Giải mã doanh thu kỷ lục của “Bố già” Việt Nam

GD&TĐ - Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hiện tượng phim “Bố già” đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử phim Việt gây sự chú ý của nhiều người.

Một cảnh trong phim “Bố già”.
Một cảnh trong phim “Bố già”.

Vượt ngưỡng 350 tỷ đồng

Theo Box Office Vietnam (boxofficevietnam.com), tính đến 12 giờ ngày 3/4, “Bố già” đã  vượt ngưỡng trên 350 tỷ đồng, trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam, vượt mặt cả siêu bom tấn “Avengers: Endgame”, từng đạt hơn 272,9 tỷ đồng vào năm 2019.

Câu chuyện và không gian của phim “Bố già” khá giản dị, diễn ra trong một xóm lao động tại TPHCM với một gia đình có sự khác biệt về cách yêu thương, cách hy sinh giữa 2 cha con Ba Sang và Quắn - cũng là 2 thế hệ, 2 lối sống - mà dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn.

Diễn viên Trấn Thành (diễn viên chính, tham gia viết kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất “Bố già”) từng trả lời phỏng vấn: “Tôi thật sự rất muốn “Bố già” làm nên điều gì đó cho nền điện ảnh Việt”. 

Trước thông tin phim “Bố già” vượt mốc 350 tỷ đồng, đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam, cũng có ý kiến hoài nghi “liệu đây có phải là chiêu trò của nhà sản xuất hay không?”.

Nhà báo Hà Văn Bảy (Báo Thể thao & Văn hóa) cho rằng, việc công bố doanh số đi liền với chuyện đóng thuế nên chúng ta có thể yên tâm về độ xác thực về thông tin mà trang boxofficevietnam.com đưa ra và cập nhật liên tục về doanh số các phim chiếu rạp.

“Tuy nhiên, không phải cứ chủ đề gia đình là thắng lớn về doanh thu, nếu phim không đáp ứng được tối thiểu 3 tiêu chí. Thứ nhất, phim phải được làm tương đối nghiêm túc, chắc tay, hướng đến sự chỉn chu trong dàn dựng, mượt mà trong cách thể hiện, kể chuyện.

Thứ 2, phim phải chạm đến cảm xúc người xem bằng các tình huống đời thường, chân thật nhất có thể. Thứ 3, phải có đủ may mắn khi chọn đúng thời điểm ra rạp, rơi đúng nhu cầu mua vé của khán giả. 

Có thể “Bố già”, “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”, “Lật mặt: Nhà có khách”… chưa thật hoàn chỉnh ở khía cạnh thứ nhất, nhưng ở khía cạnh thứ 2 và thứ 3 thì khá phù hợp, nên được yêu thích.

Có nhiều phim được làm khá hoàn chỉnh ở khía cạnh thứ nhất, nhưng với khía cạnh thứ 2 thì xem thấy “xạo quá đi”, thấy “không phải Việt Nam mình” là ít người mua vé. Chính vì vậy mà có nhiều phim dù “giương cao ngọn cờ” gia đình nhưng vẫn thất bại phòng vé, vì nó không gần gũi, nó vay mượn hoàn cảnh và tâm lý nước ngoài…” - nhà báo Hà Văn Bảy nhận định.

Poster phim “Bố già”.
Poster phim “Bố già”.

Ăn may hay chất lượng đích thực?

Lý giải về “hiện tượng doanh thu” của phim “Bố già”, nhà báo Tiểu Vũ (Báo điện tử Một thế giới) cho rằng: “Trường hợp phim “Bố già” của Trấn Thành có doanh thu kỷ lục là một hiện tượng đặc biệt đang tạo nên nhiều tranh cãi.

Dư luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là cú ăn may của Trấn Thành hay là chất lượng nội dung của bộ phim đã kéo khán giả đến rạp đông như vậy. Theo tôi, phim “Bố già” đạt được cả hai yếu tố này. Chất lượng bộ phim tương đối ổn và ra rạp đúng với thời điểm nên có doanh thu cao là điều dễ hiểu”. 

Theo nhà báo Tiểu Vũ, đạt doanh thu cao cho một bộ phim là điều ao ước của bất cứ nhà làm phim nào. Để có được điều này không hề là việc dễ dàng nhưng với Trấn Thành thì dường như nó diễn ra vô cùng thuận lợi. 

Xét về “thương hiệu” cá nhân, Trấn Thành là một nghệ sĩ đa năng, anh gần như tham gia tất cả các hoạt động về văn hóa giải trí trên nhiều trò như diễn hài, MC, diễn viên điện ảnh…  nên sức ảnh hưởng đối với khán giả là khá lớn. Suốt một thời gian dài, Trấn Thành cũng đã xây dựng cho mình một lượng fans khổng lồ. 

Trong khi đó phim “Bố già” mang đậm dấu ấn cá nhân của Trấn Thành (diễn viên chính, viết kịch bản, đạo diễn kiêm nhà sản xuất) hẳn nhiên sẽ được sự đón nhận của khán giả. Người ta đến rạp để xem thử sản phẩm của thần tượng mình như thế nào.

Chưa kể đến chất lượng của phim, chỉ tính riêng lượng fans của Trấn Thành đến rạp xem phim để “ủng hộ” thần tượng thì đã có con số  khổng lồ rồi. Điều này cho thấy những nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân của Trấn Thành trong quá khứ đã được đền đáp cụ thể bằng số lượng khán giả đến rạp xem “Bố già”. 

“Xét ở khía cạnh thời điểm ra rạp, Bố già ra mắt vào đầu tháng 3/2021, thời điểm sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã được kiểm soát. Đối với người yêu điện ảnh suốt một thời gian dài xem phim trực  tuyến, việc được tự do đến rạp xem một bộ phim điện ảnh là cảm giác cực kỳ thú vị” - nhà báo Tiểu Vũ nhận định.

Nhà báo Hà Văn Bảy (trái) và nhà báo Tiểu Vũ bàn luận về phim “Bố già” của Trấn Thành. Ảnh: C.Chương.
Nhà báo Hà Văn Bảy (trái) và nhà báo Tiểu Vũ bàn luận về phim “Bố già” của Trấn Thành. Ảnh: C.Chương.

Có phải là tác phẩm điện ảnh?

Theo nhà báo Quỳnh Trang (Báo Pháp luật TPHCM), doanh thu của phim “Bố già” làm nhiều nhà làm phim ao ước và ít nhiều đắn đo với lựa chọn của mình, nhất là những người thật sự đang làm phim điện ảnh.

Tuy nhiên, câu chuyện phim xúc động, thoại xúc động… không thể làm nên một phim điện ảnh. Rất tiếc là khán giả lại thích điều đó, khán giả chỉ cần câu chuyện đủ để khóc cười chứ không cần đó là phim điện ảnh hay thể loại gì.

Đồng thời, nhà báo Quỳnh Trang dẫn lời một khán giả cho rằng, “Bố già” là một tản văn đẹp, không phải tản văn hay; tản văn không phải là tiểu thuyết, truyện dài (những thể loại thường được dùng để chuyển thể làm kịch bản). “Bố già” là một tản văn đẹp và đôi chỗ sai chính tả…

Với hiện trạng điện ảnh Việt Nam hiện tại, khán giả, giới chuyên môn, truyền thông… hài lòng với “Bố già” như một tác phẩm điện ảnh thì cũng khó trách. Bởi người xem Việt ít khi quan tâm thể loại, họ thấy hay chỉ vì họ đồng cảm được ít nhiều trong chuyện phim; giới chuyên môn cũng lắm người chỉ mong phim ra rạp lời thật lời, vậy là đủ.

“Dường như “Bố già” đang làm cho một số người làm nghề rơi vào chứng vĩ cuồng, khán giả rơi vào hội chứng đám đông. Bây giờ, ai chưa xem “Bố già” như… tụt hậu với thế giới bên ngoài, không đồng cảm với “Bố già” chẳng khác gì người nông cạn, “Bố già” đưa điện ảnh Việt lên tầm cao mới… 

Một người là chuyên gia bình luận trong lĩnh vực điện ảnh còn cho rằng, lâu lắm rồi trong hơn 20 năm theo dõi phim Việt Nam chiếu rạp anh mới xem được một bộ phim Việt nguyên bản trọn vẹn và chạm đến trái tim anh…

Tuy nhiên, nếu tỉnh táo để đặt câu hỏi, “Bố già” xem ở nhà có khác gì xem ở rạp không? thì không khó để có thể trả lời… “Bố già” có thể xem ở nhà, như web-drama, phim truyền hình, gameshow; chỉ khác khi xem ở rạp bởi Bố già được mang chiếu ở rạp…”  - nhà báo Quỳnh Trang nhận định.

Ngoài Bố già, 10 phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao tiếp theo là Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Tiệc trăng máu, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu 3, Lật mặt: Nhà có khách, Siêu sao siêu ngố, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Em là bà nội của anh. Nhìn vào danh sách này, có thể thấy chủ đề gia đình luôn là trọng tâm của thành công, ngay cả với phim hành động Hai Phượng thì cũng là hành trình cứu con gái bị bắt cóc. Nhà báo Hà Văn Bảy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ