Giá trị của gia đình Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa tổ chức buổi hội thảo “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”.

Giá trị của gia đình Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Buổi hội thảo bàn đã bàn về một số chiều cạnh giá trị tinh thần, tình cảm gia đình Việt Nam hiện nay và một số chiều cạnh về giá trị kinh tế, quan hệ liên thế hệ và cộng đồng.

Mục tiêu của hội thảo góp phần làm rõ những giá trị cơ bản của gia đình và yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó góp phần chỉ ra một số xu hướng biến đổi giá trị cơ bản của gia đình trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, nghiên cứu sinh Trần Quý Long – Viện Nghiên cứu gia đình và giới đã chỉ ra một số khía cạnh về giá trị hôn nhân, gia đình và tình cảm: Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng.

Ông cho rằng: Nhìn chung, để có một cuộc hôn nhân bền chặt thì các giá trị truyền thống vẫn có vai trò quyết định. Bên cạnh đó, những giá trị hiện đại cũng có vai trò không kém nhằm duy trì cuộc hôn nhân trong bối cảnh xã hội. Đồng thời, nam giới có sự bảo lưu giá trị truyền thống cao hơn vì liên quan đến lợi ích của bản thân họ. Nữ giới đánh giá tầm quan trọng của giá trị hiện đại có thể do trải nghiệm trong cuộc sống,…

Tiếp cận lý thuyết về đạo hiếu và báo đáp trong mối quan hệ liên thế hệ của gia đình Việt Nam hiện nay, TS. Trần Thị Minh Thi – Viện Nghiên cứu gia đình và giới – cho rằng: Nền văn hóa coi trọng chữ hiếu là trụ cột tư tưởng quan trọng hỗ trợ gia đình cho người cao tuổi, đó là nghĩa vụ đạo đức cho con cái trưởng thành trong chăm sóc cha mẹ già theo quan điểm truyền thống.

Vai trò của chữ hiếu trong hỗ trợ gia đình được thể hiện qua cách người ta cảm nhận, suy nghĩ và thực hiện chăm sóc cha mẹ già của mình. Biểu hiện của chúng không đơn thuần là những quan hệ liên thế hệ hỗ trợ người cao tuổi trên bề mặt xã hội, mà nó có những tầng sâu hơn trong nhận thức và tư tưởng về giá trị gia đình, về đạo hiếu, về giá trị của con cái.

Với xã hội châu Á, con cái cảm thấy trách nhiệm phải cung cấp hỗ trợ chăm sóc tuổi già với cha mẹ. Cha mẹ cho con cái “món quà của cuộc sống”, nuôi dưỡng họ và giúp con cái trưởng thành. Trẻ em sau đó được mong đợi sẽ chăm sóc cho cha mẹ già của họ như một cách trả ơn công sinh thành nuôi dưỡng...

Hội thảo cũng bàn nhiều vấn đề xoay quanh giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Các ý kiến đưa ra được ghi lại, phục vụ chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ