Giải pháp của Chính phủ thực hiện hiệu quả hơn xã hội hoá trong giáo dục

GD&TĐ - Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn chính sách xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục.

Cô trò Trường tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.
Cô trò Trường tiểu học Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội.

Những giải pháp này được nêu ra trong báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định về danh mục tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời; đặc biệt là các tiêu chí về diện tích sử dụng đất, quy mô hoạt động.

Chính phủ giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa các quy định về tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở xã hội hóa vào các Luật chuyên ngành, hoặc Nghị định hướng dẫn chuyên ngành của các dự án Luật khi được ban hành để phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực và đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đồng thời, quan tâm tháo gỡ vướng mắc từ những quy định của Trung ương đối với lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng để tạo điều kiện cho công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT của địa phương.

Đặc biệt chú ý đến ban hành các văn bản quy định cơ chế đặc thù về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT với địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

Điều chỉnh, bổ sung đối tượng, chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư của xã hội; bổ sung ưu đãi hỗ trợ lương giáo viên tùy theo điều kiện kinh tế của các địa phương; rà soát bổ sung đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT, dạy nghề.

Cùng với đó, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước. Tháo gỡ khó khăn đối với tài sản công theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công khi thực hiện xã hội hóa theo hình thức Luật Đầu tư.

Tiếp tục chỉ đạo địa phương có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập các cơ sở ngoài công lập, giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng..., tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngoài công lập được thành lập, hoạt động có hiệu quả; bảo đảm không phát sinh hoặc làm phức tạp thêm thủ tục hành chính đang áp dụng.

Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra giải pháp: Ban hành cơ chế chính sách của địa phương để thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về đất đai. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương. Ưu tiên lồng ghép các vấn đề xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương.

Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập khi xây dựng quy hoạch tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đền Vạn hướng mặt về phía dòng sông Lam.

Danh thần phụng sự 3 đời vua Trần

GD&TĐ - Sinh ra trong thời đại nhiều nhân tài nhưng Đoàn Nhữ Hài vẫn khẳng định được bản thân, trở thành danh thần 'văn võ song toàn'.

Nhiều tỉnh thành phía Bắc thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: INT

Những siêu bão năm Giáp Thìn

GD&TĐ - Nhìn vào lịch sử những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thật là trùng hợp khi chúng đang lặp lại theo chu kỳ 60 năm.