Ảnh minh họa: Internet
Cháu là con gái tuổi 20, nhưng cháu rất mất tự tin vì chân tay cháu có nhiều lông mọc dài và dày. Trong khi nét mặt, giọng nói của cháu rất nữ tính, kinh nguyệt đều đặn. Có cách nào để khắc phục được chứng rậm lông của cháu không? Mong bác sĩ tư vấn giùm!
Thu Anh (Hà Nội)
Chứng rậm lông ở phụ nữ là sự mọc lông thái quá do ảnh hưởng của nội tiết tố androgen. Lông thường mọc nhiều ở mặt, cằm, ngực, quầng vú, có khi ở cả tay chân.
Bình thường androgen được tiết ra với lượng rất nhỏ từ tuyến thượng thận và buồng trứng. Sở dĩ có chứng rậm lông là do u tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang…
Androgen được tiết quá nhiều sẽ tạo nên hiện tượng rậm lông, trứng cá, béo phì, rối loạn kinh nguyệt… Ngoài những căn nguyên trên còn có một số trường hợp rậm lông tự phát do: tăng prolactin trong máu; dùng thuốc nội tiết kéo dài như liệu pháp androgen, sử dụng thuốc corticoid (dexamethason, prednisolon...), thuốc tránh thai…
Cháu chỉ rậm lông đơn thuần mà không bị nam hóa giọng nói kèm rối loạn kinh nguyệt… nên có khả năng cháu bị rậm lông tự phát.
Điều trị rậm lông có thể bằng các phương pháp: không dùng thuốc, dùng phương tiện cơ học để nhổ lông kết hợp với liệu pháp dùng thuốc.
- Cách điều trị không dùng thuốc gồm: tẩy lông; làm rụng lông như cạo và dùng hóa chất; triệt lông tận gốc như nhổ lông, tẩy sáp, liệu pháp laser. Dùng hóa chất để làm rụng lông có thể có hiệu quả khi rậm lông ở dạng nhẹ chỉ ở vùng giới hạn nhưng cách này có thể gây kích thích da. Dùng cách tẩm sáp lấy lông đi tạm thời nhưng gây khó chịu…
- Dùng thuốc để điều trị tình trạng quá nhiều androgen, làm gián đoạn một hay nhiều bước trong quá trình biểu hiện rậm lông, kết quả làm chậm tăng trưởng lông. Uống thuốc ngừa thai là cách điều trị nội tiết ưu tiên cho rậm lông nhưng chống chỉ định với phụ nữ có bệnh sử huyết khối tắc mạch hoặc với phụ nữ bị ung thư vú hay các loại ung thư thuộc estrogen khác.
Cũng có thể dùng thuốc kháng androgen như cyproterol acetat, tác động chủ yếu bằng cách cạnh tranh ức chế với khả năng liên kết của testosteron và DHT với thụ thể androgen…
Hoặc spironolacton, thường dùng như chất đối kháng của corticoid cũng là một chất kháng androgen yếu, tránh dùng cho bệnh nhân có thai vì có nguy cơ nữ hóa thai nam, chất này thường dùng kết hợp với một thuốc ngừa thai uống để giúp ngừa thai và ức chế sản xuất androgen buồng trứng.
Tuy nhiên, cháu cũng nên đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể, không tự ý chữa hoặc dùng các thuốc nội tiết khi chưa có chỉ định.
DS. Thanh Hà