Gia tăng nữ lãnh đạo trong các chaebol

GD&TĐ - Các tập đoàn tài phiệt ở Hàn Quốc khét tiếng 'gia đình trị' và 'trọng nam khinh nữ'.

Giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ Le Ji-yun, thành viên hội đồng quản trị đầu tiên là phụ nữ của Hyundai. Ảnh: Hyundai Motor và Reuters
Giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ Le Ji-yun, thành viên hội đồng quản trị đầu tiên là phụ nữ của Hyundai. Ảnh: Hyundai Motor và Reuters

Tuy nhiên, gần đây, trong cơ cấu tổ chức của họ xuất hiện các quản trị là phụ nữ. Đặc biệt, một số người còn không xuất thân từ nội bộ gia đình.

Nữ CEO đầu tiên của Hyundai

Chaebol (tài phiệt) là tên gọi của tập đoàn công nghiệp khổng lồ do một gia đình hoặc gia tộc điều hành và kiểm soát ở Hàn Quốc. Từ lâu, các chaebol đã được biết đến như “vương quốc tư nhân trong đất nước tư bản”.

Trong các vương quốc này, đàn ông nắm giữ vai trò quản trị còn phụ nữ chỉ phụ trách “quản việc nhà”. Các chị em tài phiệt chỉ có thể hỗ trợ cha, anh em trai hoặc chồng, tuyệt đối không được phép tham gia điều hành.

Tháng 3/2021, trong phòng họp hội đồng quản trị của Tập đoàn Huyndai (tập đoàn sản xuất ô tô, chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc, chỉ xếp sau Samsung) xuất hiện gương mặt nữ: Lee Ji-yun (48 tuổi), Giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

Ở KAIST, Ji-yun được đánh giá là chuyên gia kỹ thuật hàng không vũ trụ hàng đầu. Cô từng nhận được giải thưởng của Cục Hàng không Liên bang Mỹ vào năm 2013, vì những đóng góp cho sự phát triển của công nghệ định vị.

Cô Ji-yunngồi ở vị trí giám đốc điều hành (CEO) và sẽ giữ vai trò này 3 năm (tới tháng 3/2024). Suốt 55 năm lịch sử của Huyndai, đây là lần đầu tiên có phụ nữ trong ban quản trị. Hiện, cô Ji-yun giúp tập đoàn Huyndai phát triển hoạt động kinh doanh vận tải hàng không tân tiến, được kỳ vọng sẽ mang tới sự tăng trưởng đột phá.

“Sự đa dạng về giới tính, nghề nghiệp và nhóm tuổi có thể khơi dậy sự đổi mới và sáng tạo trong quá trình đưa ra quyết định của hội đồng quản trị, dẫn đến kết quả tốt đẹp hơn. Các công ty nên thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập giữa các chủng tộc và thế hệ, bao gồm cả bình đẳng giới, để có được sự phát triển nhanh mạnh nhất”, cô Ji-yun phát biểu.

Làn gió mới

Tỷ lệ nữ trong các hội đồng quản trị ở Hàn Quốc vẫn còn rất thấp. Ảnh: Yonhap

Tỷ lệ nữ trong các hội đồng quản trị ở Hàn Quốc vẫn còn rất thấp. Ảnh: Yonhap

“Tôi ủng hộ việc tuyển dụng những phụ nữ có trình độ cao, bồi dưỡng họ thành các nhà quản trị”, cô Ji-yun tuyên bố. Trong KAIST, cô cũng đóng vai trò lãnh đạo, từng chủ trì cuộc họp giữa 2 giám đốc điều hành cấp cao nhất của Boeing (tập đoàn sản xuất máy bay) là Chủ tịch Heidi Grant và Phó Chủ tịch Maria Laine, hướng dẫn họ thăm quan các trường học ở Daejeon.

Sau Huyndai không lâu, các tập đoàn khác cũng bắt đầu thông báo bổ nhiệm lãnh đạo mới là phụ nữ. Tháng 11 vừa qua, LG (tập đoàn công nghiệp nặng đa quốc gia) bổ nhiệm liền một lúc 2 nữ giám đốc điều hành: Lee Jung-ae cho chi nhánh bán lẻ LG Household & Health và Park Ae-ri cho công ty quảng cáo G II R.Trong 2 nữ CEO mới này, Jung-aelà người không phải “con ông cháu cha”.

Jung-ae vào làm ở LG Household & Health năm 1986, nổi tiếng giỏi kinh doanh và bồi dưỡng nhân tài bán các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm cao cấp và giải khát cho tập đoàn. Năm 2015, cô được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc LG Household & Health.

Bây giờ, Jung-ae chính thức bước vào hội đồng quản trị, phụ trách dẫn dắt lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm. Mới từ tháng 1 đến tháng 9, lợi nhuận của mỹ phẩm hãng LG bị giảm hẳn 44,5% so với năm 2021, còn 582,2 tỷ won. Tập đoàn LG hy vọng CEO Jung-ae sẽ kéo doanh thu lĩnh vực này lên.

Tập đoàn đa quốc gia CJ cũng bổ nhiệm nữ CEO mới cho chi nhánh bán lẻ mỹ phẩm của mình, CJ Oliveyoung: Lee Sun-jung (45 tuổi). Tập đoàn kinh tế đa ngành Hanwha thì bổ nhiệm Kim Hae-yeon làm CEO công ty con Hanwha Solutions, “gã khổng lồ bán lẻ” Shinsegae còn một lúc nêu tên 4 nữ CEO mới.

Vẫn còn rất ít

Lee Jung-ae (trái) và Lee Sun-jung (phải), 2 nữ CEO mới của LG và CJ. Ảnh: LG H&H và CJ

Lee Jung-ae (trái) và Lee Sun-jung (phải), 2 nữ CEO mới của LG và CJ. Ảnh: LG H&H và CJ

Trong thế giới chaebol, số lượng nữ CEO ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng CEO là đàn ông, họ vẫn quá ít ỏi. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường CEO Score, tính đến hết tháng 10, trong 500 công ty quốc gia hàng đầu Hàn Quốc, mới chỉ có 11 nữ CEO.

So với thập niên trước đã tăng 0,7%, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm có 1,7% tổng CEO. Và trong số 11 CEO này, còn có 3 người xuất thân từ gia đình chaebol sở hữu tập đoàn. Thường thì, nữ nhân viên trong 5 chaebol hàng đầu (Samsung, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte) chỉ thăng tiến được đến chức phó CEO.

Theo dữ liệu từ Unicosearch, tính đến tháng 6, trong 100 công ty niêm yết có doanh số bán hàng lớn nhất với tổng cộng 7.175 CEO, chỉ có 402 CEO là phụ nữ. Tỷ lệ nữ CEO chỉ chiếm có 5,6% và có đến 28 công ty không có nữ CEO.

Ngay cả ở Hyundai, tập đoàn đi đầu trong việc đưa phụ nữ giàu năng lực vào hội đồng quản trị và được kỳ vọng sẽ tạo nên xu hướng mới, chỉ có 17/384 giám đốc điều hành là phụ nữ.

“Hàn Quốc vẫn còn rất thiếu nữ quản trị. Sự chênh lệch giới tính trong cơ cấu lãnh đạo tập đoàn vẫn quá lớn. Trong các ngành “cứng” như thép, hóa chất, đóng tàu hình như còn không có nữ CEO nào”, một CEO giấu tên cho biết.

Theo koreaherald và asia.nikkei

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ