Việt Nam vừa phát hiện bệnh nhân thứ hai nghi nhiễm Ebola, sau khi anh này bay từ Guinea về sân bay Tân Sơn Nhất có quá cảnh Marrocco và Qatar.
Trong khi đó đợt dịch tồi tệ đang hoành hành tại Tây Phi khiến nhiều người đổ dồn chú ý vào sự chết chóc dù số bệnh nhân hồi phục không nhỏ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm Ebola trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 10.000 với gần 5.000 người tử vong.
Thực tế này đã thúc đẩy một bác sĩ người Mỹ, John Schiefflin (ĐH Tulane) tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu nguyên nhân vì sao một số bệnh nhân Ebola có thể sống sót, trong khi số khác thì không.
Công bố hôm 29/10 trên New England Journal of Medicine, nghiên cứu là kết quả phân tích dữ liệu về các bệnh nhân Ebola tại Bệnh viện chính quyền Kenema thuộc Sierra Leone từ ngày 25/5 tới 18/7 năm nay.
Trong thời gian này, bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trường hợp nhiễm, song chỉ có 44 bệnh án được phân tích kỹ lưỡng. Số còn lại đã bị đốt cháy do lo ngại nơi lưu trữ hồ sơ có thể nhiễm virus.
Số lượng này cũng giúp bác sĩ John Schiefflin cùng nhóm nghiên cứu đưa ra những phát hiện đáng chú ý. Họ kết luận: Khả năng kháng cự với Ebola bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, các triệu chứng bệnh và số lượng virus trong cơ thể.
Đối tượng có nguy cơ cao là những người trên 45 tuổi với tỷ lệ tử vong tới 95%, theo nghiên cứu. Khả năng thoát khỏi bàn tay tử thần của Ebola nghiêng về nhóm tuổi dưới 21, với 55% tử vong.
Số lượng virus hiện diện trong cơ thể mỗi người khác nhau đáng kể là phát hiện khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ. Đây cũng là yếu tố quyết định khả năng sống sót của bệnh nhân Ebola.
Theo đó, 33% bệnh nhân có dưới 100.000 virus trên một ml máu tử vong, trong khi 94% người có 10 triệu virus trên một đơn vị máu đã chết.
Trong đợt dịch hiện tại, sốt là triệu chứng thường gặp nhất, xuất hiện trên 89% người bệnh. Kế đến là đau đầu (80%), suy nhược (66%), chóng mặt (60%), tiêu chảy (51%), đau bụng (40%) và nôn mửa (34%).
Theo bác sĩ Schiefflin, phản ứng của từng cơ thể khi Ebola xâm nhập lại rất khác nhau. “Có những người nhiễm bệnh nhưng tình trạng nhẹ, trong khi bệnh nhân khác lại rất nghiêm trọng và diễn tiến xấu đi nhanh chóng”, ông giải thích.
Không phải triệu chứng phổ biến nhất nhưng các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy và biến chứng nặng khác thường rất dễ dẫn tới tử vong. Bác sĩ Schiefflin khuyến cáo nhân viên y tế nên chăm sóc tích cực cho bệnh nhân bằng truyền dịch tĩnh mạch nhằm hạn chế mất nước và duy trì hoạt động của hệ miễn dịch.
Nghiên cứu còn cho thấy sự hiếm xuất hiện của xuất huyết trong vụ dịch hiện tại với chỉ một bệnh nhân trong nhóm khảo sát có triệu chứng này.
Cũng theo kết quả phân tích, tỷ lệ tử vong nói chung là 74%, tương đương với dịch xảy ra trong quá khứ.
Ngoài ra, thời kỳ ủ bệnh của virus Ebola là 6-12 ngày trước khi người bệnh biểu hiện triệu chứng. Điều này có thể là một nhân tố tiềm tàng ảnh hưởng tới quy trình cách ly đang được thực hiện là 21 ngày với những đối tượng có nguy cơ cao như người vừa trở về từ vùng dịch.
Nhận định về nghiên cứu, bác sĩ Schiefflin cho rằng đây là lần đầu tiên một số lượng đáng kể các dữ liệu về bệnh nhân Ebola được thu thập. Theo ông, các phát hiện này là căn cứ khẳng định những quan sát trước đây của các bác sĩ điều trị cho người nhiễm Ebola.
Nghiên cứu cũng vấp phải những chỉ trích về việc lãng phí nguồn lực trong khi dịch đang hoành hành.
Đáp lại, tiến sĩ Schieffelin cho rằng phân tích cung cấp cái nhìn thực tế và quan trọng giúp các nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại tâm dịch. Trong đó, có thể bao gồm các dữ liệu xác định những cách tiếp cận điều trị và chẩn đoán mới.