây:
Cung cấp mẫu lời nói hoặc hành động lời nói; hướng dẫn học sinh phân tích mẫu theo một số yêu cầu; học sinh mô phỏng mẫu để tạo ra lời nói của mình; kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Phương pháp thực hành giao tiếp
Sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp trong dạy học phép so sánh là giáo viên đưa ra những bài tập tình huống để học sinh đặt mình vào hoàn cảnh nói, tạo ra những câu có sử dụng hình ảnh so sánh phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Ví dụ: Tiết Tập làm văn tuần 8: “Kể về 1 người hàng xóm” (Tiếng Việt 3)
Cách tiến hành theo 2 bước như sau:
Bước 1: Giáo viên chuẩn bị các tình huống
Tình huống 1: Tình cờ một hôm em gặp lại bác hàng xóm mà nay đã chuyển nhà đi nơi khác. Bằng một câu có sử dụng phép so sánh, hãy tả lại hình dáng của bác hàng xóm cho mẹ em nghe.
Tình huống 2: Em và bác hàng xóm đang đi trên đường bỗng nhìn thấy phía trước có một tên cướp giật đồ của một cô gái rồi bỏ chạy. Bác hàng xóm đã đuổi kịp tên cướp và lấy lại đồ cho cô gái. Bằng phép so sánh, em hãy tả lại hành động chạy của bác hàng xóm lúc đó.
Bước 2: Giáo viên nêu lần lượt các tình huống. Sau đó, chỉ định hoặc lấy tinh thần xung phong của học sinh giải quyết các tình huống đặt ra. Mỗi tình huống có 2 bạn, mỗi bạn sẽ sắm vai một nhân vật trong từng tình huống đó. Các học sinh khác sẽ bổ sung, chỉnh sửa hoặc nêu ra hình ảnh so sánh khác.
Phương pháp thảo luận nhóm
Mục đích của việc thảo luận nhóm là đặt học sinh vào trong giao tiếp, đưa các em vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, yêu cầu các em hoạt động giao tiếp để từ đó tự hình thành, củng cố, khắc sâu kiến thức và rèn luyện kĩ năng sử dụng phép so sánh trong giao tiếp.
Qua hoạt động nhóm, giáo viên đánh giá được khả năng nắm kiến thức và vận dụng kiến thức về so sánh tu từ trong giao tiếp của học sinh.
Phương pháp thảo luận nhóm rất phù hợp với việc dạy phép so sánh tu từ cho học sinh. Có thể sử dụng phương pháp này để dạy cả 2 loại bài tập cơ bản của phép tu từ so sánh: Bài tập nhận diện và bài tập vận dụng.
Ví dụ: Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm để dạy loại bài tập nhận diện.
Bài: Luyện từ và câu Tuần 3 (T V 3, tập 1, trang 24) có thể tiến hành như sau:
Bước 1: Phân nhóm (nhóm cùng bàn)
Bước 2: Phát phiếu giao việc, học sinh thảo luận và cùng nhau giải quyết các câu hỏi trong phiếu.
Bước 3: Thông qua thảo luận nhóm giải quyết các bài tập trong phiếu giao việc, dưới sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh rút ra kiến thức.
Phương pháp trò chơi học tập
Yêu cầu khi xây dựng trò chơi học tập, về mục đích: Trò chơi phải hướng vào việc củng cố kiến thức về phép tu từ so sánh, rèn luyện kĩ năng vận dụng phép so sánh trong giao tiếp.
Về nội dung: Trò chơi phải chứa nội dung về phép so sánh. Thực chất, đây là những bài tập vui và nhẹ nhàng về phép so sánh.
Hình thức chơi: Các trò chơi thường được tiến hành thi theo nhóm hay cả lớp tuỳ vào nội dung trò chơi. Trò chơi có thể do GV hướng dẫn hoặc do HS tự tổ chức, góp phần rèn luyện tinh thần tập thể và sự hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
Về cách chơi: Cách chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tuỳ hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thực hiện trò chơi đơn giản (không cần chuẩn bị công phu) hay trò chơi có phần phức tạp (phải chuẩn bị trước) song phải đạt đựoc cái đích cuối cùng là củng cố kiến thức và tăng hứng thú học tập.