Dư nợ tín dụng tăng
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương, sáng 16/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đồng chủ trì.
Từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gặp gỡ để lắng nghe phản ánh của DN, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Việc tổ chức hội nghị kết nối tại 3 thành phố lớn lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Trần Văn Tần cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, đến cuối tháng 3/2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt hơn 160 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt trên 520 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện giải ngân cho vay mới thêm trên 120.400 tỷ đồng cho 10.310 DN. Mức lãi suất cho vay phổ biến cũng chỉ vào khoảng 6 - 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 8 - 9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 12 nghìn tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 DN.
Cùng tháo gỡ khó khăn
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam thông tin, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khả năng tài chính bị hạn chế. Nhưng thực tế, nhiều DNNVV không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch. Một số thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay.
Chính những vấn đề nêu trên đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Hoặc các doanh nghiệp không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Theo bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Bà Trần Thu Hằng cũng cho biết, thủ tục ngân hàng khó khiến DNNVV, siêu nhỏ ngại vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen. Từ thực trạng được phản ánh, bà Trần Thu Hằng đề nghị, ở một góc độ nào đó, ngân hàng cần có các giải pháp để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thân cũng chỉ ra rằng, vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời, cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp. Cụ thể là điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
NHNN cũng xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Ngoài ra, NHNN còn triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ…; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, trong chính sách điều hành tín dụng năm nay, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dù phải thắt chặt tín dụng như thế nào thì ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.