Tại sao chúng ta mơ?
Đây là câu hỏi thách thức các nhà khoa học từ lâu với nhiều cách giải thích khác nhau. Nghiên cứu của nhà tâm lý học Deirdre Barrett thuộc Đại học Harvard tiết lộ, khoảng thời gian ngủ say có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề nan giải, khó khăn xuất hiện vào ban ngày. Giấc mơ chính là một phần của đời sống thực, nó không chỉ là sự phản ánh tư duy một cách đơn thuần mà còn góp phần định hướng và vận hành tư duy, Barrett phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Tâm lý học diễn ra vào cuối tháng 5/2010. "Vì vậy mà theo thời gian, chúng có thể mang hai nhiệm vụ: giúp não tái khởi động và giải quyết vấn đề", Barrett nói.
Bạn có thể kiểm soát giấc mơ của mình?
Trong một giấc mơ sáng suốt (giấc mơ mà trong đó người mơ biết rằng mình đang mơ), bạn hoàn toàn kiểm soát được vai trò của mình hay điều khiển những kinh nghiệm tưởng tượng của mình bên trong giấc mơ đó. "Nếu bạn quan tâm đến những giấc mơ dạng này thì không nên bỏ qua các trò chơi video", Jayne Gackenbach, một nhà tâm lý học đến từ Đại học Grant MacEwan (Canada) cho biết. “Các game thủ có khả năng kiểm soát thế giới ảo trong trò chơi và điều này có thể áp dụng sang giấc mơ của họ”, Gackenbach cho biết thêm.
Tiến hành một loạt phân tích, Gackenbach nhận thấy những người thường xuyên chơi game dạng video nhiều khả năng sẽ gặp được các giấc mơ sáng suốt nhờ vào việc trải nghiệm những gì diễn ra bên ngoài cơ thể họ trong thế giới ảo. Việc kiểm soát giấc mơ cũng tương tự như kiểm soát nhân vật trong game. "Phát hiện này góp phần không nhỏ trong việc điều trị chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD) thường gặp ở các cựu chiến binh", Gackenbach chia sẻ.
Hay thức khuya sẽ gặp ác mộng?
Thức khuya giúp bạn có thêm nhiều thời gian để làm việc nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải quên đi những giấc mơ tươi đẹp, hạnh phúc. Nghiên cứu được công bố vào năm 2011 trên tạp chí Sleep and Biological Rhythms tiết lộ rằng người hay thức đêm sẽ có nhiều “cơ hội” trải nghiệm... ác mộng. Một trong những nguyên nhân có thể là vì nồng độ cortisol - còn được gọi là hoóc môn gây căng thẳng - đạt mức cao nhất vào buổi sáng ngay trước khi chúng ta thức dậy, trong giai đoạn giấc ngủ REM. Nếu bạn vẫn ngủ vào thời điểm đó, sự gia tăng cortisol có thể gây ra những giấc mơ đầy ám ảnh, các nhà khoa học suy đoán.
Giấc mơ bạo lực có thể là một dấu hiệu cảnh báo
Hội chứng rối loạn hành vi trong giấc ngủ REM là một loại rối loạn giấc ngủ hiếm gặp khiến người mắc phải đôi khi có những hành động mang tính bạo lực như đấm, đá và gào thét trong khi ngủ. Những giấc mơ dạng này có thể là một dấu hiệu sớm của chứng rối loạn não, bao gồm bệnh liệt rung và mất trí. Kết quả từ một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí Neurology cho biết, giai đoạn mới bắt đầu của những rối loạn ảnh hưởng xấu đến mô thần kinh có thể xuất hiện hàng chục năm trước khi các bác sĩ phát hiện ra nó.