Theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày 21/11, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng giảm từ 0,3 - 1,6% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 255 đồng (1,3%) về mức 19.195 đồng/lít, còn giá xăng RON95 có thể giảm 201 đồng (1%) về mức 20.399 đồng/lít. Giá dầu diesel có thể giảm đến 1,6% về mức 18.277 đồng/lít, giá dầu hỏa dự báo giảm 0,9% về mức 18.804 đồng/lít, còn dầu mazut có thể giảm nhẹ 0,3% về mức 15.948 đồng/kg.
Ở kỳ điều hành ngày 14/11, giá xăng E5 RON92 đã giảm 292 đồng/lít, không cao hơn 19.452 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 247 đồng/lít, không cao hơn 20.607 đồng/lít.
Các loại dầu cũng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá dầu diesel giảm 344 đồng/lít, không cao hơn 18.573 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 306 đồng/lít, không cao hơn 18.988 đồng/lít và giá dầu mazut giảm 385 đồng/kg, không cao hơn 16.009 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, ghi nhận lúc 7h ngày 20/11, giá dầu Brent tăng 0,01 USD, tương đương 0,01%, lên mức 73,31 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu WTI tăng 0,23 USD, tương đương 0,33%, lên mức 69,39 USD/thùng.
Giá dầu tiếp tục tăng khi căng thẳng của cuộc xung đột Nga-Ukraina leo thang từ cuối tuần trước. Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại MST Marquee, cho biết cho đến nay, xuất khẩu dầu của Nga chịu ít tác động, tuy nhiên giá dầu có thể tăng cao hơn nữa nếu Ukraina nhắm tới nhiều cơ sở hạ tầng dầu mỏ hơn.
Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, ngay cả khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng.