Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet giới thiệu cuộc trò chuyện với GS Thomas Kochan, Đại học MIT, nhà giáo dục Mạng Công dân toàn cầu.
"Giấc mơ Mỹ"
Tôi được biết ông là tác giả cuốn“Shaping the future of work”(Tạm dịch: Định hình lại việc làm tương lai) và các khóa học trực tuyến nhằm khám phá và phát triển kế hoạch hành động để cải thiện công việc và cơ hội nghề nghiệp cho người dân Mỹ. Tìm ra những điều đã sai trong quá khứ từ đó có những giải pháp mới phù hợp với lực lượng lao động, nền kinh tế và xã hội ngày nay. Cụ thể là những giải pháp gì thưa ông?
Nếu chúng ta vận hành doanh nghiệp trên cơ sở vận dụng kiến thức, kĩ năng và động lực của người lao động, chúng ta có thể tạo ra những công ty có thể gặt hái lợi nhuận thành công, đạt được những mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp, đồng thời, tạo ra những cơ hội việc làm tốt.
Thứ nhất, chúng tacần xây dựng các công ty biết đầu tư vào chính nguồn lực lao động của doanh nghiệp và sử dụng những nhân lực tài năng này nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của công ty.
Thứ hai, chúng ta cần tạo điều kiện cho người lao động vận dụng kĩ năng của mình và có tiếng nói trong những việc như: định hình lại phương pháp làm việc, cách thức triển khai công việc, để từ đó tận dụng tối đa được những công nghệ mới như trí tuệ robot, trí tuệ nhân tạo.
Khi ta kết hợp công nghệ tiên tiến sẽ đạt được năng suất và chất lượng ở một tầm cao mới.
Thứ ba, chúng ta cần những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ và những tổ chức giáo dục để đảm bảo người lao động có thể học hỏi liên tục trong quá trình làm việc, được cải thiện kĩ năng khi công nghệ thay đổi.
Google là hãng tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Newszing.
Những giải pháp của ông có phù hợp với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump sẽ nâng mức sống của tầng lớp nhân dân lao động Mỹ và đem việc làm trở lại nước Mỹ hay không?
Chúng ta sẽ phải làm việc rất chăm chỉ để tạo ra công việc có chất lượng, không chỉ ở phương Tây, mà trên toàn thế giới.
Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump rằng nên cố gắng thu hút nguồn lao động trên thế giới trở lại nước Mỹ. Bởi những việc làm đó giúp nâng cao mức sống cho người lao động ở Việt Nam, Trung Quốc, và nhiều nước khác trên thế giới.
Những gì chúng tôi cần làm ở nước Mỹ là đầu tư vào thế hệ công nghệ mới, từ đó hỗ trợ thế hệ trẻ, những người có thể duy trì được mức sản lượng cao, trả được tiền lương cho nhân công nước Mỹ, và giúp cho nền kinh tế thế giới phát triển.
Người Mỹ thường ước mơ những thế hệ sau phải có mức sống cao hơn thế hệ trước mà người ta gọi là “Giấc mơ nước Mỹ”nhưng với thực tế nước Mỹ hiện nay thì phải chăng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước thưa ông?
Chúng tôi đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thế hệ trẻ để có thể nâng cao điều kiện sống và khiến gia đình mình trở nên tốt đẹp hơn.
Thật không may, điều đó đã trở nên khó khăn hơn tại thời điểm hiện tại, bởi vì chúng tôi đã không tạo ra được đủ công việc tốt, ngay cả trên đất Mỹ hay với những quốc gia trên thế giới. Mặt khác, việc làm sẽ tạo ra tiền lương và lợi nhuận, từ đó tạo ra sự tiến bộ kinh tế.
Chính vì vậy, nước Mỹ đã và đang phải nỗ lực gấp đôi để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thế hệ trẻ, để họ có thể nâng cao mức sống.
Nước Mỹ đang đối diện với sự chia rẽ sâu sắc và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, thậm chí đe dọa đến tương lai của nền kinh tế và dân chủ, theo ông, làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?
Có thể nói, đây là một trong những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế và chính trị nước Mỹ hiện nay.
Ở Mỹ, có rất nhiều người bị bỏ lại phía sau bởi sự toàn cầu hóa và cải tiến công nghệ liên tục. Họ rất tức giận và đã gay gắt nói lên tiếng nói của mình tại đợt bầu cử vừa qua.
Để chấm dứt sự chia rẽ này, chúng tôi đã phải đầu tư vào những khu vực khác nhau trên cả nước, giúp người dân tái xây dựng nền kinh tế, tạo ra được những việc làm chất lượng cao và tạo lập được những doanh nghiệp mới ngay tại khu vực đó.Để từ đó, họ cũng có thể đóng góp cho quá trình tiến tới kinh tế và công nghệ trong tương lai.
Tiền lương tại những khu vực đó vẫn không thay đổi, chúng tôi không cung cấp thêm cơ hội việc làm, và bởi vậy chúng tôi đã thất bại trong nỗ lực cắt giảm những việc làm kém chất lượng.
Điều nước Mỹ cần là sự chung sức giữa những doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và chính quyền địa phương. Đó chính là chìa khóa để xây dựng tiềm năng phát triển một nền kinh tế địa phương thịnh vượng, tại những vùng hiện tại vẫn còn khó khăn.
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hơn là xóa bỏ người lao động
Những năm trở về trước, khái niệm trí tuệ nhân tạo dường như vẫn còn xa vời và quá mới mẻ với thế giới. Nhưng đến nay đã cho thấy sự bùng nổ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống con người.Trí tuệ nhân tạo đang dịch chuyển nhanh chóng từ nghiên cứu sang thế giới thực tác động ít nhiều đến vấn đề lao động, việc làm của con người. Ông có bình luận thế nào?
Không thể phủ nhận, trí tuệ nhân tạo đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại việc làm, nó sẽ còn mang lại nhiều tác động quan trọng hơn nữa trong tương lai.
Điều quan trọng là cần sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ những việc làm chất lượng cao, hỗ trợ quá trình đưa ra quyết định của con người hơn là việc cố gắng áp dụng trí tuệ nhân tạo để xóa bỏ người lao động và cắt giảm nhân lực.
Tôi lấy ví dụ. Hiện nay, có vô số ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, bác sĩ, y tá, cũng như nhân viên y tế có thể nhanh chóng truy cập vào một lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ. Điều đó giúp họ có thể chuẩn đoán những căn bệnh đặc biệt mà bệnh nhân mắc phải.
Họ cũng có được thông tin của đợt điều trị gần nhất để phục vụ cho những chứng bệnh khác. Điều này hỗ trợ công việc cho họ. Nó cho họ biết thông tin cụ thể về những chứng bệnh khác nhau, và dựa vào đó, họ sẽ đưa ra chuẩn đoán và áp dụng vào một trường hợp cụ thể như: tuổi của bệnh nhân, hoàn cảnh gia đình…
Làm cách nào chúng ta có thể sử dụng những thông tin đó để giúp bệnh nhân khỏe hơn? Bằng cách cung cấp sự chăm sóc cộng đồng, hay áp dụng những phương pháp điều trị,hay đơn giản là giao tiếp qua những phương thức khác nhau để giúp bệnh nhân chóng bình phục?!
Đó chính là lúc chúng ta sử dụng công nghệ để hỗ trợ việc điều trị hiệu quả hơn,và cũng để lắng nghe ý kiến từ kĩ thuật viên y tế về việc họ sẽ sử dụng công nghệ như thế nào cho hiệu quả.
Đó là những gì tôi muốn nói về sự hỗ trợ từ công nghệ, hay nói cách khác, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Chúng ta có thể làm được và còn rất nhiều ý tưởng mới mẻ khác. Chúng ta có những hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động. Đây không chỉ là công nghệ hiện nay, mà còn là nền tảng để khích lệ cho sự phát triển công nghệ tương lai nhằm giúp chúng ta khỏe mạnh hơn.
Đó là cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể áp dụng để gia tăng nhân lực lao động. Người Nhật Bản đã thực hiện tốt điều này.
Người Nhật Bản thường nói: “Con người mang lại trí tuệ cho máy móc. Con người biếtcách làm sao để tạo ra công nghệ, làm thế nào để chúng hoạt động vì lợi ích của khách hàng, bệnh nhân hay học sinh sinh viên”.
Nhiều đại gia công nghệ như Google, Facebook, Microsoft hay Sam Sung đang đổ hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm để phát triển trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Elon Musk tung ra dự án Neuralink nhằm kết nối não người với máy vi tính, Google vừa xây dựng một dự án trí tuệ nhân tạo cho hệ thống tàu điện ngầm London nhằm giải quyết các sự cố phát sinh. Con người nên tận dụng những giá trị của cỗ máy thông minh để giải quyết vấn đề việc làm như thế nào?
Chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp việc làm của con người trở nên an toàn hơn, để cắt giảm lượng lao động và tận dụng được những tài năng sáng tạo.
V ídụ từ bản thân tôi. Tôi lớn lên tại một nông trại sữa cùng những chú bò. Tôi đã từng phải dậy rất sớm mỗi sáng, ra trại, vắt sữa bò và cứ như vậy mỗi ngày. Còn bây giờ, những trang trại lớn hơn rất nhiều và họ có robot vắt sữa. Điều này giúp người nông dân có thêm thời gian để phát triển sản phẩm, theo dõi tình hình tài chính, tìm hiểu xem loại cây trồng nào sẽ phù hợp nhất với đất của trang trại, bón phân như thế nào, và tưới tiêu ra sao...
Hơn nữa, việc sử dụng những dữ liệu từ trí tuệ nhân tạo và những cải tiến từ thực tế giúp họ cắt giảm những công việc nguy hiểm và lao động chân tay, điều mà tôi đã phải trải qua thời còn bé. Năng suất cao từ những nông trại giúp giảm giá thành thực phẩm, từ đó có nhiều người được hưởng thực phẩm sạch.
Đó là cách chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo. Có ít người làm nông nghiệp ởMỹ, nhưng công nghệ đã giải phóng những người như tôi, mang lại cơ hội được giáo dục và giúp họ làm thêm được nhiều việc khác. Đó cũng là động lực khiến chúng ta không ngừng làm việc cùng công nghệ để nâng cao chất lượng công việc,mở ra cơ hội mới và giúp con người tiến tới một nền giáo dục tốt hơn.
Tôi khẳng định, đó là cách để làm chủ công nghệ, là những lựa chọn ngay trước mắt chúng ta. Chúng ta nên hành động theo hướng như vậy hơn là coi công nghệ như một cách để thay thế con người.
Gần đây tôi có đọc tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin tập đoàn Foxconn (Đài Loan) - chuyên sản xuất linh kiện cho các sản phẩm của Samsung và Apple tuyên bố đang trong quá trình “tự động hóa” dây chuyền sản xuất, họ đã quyết định cho nghỉ việc 60.000 công nhân để thay thế bằng những con robot. Nhiều nhà máy khác ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng tương tự. Người ta cũng lo ngại trí tuệ nhân tạo sẽ dần “cướp” việc làm của tầng lớp lao động thưa ông?
Vâng,điều này đã từng xảy ra trong lịch sử. Chúng ta cũng đã chứng kiến điều này tại một thời kì khác.
Tôi ví dụ Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất, có một nhóm người lo ngại máy móc sẽ thay thế con người trong ngành công nghiệp dệt may. Họ đã cầm búa và cố gắng phá hủy toàn bộ máy móc, điều đó đã không mang lại kết quả. Những máy móc mới xuất hiện, chúng làm tăng năng xuất, giảm chi phí dệt sợi, tăng lượng lao động dệt vải trong nhiều năm. Họ dần thích nghi được với công nghệ mới, nhưng họ lại có thêm những kĩ năng khác như vận hành, bảo trì và làm việc cùng máy móc. Đây là một điểm chung đối với ngành sản xuất trên toàn thế giới mà Foxconn không phải là ngoại lệ. Nó là một phần của khuôn mẫu.
Tôi nghĩ Foxconn có một cái nhìn quá hạn hẹp về phát triển công nghệ. Họ sẽ nhận ra rằng nó không đơn giản chỉ là việc mang máy móc đến và thay thế nhân công. Nếu họ muốn thực sự trở thành đơn vị sản xuất hiện đại ở thế kỉ 21, họ sẽ học cách làm thế nào để đào tạo nhân công sử dụng máy móc một cách có hiệu quả, nếu không, họ sẽ chỉ tiêu tốn vào robot mà thôi. Họ sẽ nhận thấy rằng robot quá đắt tiền. Có thể họ không biết cách kết hợp giữa những con robot và nhân công, vậy nên họ đã phải nhận những bài học mà chúng ta đang nói đến ở đây.
Không đơn thuần chỉ là việc ném một đống robot vào dây chuyền sản xuất và bạn sẽ có được năng suất cao, chất lượng sản xuất tốt. Những gì bạn cần làm là mang nhân công đến, đối xử với họ bằng cả sự tôn trọng, coi họ là một tài sản có thể bổ sung những chỗ thiếu trong công nghệ. Đó chính là một khuôn mẫu và nếu Foxconn không học cách để thực hiện, họ sẽ phải trả giá.
Hàng loạt ấn bản báo điện tử uy tínnhư Forbes đã dùng các bài viết hoàn chỉnh của robot để đăng như một sản phẩm báo chí. Thậm chí, robot còn có khả năng phân tích những thông tin đắt giá để đưa vào bài viết. Có nghĩa rằng, robot không chỉ làm việc trong lĩnh vực lao động chân tay mà còn có khả năng hoạt động tư duy, lấn át các ngành nghề lao động bằng trí óc. Phải chăng đây cũng là một trong những thách thức lớn trong vấn đề việc làm với con người thưa ông?
Tôi đã từng phải viết những bài báo của mình trên những mẩu giấy, sau đó đưa cho thư kí đánh máy hộ, sau đó tôi sẽ phải sửa lại một lần nữa trước khi đưa ra bản in cuối cùng. Đó là một quy trình quá chậm.
Giờ đây, tôi có thể soạn thảo ngay trên máy tính của mình, có thể chỉnh sửa nó trong quá trình soạn, gửi cho những đồng nghiệp của tôi để cùng góp ý chỉnh sửa,và hoàn thiện nó trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này cũng có nghĩa rằng lượng người đánh máy giảm đi rất nhiều, nhưng nó mở ra những cơ hội mới cho sự tiếp cận thông tin trên toàn thế giới. Điều này đã giúp tăng số người có thể đọc những gì tôi viết, tăng lượng công việc mà tôi có thể hoàn thành, lượng bài mà tôi có thể viết trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Nói vậy để thấy, chúng ta sẽ sử dụng nhiều robot tự động hơn trong việc sản xuất tư liệu, nhưng một lần nữa, tôi nhấn mạnh, nó cũng cần sự kết hợp giữa việc gì cần đến con người và việc gì có thể sử dụng công nghệ.
Tôi không nhìn nhận việc robot có thể thay thế hoàn toàn theo như ý kiến của nhiều người, nó chỉ giúp chúng ta làm việc có năng suất hơn, giúp giải phóng thời gian cho con người hơn mà thôi.
Con người vẫn tự tin rằng có một điều mà những cỗ máy trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người đó là cảm xúc. Nhưng hình như những phát minh gần đây cho thấy robot có thể sáng tác nhạc,và thậm chí con người có thể kết hôn với robot trong thập kỉ tới?
Tôi nghĩ điều này là cách nói quá phóng đại về robot trong tương lai.
Chúng ta có thể lập trình chúng để làm một số công việc tại nhà nhằm giúp những người già vui vẻ hơn. Điều này có thể nâng cao sự an toàn. Chẳng hạn, chúng ta có thể lắp đặt hệ thống cảm biến quanh nhà để hỗ trợ khi có người trong nhà bị ngã và cần sự giúp đỡ. Robot có thể bảo quản và mang đồ ăn đến bên giường những người già hay người bị ốm; chúng có thể kiểm tra dấu hiệu sức khỏe bằng các thiết bị móc nối với cơ thế hoặc bằng quan sát, sau đó gửi ảnh đến cho người thân ở xa hoặc bác sĩ của bệnh nhân. Tất cả những điều này là hoàn toàn có thể thực hiện để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe mà không cần đến quá nhiều sự tương tác của con người.
Tuy nhiên, nó vẫn cần đến sự chăm sóc quan tâm của người thân để giúp người bệnh đóvượt qua được vấn đề về tâm lí.
Tôi đồng ý chúng ta sẽ thấy nhiều máy móc hơn nữa, như máy móc chăm sóc sức khỏe,làm việc vặt trong nhà, dọn dẹp hay sơn sửa lại nhà cửa, quản lí nhiều hệ thống và thậm chí có thể cắt giảm năng lượng tiêu thụ... Nhưng tất cả những điều này là để kiểm soát vấn đề sức khỏe của những người già hay để giúp con người quản lí việc nhà.
Việt Nam trong kỉ nguyên tri tuệ nhân tạo
Ông nghĩ thế nào về những tác động và ảnh hưởng mà trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại cho những nước kém phát triển hoặc đang phát triển như Việt Nam?
Đâylà điều khiến tôi nghĩ cần nhiều sự đầu tư quốc tế hơn nữa, đó cũng là lí do tại sao tôi không cho rằng sự gia tăng việc làm ở Việt Nam sẽ gây ra sự giảm sút việc làm ở Mỹ.
Nếu ta tiếp tục ứng dụng công nghệ và mang chúng đến gần hơn với người lao động,chúng ta sẽ mở ra được cơ hội thị trường mới. Chúng ta cần cắt giảm chi phí.
Tôi có những đồng nghiệp tại trường Đại học MIT, họ làm việc rất chăm chỉ tại phòng thính nghiệm của trường Đại học và các phòng thính nghiệm khác trên toàn nước Mỹ.Vậy chúng tôi sẽ phải làm thế nào để phù hợp với các quốc gia đang phát triển trên thế giới, những nơi có thể không có đủ nguồn lực? Chúng tôi cần sản xuất với trình độ đơn giản hơn và chi phí rẻ hơn, đủ để phù hợp với môi trường làm việc tại đất nước của các bạn.
Những nước đang phát triển là những khu vực mở cho ngành kĩ thuật. Tôi hi vọng không chỉ có Đại học MIT mà những đại học còn lại trên thế giới cũng sẽ hợp tác với các đại học ở Việt Nam.
Rõ ràng, Việt Nam đang nhận một lượng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. Một vài trong số đó là các doanh nghiệp chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các bạn cũng có được lợi thế từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Thế Giới đang làm việc với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở Việt Nam nhằm nâng cao mức chuẩn lao động, kiên cố lại máy móc thiết bị để đảm bảo người lao động làm việc trong một môi trường an toàn và được trả tiền lương hợp lí.
Với những gì chúng ta vừa bàn, trí tuệ nhân tạo mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức tác động đến đời sống và việc làm của con người trong tương lai. Trước những nguy cơ có thực ấy,chúng ta sẽ giải quyết như thế nào thưa ông?
Chúng ta phải công nhận rằng không một cá nhân nào có thể giải quyết vấn đề này.Nhưng chúng ta cần xây dựng một cộng đồng linh hoạt. Bắt đầu với sự tôn trọng người lao động nhằm tạo ra sự cân bằng, từ đó mang lại tiềm năng và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, xã hội.
Ta hãy đối xử với người lao động như tài sản của mình, tôn trọng các lãnh đạo kinh doanh để đầu tư vào các khu vực trên thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm mới, phân phối dịch vụ. Chúng ta đảm bảo rằng chúng ta sẽ hỗ trợ họ đến khi nào họ còn tôn trọng quyền lao động cơ bản và tiêu chuẩn lao động. Sau đó, chúng ta cần chính phủ đứng ra đảm bảo quyền lợi cho họ dựa trên luật pháp.
Chúng ta cùng nhau hành động để định hình lại việc làm tương lai theo cách vừa mang lại năng suất vừa mang lại ý nghĩa, thúc đẩy những cá nhân trẻ theo đuổi đam mê của mình. Không chỉ là “Giấc mơ nước Mỹ” mà đó là giấc mơ của tất cả mọi người trên toàn cầu.