Mở cửa sáng ngày 20/8, mỗi lượng vàng miếng đã giảm giảm 1,3 triệu đồng nhưng chưa đầy một tiếng sau được kéo về vùng giá cũ gần 57 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ sang đến chiều, giá vàng lại nối tiếp đà “trượt dốc”, thị trường điều chỉnh giảm mạnh.
Chốt phiên giao dịch, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,05 – 56,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với kết phiên giao dịch sáng, giá giảm đều 500.000 ở cả chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán là 1,4 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới cũng đã bốc hơi 57 USD/ounce so với một ngày trước, giá giao ngay hiện quanh ngưỡng 1.930 USD/ounce, giảm 4,5 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank (23.270 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương 53,64 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 2.810.000 đồng/lượng.
Thị trường vàng đã tăng trưởng rất ấn tượng trong vòng 30 ngày qua do những bất ổn mà đại dịch Covid-19 gây ra. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 8 vừa qua, thị trường đã chứng kiến giá vàng không chỉ vượt đỉnh của năm 2011 là 1.920 USD/ounce mà còn vươn đến mốc cao nhất mọi thời đại khi chạm mức 2.070 USD/ounce. Với việc giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước đã có lúc leo lên đến gần 63 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng thấy.
Dịch bệnh đã làm các nền kinh tế tê liệt, giá dầu tụt dốc không phanh và đồng USD suy yếu. Chính phủ các nước buộc phải đưa ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ và điều đó dẫn đến việc giảm tỉ suất sinh lợi của trái phiếu chính phủ… Tất cả các nhân tố này đã hỗ trợ giá vàng thế giới đạt đỉnh trong mọi thời đại và tất nhiên, thị trường vàng trong nước không đứng ngoài cuộc. Trong đợt tăng giá này, thị trường vàng trong nước đã biến động khá sát với thị trường thế giới.
Phân tích tình hình biến động trong mấy ngày qua, chuyên gia thế giới nhận định, thị trường kim loại quý đang chịu sức ép do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp lần trước. Trong đó, các nhà hoạch định chính sách không tỏ ra ủng hộ việc áp trần với lợi suất trái phiếu.
Cụ thể, trong ngắn hạn, sự phục hồi của USD sau 5 phiên suy giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hai năm có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng. Đồng thời, lợi tức kho bạc tăng sau biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách không ủng hộ việc giới hạn lợi suất trái phiếu cũng khiến kim loại quý đi xuống. Giá của kim loại quý này đã rớt mạnh do áp lực bán tháo trên thị trường sau khi biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 cho thấy Fed đang miễn cưỡng trong việc giới hạn lợi suất trái phiếu. Ngay khi báo cáo này công bố, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 cũng đã giảm hơn 3% về mức 1.951,9 USD/ounce. Không chỉ đưa ra thông báo về việc giới hạn lợi suất trái phiếu, các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng, Fed đang cân nhắc, dè dặt hơn trong việc đưa ra các phản ứng chính sách tiền tệ với đại dịch Covid-19.
Thị trường vàng lao dốc ngay khi Fed phát tín hiệu rằng, họ chưa sẵn sàng sớm hạ trần lãi suất. Vàng chịu áp lực bán mạnh trong phần lớn phiên giao dịch hôm qua và đã mất tất cả các mức tăng trong hai ngày trước đó sau khi biên bản được công bố.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 10% và sự sụt giảm 32,9% trong tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý thứ hai là tồi tệ nhất trong lịch sử. Bất chấp các dữ liệu kinh tế tiêu cực, Nasdaq vẫn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi S&P cũng tiến sát đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2/2020. Chỉ số S&P 500 đã đạt đến mức cao nhất mọi thời đại, theo sau là Nasdaq 100 cũng lập kỷ lục khi mà các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà phục hồi của thị trường kể từ mức đáy lập ngày 23/3.
Chiến lược gia Margaret Yang của DailyFx nhận định, vàng đã giảm giá trước sự mạnh lên của đồng bạc xanh. Theo chuyên gia này, trong ngắn hạn, sự phục hồi của USD có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng. Thêm vào đó, giá kim loại quý này đã ghi nhận mức tăng 3% trong hai ngày qua, khiến giá vàng dễ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động chốt lời.
Trong một phân tích công bố sau đó, công ty tư vấn tài chính Oxford Economics cũng đưa ra nhận định, biên bản này cho thấy Fed lo ngại như thế nào về thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Theo Oxford Economics, các thành viên FOMC đã nhìn thấy những rủi ro suy giảm đáng kể đối với triển vọng nền kinh tế và chúng đã tăng lên do các nhà hoạch định chính sách chưa đưa ra các biện pháp cứu trợ tiếp theo.
Cá chuyên gia Oxford Economics cũng lưu ý rằng, FOMC có đề cập về tác động bất bình đẳng của suy thoái kinh tế. Các quan chức Fed cho hay tình trạng mất việc làm tập trung ở nhóm những người lao động có mức lương thấp hơn, đặc biệt là những người làm trong ngành dịch vụ hoặc những công việc khác rất khó tiến hành việc giãn cách xã hội.
Nền kinh tế Mỹ đã “co lại” 32,9% trong quý II/2020 - mức giảm sâu nhất kể từ khi Chính phủ bắt đầu lưu trữ số liệu loại này vào năm 1947, giữa bối cảnh nước Mỹ phải vật lộn với tác động của giai đoạn phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của bệnh Covid-19. Theo một số ước tính, nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ phục hồi trong quý III, nhưng sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19 trong thời gian gần đây đã cản trở nỗ lực mở cửa lại của một số bang.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thế giới đầy bất ổn như hiện nay, hầu hết các dự báo gần đây đều cho rằng, vàng vẫn đang ở trong một xu hướng tăng giá dài hạn và có thể lên mức 2.250 USD/ounce vào cuối năm nay.