Nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển mạng lưới trường lớp, Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT tích cực tham mưu cho UBND các cấp ban hành các chính sách đặc thù của địa phương để phát triển mạng lưới trường, lớp; đặc biệt là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các khu đông dân cư, khu công nghiệp; khuyến khích phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hoá, đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích đất cho các nhà trường, điểm trường, phấn đấu 100% các trường mầm non, mẫu giáo có đủ diện tích đất tối thiểu theo quy định Điều lệ trường mầm non, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng các điểm trường tập trung, hạn chế điểm trường nhỏ lẻ, phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non.
Việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường, lớp cần tuân thủ các quy định của Luật Giáo dục, đảm bảo nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, không tùy tiện sát nhập các trường mầm non vào các trường tiểu học.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cơ cấu nhóm, lớp cân đối, hợp lý, bảo đảm số lượng trẻ trên nhóm/lớp theo quy định, hạn chế lớp mẫu giáo ghép 2,3 độ tuổi, tuyệt đối khôung ghép trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo trong cùng một lớp.
Năm học này, Gia Lai cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo quy định của tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi. Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ ra lớp với trẻ nhà trẻ đạt 15%; trẻ mẫu giáo đạt 86% (không tính trẻ học tại các nhóm, lớp chưa cấp phép hoạt động).