Giải bài toán nguồn tài chính cho phát triển bằng cách nào?

GD&TĐ - Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức... “Nhu cầu tài chính để theo đuổi các mục tiêu phát triển đất nước đứng trước việc phải giải quyết rất nhiều thách thức, trong đó lớn nhất bao gồm nguồn lực cho phát triển, cho đầu tư cho cơ sở hạ tầng”- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Quang Mạnh đưa ra nhận định vào tuần trước.

Năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn... là một trong những yếu tố then chốt của 
phát triển doanh nghiệp
Năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn... là một trong những yếu tố then chốt của phát triển doanh nghiệp

Đầu tư ở khối tư nhân còn yếu

Cũng như đánh giá được công bố mới đây của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh: Dòng vốn tài chính đang luân chuyển rất nhanh, cũng như bối cảnh của Việt Nam đã có những thay đổi lớn từ khi mở cửa (cuối những năm 80 của thế kỷ trước)...

Đến nay, với vị thế của một quốc gia phát triển có mức thu nhập bình quân thấp, đã có những nhà đầu tư quốc tế song phương, đa phương rút phần nào nguồn vốn có tính chất ưu đãi như ODA, hay các khoản viện trợ không hoàn lại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam rất cần một đánh giá tổng thể, đầy đủ về nguồn lực tài chính của mình. Trong khi nhu cầu về nguồn vốn cho phát triển rất lớn, vấn đề nợ công cần xem xét, bài toán tài chính đặt với phát triển bền vững của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là vấn đề hết sức quan trọng.

Phân tích những điểm căn bản trong bức tranh tài chính tại Việt Nam, TS Hồ Đình Bảo (Chuyên gia của UNDP tại Việt Nam) cho rằng: “Tỷ trọng nguồn tài chính cho phát triển tại Việt Nam khá cao cho tới năm 2011 và có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Nếu nhìn vào cơ cấu trong nguồn vốn cho phát triển của Việt Nam, thì thấy xu hướng chung là tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tương đối thấp và tăng chậm. Điều này ngược với xu hướng của các quốc gia trong khu vực. Đây là điểm khác biệt. Nếu tính đầu tư tư nhân theo bình quân đầu người ở Việt Nam thì thấy rằng, ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình ở khu vực ASEAN”.

Theo UNDP, tỷ trọng tổng đầu tư trên GDP của Việt Nam từng có lúc cao nhất trong các nước ASEAN (hơn 30% GDP từ năm 2000 và đạt tới hơn 40% GDP năm 2007, giảm xuống chưa đến 30% GDP vào năm 2015). Những điểm đáng chú ý trong xu hướng chung, bao gồm: Nguồn thu của Chính phủ không ổn định, không đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu ngày càng gia tăng. Các khoản vay ODA luôn ở mức cao, giờ đang giảm dần và mức ưu đãi cũng giảm theo.

Trong khi đó, với mức nợ công gia tăng nhanh và gần như chạm trần, UNDP cho rằng, Việt Nam cần phải quản lý nợ công một cách bền vững. Nguồn vốn FDI và các dòng kiều hối vào Việt Nam vẫn cao so với các nước ASEAN khác. Điểm quan trọng nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước tụt hậu so với bình quân của các nước ASEAN, chưa thể đáp ứng được vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân - động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh có mức thu nhập trung bình thấp.

Cùng với sức ép của chi tiêu thường xuyên ngày càng tăng; trong khi nguồn thu từ thuế không đủ để bù đắp sụt giảm nguồn thu từ dầu thô và hoạt động xuất - nhập khẩu; Việt Nam còn đối diện với tỷ trọng thu ngân sách giảm sút; Vay trong nước của tăng vọt và chứa ẩn nhiều rủi ro.

Mặt khác, các dòng FDI vào Việt Nam gia tăng mạnh, luôn ở mức cao so với các nước ASEAN (trừ Singapore), nhưng chất lượng lại khiêm tốn. Kiều hối vào Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới, thứ 2 trong ASEAN là một điểm đáng chú ý. Song đầu tư tư nhân trong nước lại chưa trở thành nguồn tài chính then chốt thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Cần giải pháp đồng bộ

“Việt Nam đã tiến hành rất nhiều biện pháp, chính sách, như cơ cấu đầu tư công, cắt giảm chi tiêu thường xuyên, cập nhật các cơ chế về vốn ODA của các nước, để hướng tới hệ thống quản lý hiệu quả hơn về nợ công, nhằm hướng đất nước tới sự lành mạnh về hệ thống tài chính”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: Thời gian tới đây, khi Chính phủ xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm và 5 năm, cho giai đoạn 2020 - 2030 và giai đoạn 2021 - 2026... những khuyến nghị của UNDP về tài chính cho phát triển bền vững sẽ rất hữu ích, cũng như các kinh nghiệm từ quốc tế, những tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế... Những khuyến nghị từ UNDP về tài chính cho phát triển Việt Nam được công bố mới đây hết sức quan trọng, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh.

UNDP cho rằng, với triển vọng tài chính phát triển có các gam màu pha trộn, Việt Nam phải xử lý một số thách thức chủ yếu để có thể đảm bảo tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng ở một số nguồn lực tài chính và thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn ở các loại hình tài chính quan trọng.

Cùng với đó, ưu tiên then chốt là phải đẩy mạnh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng đầu tư ở Việt Nam thông qua việc sắp xếp thứ tự ưu tiên ở ba lĩnh vực hành động: Cần tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nước; Thực hiện các chính sách và cung cấp sự hỗ trợ có trọng điểm để các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, cải thiện các mối liên kết với các chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu;

Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc tiếp cận đất đai và tín dụng, đặc biệt nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới. Xây dựng các tổ chức độc lập chuyên cung cấp hỗ trợ về đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân- vốn đang gặp hạn chế về quy mô nhỏ, thiếu khả năng đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ và đào tạo nhân lực.

Cùng với đó, UNDP khuyến nghị việc chuyển dịch hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng; Nỗ lực nâng cao hiệu quả và hiệu lực chi tiêu, đầu tư công; Cải thiện tính bền vững của nguồn thu ngân sách, thông qua việc mở rộng cơ sở thuế và quản lý tốt hơn tài sản Nhà nước; Khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải các vấn đề trong công tác phối hợp liên quan đến thực hiện chủ trương phân cấp quản lý...

UNDP cho rằng, Việt Nam hướng tới con đường phát triển bao trùm và áp dụng quy mô tăng trưởng mới dựa vào năng suất lao động và khả năng cạnh tranh quốc tế cao hơn, nhằm tạo ra nhiều việc làm có năng suất cao hơn, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc, đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược mới, trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.