Sớm đưa hàng Việt lên Amazon

GD&TĐ - Các cuộc thảo luận gần đây giữa Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương và Amazon đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt. Người tiêu dùng trong nước cũng đang ngóng đợi việc mua hàng sẽ dễ dàng hơn khi trang bán hàng trên mạng xuyên biên giới này vào Việt Nam.

Những sản phẩm được bán trên Amazon có lợi thế vận chuyển nhanh
Những sản phẩm được bán trên Amazon có lợi thế vận chuyển nhanh

Lưu ý thị hiếu người tiêu dùng

Sau hai cuộc thảo luận vừa diễn ra tại Hà Nội và TPHCM, thu hút hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) và Amazon Global Selling đã thống nhất phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT), trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên các trang web toàn cầu của Amazon; Đào tạo cho các DNNVV về TMĐT để XTTM, xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng toàn cầu trên trang này. Ông Bernard Tay - Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho biết, Amazon mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục một số điểm hạn chế, mở ra cơ hội tiếp cận với khách hàng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, kinh doanh trên mạng xuyên biên giới cũng không dễ dàng gì. Chương trình phối hợp giữa Cục XTTM và Amazon Global Selling được thiết kế để đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với bán hàng trên hệ thống của Amazon. Những doanh nghiệp phù hợp sẽ được hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật trong các khâu đăng ký gian hàng, đưa thông tin sản phẩm lên website của Amazon; đồng thời, chương trình cũng sẽ giới thiệu đến doanh nghiệp các nhà cung cấp dịch vụ thứ 3 có thể hỗ trợ hiệu quả không chỉ trong khâu đăng ký gian hàng mà cả những khâu như thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa…

Do đó phía đối tác với Amazon tại Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin tới Cục XTTM, đồng thời theo sát các hướng dẫn, tư vấn của chương trình, cũng như chủ động tìm hiểu thông tin về TMĐT và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ để có thể tận dụng tốt nhất những ưu đãi của chương trình phối hợp lần này. Đối với doanh nghiệp đã xuất khẩu nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, việc đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng sẽ là một kênh quảng bá thương hiệu mạnh mẽ, từ đó không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi Amazon.

Cơ hội tương tác với 300 triệu tài khoản

Trong năm 2019, Cục XTTM và Amazon Global Selling dự kiến sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DNNVV tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến Amazon.com. Bao gồm, cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu, kết nối đến các doanh nghiệp phù hợp, hướng dẫn từ việc bắt đầu bán hàng trên hệ thống bán lẻ trực tuyến quốc tế. Có tới hơn 300 doanh nghiệp phía Nam đã quan tâm tới “Cơ hội với Amazon”. Nhiều doanh nghiệp mong muốn sản phẩm của họ sẽ được tiếp cận người tiêu dùng của trang TMĐT nổi tiếng thế giới này.

“Trong năm 2019, Cục XTTM và Amazon Global Selling sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan như các Sở Công Thương, các trung tâm XTTM địa phương, các hiệp hội ngành hàng để thí điểm lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực tham gia bán hàng trên hệ thống bán lẻ trực tuyến của Amazon và hỗ trợ các doanh nghiệp này hoàn thiện sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, hoàn tất thủ tục xuất khẩu, quảng bá sản phẩm, nhằm đưa hàng lên các trang web toàn cầu của Amazon một cách thuận lợi và hiệu quả nhất” - Cục XTTM cho biết. 

Nhấn mạnh tới vấn đề có xuất khẩu thành công hay không khi hàng Việt thông qua Amazon tới thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt xuất khẩu sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua kênh phân phối Amazon.com, theo Cục XTTM, các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư phát triển sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để sản phẩm bán ra có sức cạnh tranh cao với giá hợp lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các hoạt động do Cục XTTM phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức trong thời gian tới, như hội thảo, chương trình tập huấn, khóa học trực tuyến để hiểu hơn về cách thức bán hàng trên Amazon một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.

Những con số đầy hứa hẹn cũng khiến người tiêu dùng Việt và doanh nghiệp không khỏi quan tâm, khi mà xúc tiến mua bán trên Amazon nghĩa là “những giao dịch” có cơ hội tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime tại nhiều thị trường khác nhau, hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Cơ hội được cho là “đặc biệt” hơn đối với các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giầy, sản phẩm tiêu dùng.

Ông Bernard Tay nhận định: Cùng với những thuận lợi thì một số hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm còn tồn tại, có thể là sự cản bước nhiều doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Đại diện Amazon cho biết: Ngoài hệ thống kho vận thuận tiện, doanh nghiệp bán hàng trên Amazon còn được hưởng nhiều lợi ích về tương tác đơn giản với các công cụ được dùng chung trên toàn thế giới, dễ dàng tiếp cận khách hàng mua sỉ và lẻ, cũng như xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc tế với công cụ quảng cáo có chi phí hợp lý. Khi có sự hợp tác, Amazon sẽ chịu trách nhiệm nhận, vận chuyển, đưa hàng tới tay người tiêu dùng trong thời gian nhanh nhất, quản lý hàng tồn kho tốt hơn, đồng thời quay vòng vốn nhanh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ