Giá trị kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi ‘động vật hoang dã’

GD&TĐ - Vốn là động vật hoang dã nên chồn hương có sức đề kháng tốt và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đang được người dân Hà Tĩnh đầu tư nhân rộng.

Mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều hộ gia đình tại Hà Tĩnh nhân rộng.
Mô hình nuôi chồn hương đang được nhiều hộ gia đình tại Hà Tĩnh nhân rộng.

Mô hình mới – hiệu quả cao

Trang trại nuôi chồn hương của anh Nguyễn Văn Đức tại thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) là một trong những trang trại nuôi chồn hương lớn nhất Hà Tĩnh. Hiện trang trại đang nuôi khoảng 700 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống ra thị trường.

IMG_5336.JPG
Chồn hương có sức đề kháng tốt và đem lại thu nhập kinh tế cho nhiều hộ dân.

Sau khi tìm hiểu một số mô hình nuôi chồn hương trong cả nước, năm 2019, anh Đức đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi thử nghiệm. Chồn hương là một loài động vật hoang dã, điều kiện để được cấp phép chăn nuôi đối tượng này khá khắt khe.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, anh đã mạnh dạn mua 50 con giống về nuôi. Anh Đức cho biết đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng hiện đại, khép kín. Chuồng được chia làm 2 khu vực với diện tích mỗi nơi là 500m2. Hệ thống chuồng được thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70cm, rộng khoảng 1m2, bố trí trên giá đỡ cách nền 30-50cm để thông thoáng, tránh ẩm thấp và tiện vệ sinh chuồng trại.

Nhờ học hỏi, tìm tòi và ứng dụng tốt các kỹ thuật nên đàn chồn hương của anh Đức ngày càng sinh sôi, phát triển.

“Trung bình mỗi năm, 1 con chồn mẹ thuần dưỡng có thể sinh sản sau 8-10 tháng. Chồn mang bầu khoảng 2 tháng sẽ đẻ, mỗi lứa từ 2-5 con. Chồn giống nuôi 2 tháng là có thể bán với giá 6-8 triệu đồng/cặp, từ 3-4 tháng giá 8-15 triệu đồng/cặp, chồn hương thương phẩm có giá dao động từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg, tùy thời điểm”, anh Đức cho hay.

Hiện nay, mỗi năm anh cung ứng ra thị trường từ 1.000 - 2.000 con giống, doanh thu hàng tỷ đồng.

Nhận thấy mô hình nuôi chồn hương là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng nên mô hình này đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đó TP Hà Tĩnh là địa phương có nhiều hộ dân nuôi do tận dụng được diện tích nông hộ nhỏ và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.

IMG_5311.JPG
Mô hình nuôi chồn hương tại hộ gia đình anh Trần Thanh Tiệp (TP Hà Tĩnh).

Sẵn có 300m2 đất, Trần Thanh Tiệp (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua 70 con chồn giống về nuôi thử nghiệm. Quá trình nuôi cho thấy, chồn sinh trưởng tốt, thích nghi thời tiết ở Hà Tĩnh. Sau 1 năm, mô hình đã tăng đàn lên đạt gần 180 con chồn hương.

Giá bán bình quân 1 cặp chồn con từ 10 - 12 triệu đồng, chồn đực chiến 30 triệu đồng/con, chồn cái sinh sản có giá từ 15 - 20 triệu đồng/con, dự kiến mỗi năm anh Tiệp có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.

“Con số doanh thu, lợi nhuận đang là ước lượng, hiện chúng tôi đang tiếp tục nhân đàn chứ chưa xuất bán. Khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 trang trại sẽ bán đồng loạt, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi cho bà con có nhu cầu học tập kinh nghiệm”, anh Tiệp dự tính.

Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Tĩnh đã có 5 mô hình nuôi chồn hương với tổng đàn khoảng 350 con. Việc nuôi thành công chồn hương mở ra hướng đi mới cho việc tái cơ cấu chăn nuôi của thành phố Hà Tĩnh theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Đây cũng là tiền đề để phường Đại Nài cũng như TP Hà Tĩnh xóa bỏ dần chăn nuôi gia súc như trâu bò, lợn nông hộ sang nuôi các giống vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường trong khu dân cư”, ông Trần Trọng Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) thông tin.

Chuẩn hóa quy trình nuôi

Sau khi được cấp phép, anh Đặng Văn Cường (SN 1992, trú thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đã đầu tư gần 400 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và hơn 120 triệu đồng để mua 6 cặp chồn hương giống về nuôi thử nghiệm.Từ 6 cặp chồn hương ban đầu, anh đã nhân đàn lên gần 100 con trưởng thành, giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.

IMG_5288.JPG
Thức ăn cho chồn hương chủ yếu là chuối chín và cá sông, tôm, cua đồng, đầu gà.

Theo anh Cường, chi phí nuôi chồn hương khá thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, thịt gà, cháo; giá bán chồn hương lại cao và không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn và cho lãi cao ở những lứa tiếp theo.

“Mặc dù kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó nhưng người nuôi cần chú ý các bệnh về đường ruột và theo dõi kỹ vào mùa phối giống. Tại các thời điểm này, người nuôi phải vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cũng như cung cấp chế độ ăn nhiều dinh dưỡng hơn ngày thường”, anh Cường chia sẻ.

IMG_5345.JPG
Mặc dù kỹ thuật nuôi chồn hương không quá khó nhưng người nuôi cần thường xuyên theo dõi.

Hiện nay, mô hình nuôi chồn hương là hướng phát triển kinh tế mới đầy tiềm năng, nông dân tại các huyện như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh… đã phát triển kinh tế theo mô hình nuôi chồn hương. Với sự đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mô hình nuôi chồn hương sẽ mở ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Để hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, ngành chức năng Hà Tĩnh đã phối hợp với các hộ chăn nuôi chồn hương trên địa bàn theo dõi tập tính, ăn uống, nghỉ ngơi, quá trình phối giống, sinh sản của chồn hương để chuẩn hóa thành cuốn cẩm nang, từ đó chuyển giao cho các hộ dân khác phát triển, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.