(GD&TĐ) - Từ đầu tháng 4, khi chính sách thu mua tạm trữ kết thúc, lúa khu vực ĐBSCL liên tục rớt giá. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lập tức kêu giá đang rơi tự do. Thậm chí, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn cảnh báo, giá có thể còn xuống sâu hơn nữa do sự cạnh tranh của Ấn Độ, Thái Lan và một số nước cung cấp gạo lớn khác.
Suốt quý I/2013, giá gạo xuất khẩu của các cường quốc lúa gạo nhu cầu nhập khẩu cũng như diện tích, sản lượng lúa toàn cầu đều ổn định. Chỉ có lý do doanh nghiệp đã tự hạ giá gạo mới có thể khiến giá gạo Việt Nam rơi tự do. Giá rớt, chịu thiệt thòi nhất lại là nông dân, còn doanh nghiệp lâu nay vốn nước nổi bèo nổi.
Không nên đem Thái Lan ra so sánh
Chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Đình Bích cho rằng, từ lâu nay Thái Lan đã không phải là hệ quy chiếu để so sánh với lúa gạo Việt Nam. Theo ông, giá gạo 5% tấm Thái Lan ở thời điểm kết thúc tháng 3 bình quân 554 USD/tấn so với 400 USD/tấn của Việt Nam, 154 USD là khoảng cách vốn rất an toàn, không dễ gì nhà nhập khẩu quay lưng lại. Hơn nữa, gạo Thái Lan là gạo có chất lượng cao canh tác bằng loại giống dài ngày, năng suất thấp, chi phí lao động vốn đã cao so với lúa thường lại càng cao hơn khi so sánh với chi phí lao động ở Việt Nam. Quan trọng nhất, chấp nhận bán giá 554 USD, Thái Lan đã lỗ rất nặng so với giá mua vào tối thiểu là 750 USD/tấn.
Chính sách trợ giá lúa gạo là thế mạnh bầu cử chính của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi đảng của bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 7/2011. Nhờ chính sách này, giá lúa thu mua của Thái Lan đã tăng gần gấp đôi so với trước đó ít ngày, lên 750 USD/tấn. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, Boonsong Teriyapirom đã công bố trước báo giới rằng, họ thua lỗ khoảng 80 tỷ Baht, tương đương 2,61 tỷ USD. Tính đến giữa tháng 2/2013, Chính phủ Thái Lan đã mua gần 32 triệu tấn lúa, tương ứng gần 21 triệu tấn gạo.
Vựa lúa ĐBSCL vào vụ |
Có thể, VFA đã nhận định sai lầm khi e ngại Thái Lan sẽ "bung" hàng. Tuy nhiên, theo ông Bích, nếu “bung” hàng, Chính phủ của bà Yingluck thừa nhận chính sách hỗ trợ lúa gạo là sai lầm, đồng nghĩa với sự sụp đổ.
Chỉ còn Ấn Độ và Pakistan là hai đối thủ chính. Nhu cầu thị trường thế giới tương đối ổn định với các khách hàng tương đối định hình, giá thế giới không biến động lớn (so sánh ở gạo 5% tấm). Trong tháng 1, gạo Ấn Độ đạt 432 USD/tấn và tăng lên 445 rồi 446 tấn trong hai tháng 2 -3 và giảm nhẹ xuống 445 USD kết thúc ngày 4.4. Gạo Pakistan cũng có diễn biến tương tự, từ 423 USD lên 430 rồi 433 USD và giảm xuống 430 USD cũng trong ngày 4.4. Chỉ có gạo Việt Nam đi theo biểu đồ ngược lại: 402 – 404 – 400 – 390 USD/tấn.
Trung Quốc vẫn rất cần gạo Việt
Năm 2012, Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ gạo Việt Nam lớn nhất với gần 2,1 triệu tấn, tương đương 1/3 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Bích nhận xét: Tháng 1/2013 Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc cho rằng, năm 2012 Trung Quốc đã nhập khẩu 2,4 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, trên thực tế, con số này - có thể lên tới gần 4 triệu tấn gạo. Trong đó, riêng Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, họ đã nhập tới 2,068 triệu tấn.
Với kim ngạch nhập khẩu thực tế có thể lên tới gần 4 triệu tấn gạo, theo dự báo mới nhất của USDA, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc vẫn tăng thêm 4% trong năm 2013 – 2014 dù nước này cũng phát triển thêm 300.000 ha lúa. Chứng tỏ, nhu cầu gạo của Trung Quốc ngày một lớn. Phần lớn Trung Quốc nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của tầng lớp bình dân ở các địa phương sát biên giới mà năng lực sản xuất trong nước không có cách nào đáp ứng nổi. Điều này càng dễ thấy khi thống kê sản lượng lương thực quy đầu người ở các tỉnh miền trung và nam Trung Quốc: Quảng Tây 233 kg/người, Hải Nam 165 kg/người, Trùng Khánh 169 kg/người, Tứ Xuyên 190 kg/người, Quý Châu 88 kg/người, Vân Nam 144 kg/người, Thiểm Tây 23 kg/người…
Trong những năm qua, phần lớn Trung Quốc nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam và Pakistan để đáp ứng nhu cầu này. Giá chung của gần 2,4 triệu tấn gạo Trung Quốc nhập khẩu năm 2012 chỉ là 487 USD/tấn, riêng 2,086 triệu tấn gạo nhập từ Việt Nam chỉ ở mức giá 431 USD/tấn theo số liệu của Tổng cục Hải quan; còn giá gạo 25% tấm của Myanmar.
Tức là, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu gạo thường để đáp ứng nhu cầu của đa số người dân, mà rẻ và hiệu quả nhất vẫn là nhập từ các nước láng giềng như Việt Nam, Myanmar và Pakistan. Ít có khả năng họ nhập khối lượng lớn từ Thái Lan.
Nhu cầu của Trung Quốc là lâu dài, ổn định và sẽ còn tăng trong những năm tới. Vì thế, theo một số chuyên gia lương thực, cái mà VFA cần là chủ động “nắm” tình hình để làm chủ cuộc chơi thay vì để thương nhân Trung Quốc sục vào tận ruộng mua tận gốc, bán tận ngọn và thao túng giá.
Phương Anh