Giấc mơ âm nhạc của cha và con

GD&TĐ - Mới 11 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Xuân đã đạt nhiều giải thưởng piano trong nước và quốc tế. Người thầy đầu tiên, cũng là người thầy khắc nghiệt nhất như lời Thanh Xuân nói, chính là cha của em, anh Nguyễn Đình Hưng.

Giấc mơ âm nhạc của cha và con

Ước mơ của Thanh Xuân

Thanh Xuân kể lại kỷ niệm những lần dự thi piano đáng nhớ.
Thanh Xuân kể lại kỷ niệm những lần dự thi piano đáng nhớ.

Nguyễn Thị Thanh Xuân (Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, TP Vinh, Nghệ An) vừa giành giải Ba cuộc thi Future Stars International Piano Competition được tổ chức tại Mỹ. Cô bé 11 tuổi đến với cuộc thi nhờ sự giới thiệu của nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang – một người thầy đặc biệt của em.

Với hình thức trực truyến, thí sinh sẽ gửi clip sản phẩm do cá nhân tự thu ở nhà và gửi đến ban giám khảo. Tuy nhiên, thời điểm đó, Nghệ An đang thực hiện Chỉ thị 16 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuyến phố nơi Thanh Xuân sinh sống cùng bố cũng bị phong tỏa do xuất hiện hàng chục ca bệnh. Em không thể đến phòng thu âm được, mà ngồi đàn ở nhà, và bố phụ trách quay clip bằng... điện thoại.

“Khi xem lại clip, ngoài tiếng đàn của cháu, còn có cả tiếng xe máy, ô tô đi lại ngoài đường, và tiếng băm... thịt nấu cơm của bà nữa”, Thanh Xuân vui vẻ kể về clip dự thi quốc tế đặc biệt của mình.

Anh Nguyễn Đình Hưng (SN 1981) – bố của Thanh Xuân, là một giáo viên dạy nhạc - cho biết: “Clip của cháu không được hoàn hảo, trau chuốt và lẫn nhiều tạp âm. Lúc gửi cho nghệ sĩ Lưu Hồng Quang, anh ấy còn lo ngại clip thiếu chuyên nghiệp như vậy có thể khiến ban giám khảo nghĩ thí sinh không có sự tôn trọng với tác phẩm của mình. Nhưng do hoàn cảnh khách quan không thể nào khác được”.

Lúc gửi sản phẩm dự thi, hai bố con không đặt nhiều hi vọng, một phần do sự chuẩn bị không trọn vẹn, mặt khác Thanh Xuân có thời gian dài gián đoạn việc học trực tiếp, chỉ được học online. Nhưng tiếng đàn cùng biểu cảm của cô bé đã chinh phục các nghệ sĩ quốc tế để giành giải Ba chung cuộc.

Đây là giải thưởng danh giá, đem lại niềm vui đặc biệt trong năm mới của Thanh Xuân, bởi cuộc thi quy tụ thí sinh ở nhiều quốc gia. Ban giám khảo đều là nghệ sĩ piano có danh tiếng, uy tín đến từ Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam và Ba Lan.

Trước đó, cô bé xứ Nghệ từng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi piano trong nước và quốc tế. Từ năm 6 tuổi, Thanh Xuân đã dự thi CEG music Festival do Công ty Âm nhạc CEG và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng tổ chức.

“Cháu nhớ đó là cuộc thi quốc gia đầu tiên mà mình tham gia ở Hà Nội, có rất nhiều bạn và anh chị lớn tuổi hơn cùng dự. Buổi tối lễ bế mạc và trao giải, bố đã đặt vé tàu về Vinh. Lúc công bố lần lượt các giải Khuyến khích, giải Ba, giải Nhì mà không có tên, 2 bố con đã định ra về, vì gần đến giờ tàu chạy.

Nhưng trong lúc nán lại xem, thì bất ngờ thấy ban tổ chức đọc tên cháu đoạt giải Nhất. Khi ấy cảm xúc của cháu bất ngờ và vui sướng vô cùng, như một giấc mơ vậy”, Thanh Xuân nhớ lại.

Đến năm 2019, cô bé tiếp tục tham gia cuộc thi này nhưng ở bảng B dành cho các thí sinh từ 9 – 11 tuổi dù mới chỉ 8 tuổi. Do trước đó Thanh Xuân đã đoạt giải Nhất bảng thi của thí sinh từ 6 - 8 tuổi, nên lần này được đặc cách “vượt bảng”. Kết quả, em tiếp tục giành giải Nhất.

Từ đó, Thanh Xuân được bố và các thầy giáo dạy đàn tìm kiếm, giới thiệu em tham gia nhiều cuộc thi khác trong nước với quy mô ngày càng lớn hơn. Ấn tượng nhất với cô bé xứ Nghệ là cuộc thi piano quốc tế tổ chức tại Hồng Kông năm 2019 (Hong Kong international Music Competition for Young pianists).

Bởi đó cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của cô bé, kéo dài 1 tuần, và có sự đồng hành của bố. Lần thi này, có nhiều thí sinh ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Nhưng Thanh Xuân vẫn rất tự tin, đóng góp 1 giải Ba tập thể và giải Tư cá nhân.

Cô bé chia sẻ: “Đi thi ai cũng mong đoạt giải thưởng, nhưng cháu và bố cũng không đặt áp lực lớn phải giành vị trí cao nhất. Nhưng những giải thưởng đạt được giúp cháu tự tin hơn với bản thân mình. Cháu cũng quyết tâm hơn để theo đuổi piano lâu dài”.

Người thầy yêu thương nhất – khắc nghiệt nhất

Thanh Xuân cùng bố tham dự cuộc thi piano quốc tế đầu tiên tại Hồng Kông.
Thanh Xuân cùng bố tham dự cuộc thi piano quốc tế đầu tiên tại Hồng Kông.

Thanh Xuân biết đến piano từ năm 4 tuổi. Thầy giáo đầu tiên của em chính là bố - người dạy nhạc trong căn phòng trọ rộng hơn 20m2, vừa kiếm sống vừa nuôi con tại TP Vinh, Nghệ An. Nhưng lúc đó, em chủ yếu nghe nhạc, làm quen với cây đàn.

Đến năm 6 tuổi, em mới chính thức đàn piano và thực sự đam mê, khi xem băng đĩa, clip các nghệ sĩ chơi đàn trên Internet. Cô bé bắt đầu nuôi ước mơ có một ngày mình cũng sẽ được ở trên sân khấu, biểu diễn như những nghệ sĩ nổi tiếng đó.

“Cháu nghĩ mình có chút ít năng khiếu âm nhạc từ bố. Ban đầu, cháu thử nhiều nhạc cụ khác nhau, nhưng vẫn mê piano hơn cả. Bố đã dạy nền tảng âm nhạc, sau đó tìm giáo viên chuyên piano để luyện đàn cho cháu.

Mục tiêu của 2 bố con là thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đến năm lớp 3, đủ tuổi theo quy định cháu mới được tham dự và trung tuyến Khoa Piano, hệ trung cấp 9 năm”, Thanh Xuân cho biết.

Kể từ đó, cô bé vừa học văn hóa tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, TP Vinh, Nghệ An, đến cuối tuần lại là học viên của Học viện Âm nhạc. Tối thứ 6, hai bố con sẽ đi tàu ra Hà Nội để học và tối Chủ nhật bắt xe về Vinh.

Để Thanh Xuân có thêm kỹ năng, anh Nguyễn Đình Hưng còn “tầm sư” cho con học nhạc. Anh liên lạc, kết nối với giảng viên cũ của mình xin dạy cho con, hoặc giới thiệu giúp đến các nghệ sĩ piano tên tuổi. Không phụ lòng và sự đam mê của 2 bố con, nhiều nghệ sĩ khó tính, bận rộn đã đồng ý nhận đào tạo, bồi dưỡng cho Thanh Xuân.

Những đêm ngủ trên tàu xe, mở mắt ra thấy thành phố đã trở nên quen thuộc. Những con đường từ bến xe, ga tàu đến ngôi trường âm nhạc cũng không còn xa lạ nữa. Có những buổi chờ được gặp thầy để học từ 1 – 2 tiếng, Thanh Xuân phải đợi rất lâu, ăn bánh mì thay cơm…

Nhưng tất cả đối với cô bé không quá vất vả, mà mỗi chuyến đi đều là trải nghiệm vui vẻ. Thời gian chờ đợi em thích nhìn phố phường, người xe đi lại, hoặc quan sát lắng nghe những mẩu chuyện của người xa lạ.

Sự kiên trì của Thanh Xuân, phần lớn được rèn giũa từ chính bố của mình. Ngoài thời gian học ở trường, học với thầy, đến giờ, mỗi ngày em vẫn luyện piano với bố ít nhất 3 tiếng đồng hồ. Ngày nhỏ, có những khi học mệt quá, em nằm ngủ gật ngay trên đàn.

“Có những lúc cháu thấy rất mệt, luyện đàn cho xong, hoặc đối phó, sai nốt nhạc sẽ bị bố nhắc nhở ngay. Bố nói để trở thành nghệ sĩ piano biểu diễn chuyên nghiệp thì phải kiên trì luyện tập, không lười biếng nhưng cũng không vội vàng. Bố là người yêu thương, chăm sóc cháu nhiều nhất, nhưng cũng là người thầy khắc nghiệt nhất”, Thanh Xuân tâm sự.

Trao truyền khát vọng

Ảnh hưởng bởi chất độc da cam, âm nhạc chính là sự cứu rỗi cuộc sống của anh Hưng. Anh đã trao truyền cho con năng khiếu âm nhạc, sự kiên trì, nhẫn nại khổ luyện. Đôi chân tật nguyền của anh đã đồng hành cùng con gái khắp nẻo đường tầm sư học nhạc, biểu diễn trong nước và quốc tế. Giờ đây, Thanh Xuân đang từng bước thực hiện giấc mơ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc của mình và cũng là đam mê còn dang dở của cha.

Anh Nguyễn Đình Hưng trải lòng, bản thân đến với âm nhạc như một cơ duyên nhưng cũng là sự cứu rỗi, giải thoát cho cuộc sống vốn không dễ dàng. Ảnh hưởng bởi chất độc da cam của người cha từ chiến trường trở về, anh Hưng sinh ra với cơ thể không khỏe mạnh, lành lặn như bạn bè.

Học hết lớp 9, gia đình định hướng cho Hưng học công nghệ thông tin, với mong muốn sau này con có cái nghề kiếm sống, tự nuôi bản thân. Nhưng sau khi được gửi từ quê nhà ở huyện Nghi Lộc vào TP Vinh, cậu thanh niên “trốn tiết”, dành số tiền bố mẹ cho để mua đàn guitar, rồi bỏ sang học nhạc.

Âm nhạc đưa cậu học trò nông thôn cảm nhận được một thế giới khác, tự do và đầy năng lượng, cảm xúc.

“Tôi chọn guitar bởi nó cũng phù hợp với sức khỏe và kinh tế của bản thân lúc đó. Nhưng năm đầu tiên thi vào Nhạc viện Hà Nội, tôi trượt”, Nguyễn Đình Hưng nhớ lại. Hơn nữa, ngôi trường anh mơ ước cũng từ chối thí sinh khuyết tật, trừ trường hợp ảnh hưởng chất độc màu da cam. Nhưng anh không bỏ cuộc. Hưng dành 2 năm tiếp theo để học lại, ôn luyện âm nhạc một cách bài bản, nghiêm túc.

Đồng thời hoàn tất hồ sơ, thủ tục cần thiết để đủ điều kiện dự thi. Kết quả, anh đã trúng tuyển, đặt chân vào trung cấp Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành Guitar như mơ ước.

Trải qua gần 10 năm gắn bó với Nhạc viện Hà Nội, đã không chỉ cho Nguyễn Đình Hưng một tài năng được rèn giũa, một gia đình đủ đầy, một tâm hồn đã đi qua mặc cảm, tự ti của số phận.

Chỉ có ước mơ trở thành nghệ sĩ biểu diễn buộc phải dừng lại đầy nuối tiếc, dù anh đã rất cố gắng. Bởi sức khỏe yếu và lực ở đôi tay không đủ cho anh theo những buổi biểu diễn dài hơi, yêu cầu cao, khó khăn hơn trong chơi nhạc.

Nhưng biến cố xảy ra, phá sản, và đổ vỡ, thất bại trong cuộc sống riêng đã đưa anh rời bỏ Hà Nội. Mang theo con gái về TP Vinh anh quay lại với âm nhạc, với công việc của người thầy, gắn bó với học trò. Và cô con gái Thanh Xuân chính là học trò mà anh đặt mọi tâm huyết, kỳ vọng.

Anh đưa âm nhạc đến với con bởi tin rằng, đứa trẻ sẽ có sự phát triển hoàn thiện hơn về cảm xúc, tâm hồn, nhận thức và hành vi sau này. Như bản thân anh đã được âm nhạc hơn một lần cứu rỗi.

“Tôi vẫn nói với con và các học trò, âm nhạc tạo ra cái đầu, tạo ra cảm nhận và tạo ra con người. Âm nhạc không chỉ nuôi sống bố con tôi, mà còn cho tôi niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, cả sự kiên trì và vươn lên.

Dù có lúc nghiêm khắc và áp lực với các con bởi sự kỳ vọng của mình, nhưng tôi đã trao truyền nhiều hơn chính là sự nhẫn nại theo đuổi và tình yêu âm nhạc. Bởi không có thành quả nào mà không phải trải qua vất vả, khổ luyện”, người thầy, người cha tâm sự.

Giờ đây, anh đã mua lại được căn nhà trọ mình từng thuê dạy đàn khi trở về Vinh, và cải tạo khang trang, đầy đủ hơn. Ở đó, giữa những chiếc đàn piano, guitar, có bóng dáng người thầy, người cha gầy mảnh, đứng trên đôi nạng, miệt mài chỉnh từng nốt nhạc cho học trò, hay nghiêng đầu im lặng, đang lắng tai nghe một bản nhạc và đôi tay vung lên mạnh mẽ để tiếng đàn ngân vút lên.

Con gái Thanh Xuân đang từng bước đi theo con đường biểu diễn chuyên nghiệp. “Khi con nói trong thế giới của mình chỉ có piano chứ không có gì khác, tôi biết những kỳ vọng của mình với con không là vô lý.

Tôi đồng hành với con từ những bước đi đầu tiên và đến lúc con đang thay tôi thực hiện giấc mơ còn dang dở của mình”, anh Nguyễn Đình Hưng tin tưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.