Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí giáo dục ở Điện Biên

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nhằm nâng cao tỷ lệ các xã đạt chuẩn các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng NTM.

Tỉnh Điện Biên tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Tỉnh Điện Biên tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục tiêu quan trọng

Những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên và các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các địa phương. Kinh phí đầu tư cho giáo dục được tăng cường. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng các điều kiện tối thiểu phát triển sự nghiệp GD&ĐT.

Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên xác định những mục tiêu quan trọng trong phát triển giáo dục gắn với việc thực hiện các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo đó, đối với tiêu chí số 5 về trường học, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị trường học để đảm bảo cơ sở vật chất thiết bị theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phấn đấu đến năm 2025, có 100% phòng học kiên cố hóa và 90% phòng nội trú được kiên cố hóa.

Đối với tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu 100% số xã duy trì và nâng cao tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 2. Phấn đấu đến năm 2024, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS mức độ 3.

Giờ học Tiếng Anh của cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông.

Giờ học Tiếng Anh của cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Điện Biên Đông.

Tỉnh Điện Biên cũng đặt ra mục tiêu đến hết năm 2023, trong 115 xã nông thôn của tỉnh có 93 xã đạt tiêu chí số 5 (chiếm gần 81%) và 104 xã đạt tiêu chí số 14 (chiếm 90,43%). Trong đó, có 85 xã đạt cả hai tiêu chí về giáo dục, chiếm tỷ lệ 73,91%.

Song song với đó, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện và duy trì kết quả đạt phổ cập giáo dục mầm mon cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Đồng thời, phấn đấu đạt phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 với mục tiêu 129/129 đơn vị cấp xã.

Giải pháp giúp đỡ các xã đạt chuẩn

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên để ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các xã hoàn thiện những tiêu chí về giáo dục trong xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua gắn với tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, mục đích, ý nghĩa, nội dung về xây dựng NTM, đô thị văn minh tới các đơn vị, cơ sở giáo dục. Từ đó, chủ động, tích cực, tự giác tham gia đóng góp trí tuệ, công sức và đẩy mạnh xã hội hóa để chung sức xây dựng NTM” – ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phấn đấu đạt các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể tại các Kế hoạch của UBND tỉnh, ngành GD&ĐT về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 .

Nhiệm vụ phát triển mạng lưới trường, lớp học cũng được ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên chú trọng. Theo đó, toàn ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120 của Chính phủ và Kế hoạch số 3029 của UBND tỉnh Điện Biên. Bố trí sắp xếp tăng tối đa số học sinh/lớp ở tất cả các cấp học, các cơ sở giáo dục nhưng không vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT. Tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ - tin học ngoài công lập.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả huy động dân số độ tuổi đến trường. Cử giáo viên, học sinh có khả năng tuyên truyền, vận động đến các thôn, bản, các hộ dân có con, em trong độ tuổi đến trường để tuyên truyền với về vai trò và tầm quan trọng của việc học tập.

Công tác xã hội hoá giáo dục được chú trọng đã góp phần duy trì tỷ lệ học sinh tới lớp.

Công tác xã hội hoá giáo dục được chú trọng đã góp phần duy trì tỷ lệ học sinh tới lớp.

Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết thêm: “Các giải pháp được thực hiện đều hướng tới nâng cao chất lượng GD&ĐT. Để làm được mục tiêu đó, ngành đã chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục dạy và học, nhất là giáo dục vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả ba cấp học đảm bảo đúng tiến độ, có chất lượng, đúng quy định và phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương”.

Cùng với đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng trong toàn tỉnh. Tích cực đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, quản lý giáo dục, hỗ trợ công tác dạy và học.

Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu triển khai thực hiện Chương trình GDPT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có. Tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục theo chỉ tiêu biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên phổ thông các môn chuyên biệt, giáo viên mầm non.

Huy động nguồn lực xã hội hoá để đầu tư cơ sở vật chất.

Huy động nguồn lực xã hội hoá để đầu tư cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, huy động lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, NTM và giảm nghèo bền vững cũng như cân đối ngân sách địa phương, nguồn ủng hộ từ cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị trường học”.

"Chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát thiết bị trường học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu. Kịp thời xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung đáp ứng yêu cầu dạy và học theo quy định, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình đổi mới. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho các trường trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục" - ông Nguyễn Văn Đoạt thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ