Các nhà khoa học đã xác định được mức độ tổn thương và nguyên nhân gây suy thoái, đồng thời đưa ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại, duy trì sự cân bằng, đa dạng sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát.
Đánh giá tổn thương của hệ sinh thái
TS Nguyễn Văn Hồng và nhóm các nhà khoa học Viện Địa lý đã triển khai thực hiện Dự án: “Điều tra, đánh giá tính tổn thương của các hệ sinh thái khu vực Vườn quốc gia Pù Mát”.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là có được bộ cơ sở dữ liệu GIS đồng bộ, thống nhất, hiện đại về đặc điểm và tính tổn thương của các hệ sinh thái trong khu vực Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát; Đánh giá được tính tổn thương của các hệ sinh thái và đề xuất được các giải pháp giảm thiểu tồn thương phục vụ bảo tồn đa dạng hệ sinh thái tại khu vực VQG Pù Mát.
Theo TS Nguyễn Văn Hồng, VQG Pù Mát là trung tâm của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được UNESCO chính thức công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007. Vườn quốc gia thuộc khu vực sinh thái Bắc Trường Sơn, là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất khu vực, mang tính đại diện cho sự đa dạng sinh học của vùng.
Với vai trò là một trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, VQG Pù Mát không chỉ là tài sản thiên nhiên quý giá mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ từ các tổ chức, quốc gia và các nhà khoa học.
Việc phân tích, đánh giá tính tổn thương hệ sinh thái trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng, biến động và sự tác động tương hỗ giữa các yếu tố tự nhiên, nhân sinh là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cũng như thực tiễn cho công tác quản lý, quy hoạch, bảo tồn.
Tuy nhiên, các số liệu điều tra cơ bản liên quan đến tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Những thông tin hiện tại còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ, chưa được hệ thống hóa đầy đủ, cập nhật kịp thời và chưa ứng dụng hiệu quả các công nghệ hiện đại.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán giá trị tổn thương sinh thái VQG Pù Mát bằng cách tích hợp công nghệ GIS, kỹ thuật FAHP, sử dụng dữ liệu từ 11 yếu tố tự nhiên, xã hội và môi trường.
Kỹ thuật FAHP xác định trọng số các yếu tố, từ đó nhận diện các khu vực dễ bị tổn thương sinh thái, chủ yếu nằm ở thung lũng, đồng bằng, đồi xung quanh sông Lam, dọc đường cao tốc và vùng đệm của VQG Pù Mát. Đây là những nơi tập trung dân cư sinh sống với mô hình kinh tế sinh thái và sản xuất nông nghiệp hộ gia đình.
Trong khuôn khổ nghiên cứu, các bản đồ nguy cơ tai biến thiên nhiên về hạn hán, lũ lụt, trượt lở, xói mòn được thành lập để phục vụ đánh giá tác động của chúng tới phân bố, biến động các hệ sinh thái.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã xây dựng bản đồ phân bố hệ sinh thái năm 2010, 2015 và 2020. Từ đó, phân tích và đánh giá các đặc điểm phân hóa, biến động hệ sinh thái giai đoạn 2010 - 2020, đồng thời dự báo xu hướng biến động đến năm 2030 bằng mô hình nhằm định hướng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học khu vực nghiên cứu.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái
TS Nguyễn Văn Hồng cho biết, tại khu vực VQG Pù Mát, đây là lần đầu tiên có nghiên cứu về tổng hợp và đánh giá mức độ tổn thương hệ sinh thái dựa trên 11 chỉ số tự nhiên, xã hội, môi trường.
Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trước tiên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu GIS toàn diện, bao gồm 33 bản đồ được phân chia thành 4 nhóm: Nhóm dữ liệu nền (5 bản đồ), nhóm dữ liệu điều kiện tự nhiên (10 bản đồ), nhóm dữ liệu tai biến môi trường (6 bản đồ) và nhóm dữ liệu tổn thương hệ sinh thái (12 bản đồ).
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành điều tra và đánh giá mức độ tổn thương của các hệ sinh thái tại VQG Pù Mát, tập trung vào tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và các tai biến tự nhiên. Dựa trên phân tích đặc điểm hệ sinh thái và các yếu tố tác động, nhóm đã sử dụng phương pháp phân tích tương quan tuyến tính với 200 điểm mẫu bằng phần mềm SPSS.
Kết quả cho thấy, 4 yếu tố có tương quan dương mạnh với tổn thương hệ sinh thái gồm: Chỉ số bảo tồn nước, xói mòn đất, mật độ dân số và tỷ lệ đất canh tác dưới 20 độ C. Ngược lại, mật độ giao thông, độ cao và độ dốc có tương quan mạnh với mức độ tổn thương hệ sinh thái.
Trên cơ sở phân tích, nhóm đã đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu tổn thương hệ sinh thái, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học VQG Pù Mát.
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp góc nhìn toàn diện về tổn thương hệ sinh thái và cơ sở khoa học góp phần bảo tồn, phát triển bền vững khu vực nghiên cứu. Nhóm mong muốn tiếp tục mở rộng nghiên cứu để làm rõ hơn mối quan hệ giữa tính tổn thương và sự phân hóa của các hệ sinh thái, từ đó góp phần duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học trong giai đoạn dài hạn.