(GD&TĐ) - Chiều 5/8 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh, sản xuất tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2013, các kế hoạch điều hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều làm dư luận quan tâm hơn cả trong giai đoạn hiện nay là công tác điều hành thị trường của cơ quan này, trong đó đặc biệt là giá xăng dầu, điện,…
Diễn biến thị trường thế giới chỉ để… tham khảo
Giá xăng, dầu trong nước đã tăng liên tục thời gian qua, gần đây nhất là ngày 17/7, đưa giá bán lẻ trong nước lên mức kỷ lục với giá xăng Ron 92 tăng thêm 460 đồng, lên 24.570 đồng/lít, dầu diesel 0,05 tăng 470 đồng, lên 22.310 đồng/lít và dầu hỏa tăng 420 đồng, lên 22.020 đồng/lít. Thời gian gần đây, giá xăng dầu bán lẻ thế giới đang có dấu hiệu giảm, thế nhưng, thị trường trong nước vẫn không có động thái gì về khả năng các doanh nghiệp đầu mối sẽ đề xuất hạ giá bán.
Trả lời về vấn đề “nóng” này, ông Nguyễn Xuân Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương – cho biết chức năng quản lý nhà nước về giá chủ yếu là của Bộ Tài chính. Tuy nhiên với trách nhiệm phối hợp mà Chính phủ đã giao, Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường. “Qua theo dõi cho thấy đúng là giai đoạn cuối của tháng 7 giá thế giới có giảm so với trước đó. Tuy nhiên việc quyết định tăng giảm giá xăng dầu lại phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng: dựa trên cơ sở tính toán giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày (theo quy định tại Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu trong nước – PV). Ngoài ra còn phụ thuộc vào các yếu tố khác liên quan đến thuế nhập khẩu, việc trích Quỹ bình ổn giá…”, ông Chiến nêu rõ.
Nhấn mạnh lại việc tăng giảm giá xăng dầu đều căn cứ vào quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết nếu trong thời gian tới, giá bình quân thế giới (chứ không phải giá bán lẻ - PV) tiếp tục giảm, cộng thêm các yếu tố khác theo quy định của Nghị định 84 cũng hội đủ điều kiện thì các doanh nghiệp đầu mối tất nhiên sẽ phải điều chỉnh giá bán lẻ trong nước theo các quy định của Nghị định 84 hiện này.
Những bất cập trên thị trường xăng dầu đang đỏi hỏi phải có những cách thức điều hành hoàn toàn mới |
Trông chờ vào những quy định mới
Chính việc lấy giá cơ sở quốc tế bình quân 30 ngày để điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, trong khi các doanh nghiệp đầu mối lại lấy căn cứ giá bình quân 10 ngày để tính lỗ - lãi, đã tạo nên bất cập trong điều hành mặt hàng xăng dầu trong nước lâu nay, đồng thời cũng khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về tính minh bạch trong điều hành thị trường nhạy cảm này. Những bất cập đó, đặt ra yêu cầu về sửa đổi, thậm chí là thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Thực tế đây cũng là một chủ trương của Chính phủ để thiết lập lại công tác quản lý về thị trường xăng dầu trong nước. Ngày 19/2/2013, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 75, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 84. Ông Chiến cho biết sau ý kiến chỉ đạo này, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai và đã có dự thảo lần thứ tư để đưa ra lấy ý kiến. Sau đó theo đề xuất của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… trong dự thảo sửa đổi bổ sung đang được Bộ Công Thương xây dựng có đến 23 điều sửa đổi, 2 điều bổ sung trên tổng số 35 điều, do đó cần thiết phải xây dựng một Nghị định hoàn toàn mới, thay thế Nghị định 84.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo công văn số 401 ngày 3/7/2013, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 84. Ông Chiến cho biết dù có sự thay đổi này, nhưng Bộ Công Thương vẫn bảo đảm giữ nguyên lộ trình như Chính phủ yêu cầu trước đó về việc sẽ trình dự thảo Nghị định mới vào 30/9/2013.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo Nghị định lần thứ 5 và chuẩn bị đưa ra xin ý kiến của một số bộ, ngành khác có liên quan. Dự kiến vào đầu tuần tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn tất các thủ tục để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo lộ trình đã định.
Đối với vấn đề “nóng” khác là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 5% giá điện từ 1/8, tại buổi họp báo chiều 5/8, rất nhiều câu hỏi đã gửi đến Bộ Công Thương – cơ quan quản lý trực tiếp của EVN – xung quanh công tác điều thành thị trường này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã từ chối trả lời tất cả các câu hỏi liên quan, với lý do Văn phòng Chính phủ, Bộ chủ quản và EVN đã nhiều lần trả lời báo chí xung quanh vấn đề này trong suốt một tuần qua. |
Lưu Nguyễn