Theo dữ liệu Bộ Công thương, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore tiếp tục có xu hướng giảm so với 15 ngày trước. Cụ thể, giá xăng Ron 92 để pha chế xăng E5 Ron 92 có mức giá bình quân giảm còn khoảng 18,6 USD/thùng, giảm 10% so với chu kỳ trước. Giá xăng Ron 95 cũng giảm mạnh. Giá xăng Ron 95 bình quân trên thị trường Singapore chu kỳ mới tính đến thời điểm này chưa đến 20 USD/thùng, giảm 7%. Các loại dầu cũng có xu hướng giảm.
Cũng trong tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử dầu thô WTI giao tháng 5 xuống âm 37,63 USD/thùng. Nguyên nhân do thế giới nguy cơ hết chỗ chứa cuối tháng 5, trong khi giao dịch dầu thô không có giá sàn đẩy giá chìm sâu xuống vùng âm. Thậm chí có dự báo giá dầu có thể xuống âm 100 USD/thùng.
Vì vậy, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày ngày 28/4 có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, kỳ vọng về việc “giá xăng dầu rẻ như cho" của nhiều người khi nghe tin “giá dầu về âm, người bán phải trả tiền người mua" sẽ không xảy ra.
Được biết, giá xăng dầu trong nước hiện tại neo theo giá dầu Brent tại thị trường Singapore. Nên giá dầu thô WTI không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm tại Singapore, vốn được dùng làm thông số để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá trong nước. Thêm nữa, theo giới chuyên gia, thực chất giá âm 37,63 USD/thùng là mức giá được giao dịch giữa các nhà giao dịch (trader) trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng (nhà máy lọc dầu).
Theo TS Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam, dự báo giá xăng trong nước không thể giảm quá sâu dưới mức 10.000 đồng/lít do giá xăng dầu trong nước dù được điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự tác động của nhà điều hành.
Hiện nay, một lít xăng chịu khoảng 8 loại phí, thuế khác nhau. Ngoài ra, còn có một số khoản không phải là thuế, nhưng cũng được đưa vào làm cơ sở để tính giá xăng dầu như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, Quỹ bình ổn giá (trong đó mức trích Quỹ bình ổn giá là linh hoạt hơn).
Cụ thể, cơ cấu giá xăng được cộng 8 khoản, gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập + chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng Ron 95 và 8% với xăng E5), thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với Ron 95). Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng Ron 95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).
Ngoài ra, còn có chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng Ron 95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5), lợi nhuận định mức (300 đồng) và trích quỹ bình ổn (300 đồng, nhưng biến động theo thực tế mỗi kỳ điều hành).
Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu sẽ tiếp tục ghi kỷ lục với chuỗi giảm liên tiếp lần thứ 8 trong năm 2020.