Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su

GD&TĐ - Hàng trăm hộ dân ở vùng biên giới huyện Ia Grai (Gia Lai) đã bán cả vườn cao su cho thương lái triệt để lấy gỗ. Số vườn cây cao su này nằm trong số diện tích Binh đoàn 15 đã bàn giao cho người dân để phát triển kinh tế vào năm 2007.

Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su

Dân ồ ạt hạ cao su lấy gỗ

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chung khiến người nông dân chặt hạ cây cao su là lâu nay giá mủ xuống quá thấp, nông dân bỏ mặc không chăm sóc nên hiện cho rất ít mủ.

Bên cạnh đó, người được nhận đền bù cao su là người dân tộc thiểu số, thay vì chăm sóc đã cho người khác thuê lại. Nay giá mủ đang lên, trong khi vườn cao su không còn, khiến nhiều người dân tiếc nuối.

Đến thăm vườn cao su của gia đình ông Ksor Huen (ở làng Mít Kon 1, xã Ia Sao, Ia Grai), chúng tôi thấy những gốc cây cao su vừa bị chặt hạ, đang ứa mủ.

Ông Huen không ngần ngại chia sẻ: Khi làm nhà máy thủy điện, gia đình tôi được đền bù hơn 5 sào cao su đang cho mủ. Do thiếu người làm và không nắm được kỹ thuật khai thác nên khi được nhận về là tôi cho thuê. Giờ ít mủ, họ không thuê nữa nên tôi bán cây lấy tiền.

“Năm đầu tiên lúc đó giá cao su đang cao, gia đình tôi cho thuê được 30 triệu đồng. Sang các năm tiếp theo, giá thuê cứ giảm dần theo giá mủ cao su, đến năm 2015 thì chỉ còn 7 triệu đồng.

Cũng vì cho thuê, nên vườn cao su không được chăm sóc, khai thác đúng cách khiến cây bị già cỗi. Khi phía bên kia không thuê nữa, vườn cao su cho rất ít mủ nên tôi đành đốn hạ bán gỗ bán cho thương lái. Hơn 5 sào cao su, gia đình tôi bán được hơn 30 triệu” – Ông Huen bộc bạch.

Cũng như gia đình ông Huen, ông Ksor Hyin (ở làng Mít Zép, xã Ia Sao) cho biết, cũng từ chính sách đền bù đất bị ngập lòng hồ thủy điện, gia đình ông được đền bù 3 sào cao su đang cho thu hoạch mủ.

Từ khi nhận được vườn cao su năm 2008 cho đến năm 2013, vườn cao su như “cái cần câu cơm”, giúp gia đình tôi có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Đến khi giá cao su trượt giá liên tục, gia đình tôi đã để vậy không còn chăm sóc. Năm 2015, thấy có thương lái đến hỏi mua gỗ cao su với giá cao nên gia đình đồng ý bán.

“Giờ nghe giá mủ cao su lên lại không còn vườn để khai thác, cũng cảm thấy tiếc. Tiếc, nhưng cũng không làm được gì nữa, giờ chỉ biết trồng cây khác để giảm bớt khó khăn. Hiện, gia đình đã cho trồng điều vào diện tích cao su đã bán cây. Tuy nhiên, cũng phải chờ vài năm nữa, điều mới cho quả khi đó gia đình mới có thu nhập” – Ông Hyin cho biết thêm.

Ông Rơ Lan Beo – Bí thư chi bộ làng Mít Kon 1 - buồn bã nói: Cả làng có 40 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số được đền bù bằng vườn cao su đều đã bán hết.

Hiện chỉ còn vài hộ đã bán cho thương lái nhưng chưa kịp chặt thì bị ngăn chặn. Đối với diện tích này, làng cắt cử công an viên trông coi không cho chặt.

Đồng thời, làng tích cực vận động các hộ này không nên chặt vì giá mủ cao su đang lên, lâu dài nó còn cho thu nhập. Tuy nhiên, cứ đêm đến là các thương lái vào đốn hạ cây, cho xe chở đi. Vừa rồi, trong làng cũng tịch thu mấy cưa xăng của thương lái đang cưa hạ cao su.

Tìm hướng khắc phục

Ông Siu Nghiệp - Chủ tịch UBND xã Ia O - cung cấp thêm: Năm 2008, toàn xã có 211 hộ được đền bù 237ha cao su do có đất bị ngập lòng hồ thủy điện.

Đây là một chính sách nhân văn, thay vì đền bù bằng tiền mặt, các cấp chính quyền đã quyết định hỗ trợ bằng cây cao su đang cho mủ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên từ năm 2013, giá mủ xuống thấp, người dân bắt đầu có hiện tượng chặt hạ cao su bán gỗ. Theo thống kê mới nhất, trên toàn xã đã có 215ha cao su bị người dân đốn hạ bán gỗ.

“Sự việc giờ đã rồi, nay chính quyền phải lo cho cuộc sống của người dân sau này. Xã đang đề nghị UBND huyện hỗ trợ giống, để người dân trồng lại cây khác trên diện tích đã phá bỏ.

Theo đó, UBND xã đề nghị hỗ trợ giống điều và cà phê cho các hộ trồng thay thế. Đây là 2 loại cây hợp với thổ nhưỡng ở đây. Hi vọng sau này, nó thay được cây cao su giúp người dân ở vùng biên nơi đây thoát nghèo” – Ông Nghiệp nói về hướng khắc phục.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai: Để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân vùng biên giới, phía Binh đoàn 15 quyết định cắt một phần diện tích cao su của mình nhượng lại cho người dân.

Năm 2008, người dân ở 2 xã Ia O và Ia Khai có đất bị ngập trong lòng hồ Thủy điện Sê san được nhận vườn cao su từ Binh đoàn 15. Tổng diện tích vườn cao su 2 xã nhận được là hơn 380ha với 380 hộ dân được thụ hưởng.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất, hiện người dân 2 xã trên đã chặt hạ khoảng 315 ha cao su để lấy gỗ bán. Số diện tích cao su còn lại hiện rất xấu do người dân lâu ngày không chăm sóc.

Trước thực trạng trên, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ia Grai ngăn chặn tình trạng chặt phá cây cao su lấy gỗ xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, các xã Ia Khai, Ia O tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục duy trì và bảo vệ diện tích cây cao su chưa bị chặt phá, tuyệt đối không được để các hộ dân sang nhượng đất; tăng cường cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn các hộ dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su ảnh 1Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su ảnh 2Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su ảnh 3Gia Lai: Nông dân tiếc vì lỡ phá bỏ vườn cao su ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.