Đội ngũ giáo viên các trường học tận tình kèm cặp, hướng dẫn nhằm giúp các em HS nắm bắt được những kiến thức tốt nhất. Các em HS không chỉ chuyên tâm học tập, ôn luyện trên lớp, mà còn chú tâm tổ chức học nhóm, trao đổi bài vở cùng bạn học với một khí thế quyết tâm giành được kết quả cao nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nghiêm túc trong công tác ôn tập
Đến với Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi được chứng kiến không khí học tập hết sức sôi nổi và cũng không kém phần vui tươi, nhẹ nhàng của giáo viên, HS nhà trường.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, nhằm giúp các em HS chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng làm bài thi và tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia với kết quả cao nhất, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch dạy học, ôn luyện cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên giảng dạy HS lớp 12. Song song với dạy học theo chương trình quy định, các thầy cô giáo cũng tăng cường dạy phụ đạo, ôn luyện cho các em HS. Công tác ôn luyện, phụ đạo HS càng được tăng cường, tập trung hơn khi kết thúc nội dung chương trình học tập.
Nói về kinh nghiệm tổ chức dạy học, ôn luyện cho HS nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dạy học, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ôn luyện, phụ đạo HS, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức cho HS tham gia làm các bài thi khảo sát chất lượng. Từ đó, biên chế lớp học theo năng lực của HS. Lưu ý bố trí giáo viên có năng lực tốt, tinh thần trách nhiệm cao chủ nhiệm và dạy các lớp có lực học trung bình, yếu.
Xây dựng chương trình và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của chương trình môn học. Tăng cường phụ đạo HS yếu kém, chống HS lưu ban, bỏ học; thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, kịp thời bàn các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, quản lý chất lượng giờ dạy, động viên HS đến lớp… chú ý HS có nguy cơ bỏ học, phân tích nguyên nhân để có giải pháp duy trì sĩ số HS, dạy học hiệu quả. Tổ chức dạy thêm trong nhà trường nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức cho HS yếu; ôn thi tốt nghiệp cho HS 12…
Đó vừa là những hoạt động mang tính chuyên môn, vừa mang tính động viên, khích lệ tinh thần học tập của HS, cũng như chung sức, đồng lòng của đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ không ngừng nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường.
Tạo tâm thế tự tin, vững vàng cho HS
Thầy Ngô Xuân Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh) - cho biết: Để các em thực sự chú tâm vào nhiệm vụ học tập, hứng thú với hoạt động ôn luyện kiến thức, thì công tác định hướng nghề, định hướng cho HS lựa chọn môn thi có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc định hướng này phải được căn cứ vào trình độ, năng lực của đối tượng HS, từ đó, nhà trường, giáo viên mới có kế hoạch, phương pháp giảng dạy ôn tập. Trên cơ sở đó, đội ngũ giáo viên nỗ lực dạy học, chia sẻ kinh nghiệm ôn thi, luyện tập cho HS, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi.
Còn thầy Nguyễn Đình Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Anh hùng Núp (huyện Kbang) cho hay: Với đặc điểm 100% là HS dân tộc thiểu số, nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dạy học, ôn luyện cho HS, nhằm giúp HS có tâm thế vững vàng, tự tin bước vào kỳ thi.
“Để các em có được một nhận thức, thái độ đúng đắn về việc học của mình, nhà trường phải thực sự tạo dựng được một môi trường học tập lành mạnh, hấp dẫn HS, tạo được sinh khí thi đua dạy tốt, học tốt. Sinh động hóa các chuyên đề, chuyên môn, hoạt động giáo dục ngoài giờ một cách phong phú, đa dạng, hấp dẫn nhằm thu hút, khích lệ tinh thần học tập hăng say trong từng HS”, thầy Thuận chia sẻ.
Thầy Nguyễn Phước - Hiệu trưởng Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) - chia sẻ: Để có được sự đồng thuận, chung tay trong việc giáo dục con em HS, ngay từ đầu năm học, nhà trường tiến hành họp phụ huynh để vận động, tuyên truyền giải thích giá trị, ý nghĩa của việc học ở bậc THPT đối với tương lai con em HS. Tổ chức cho HS đăng ký bài thi tự chọn trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ngay từ hè 2017, có sự đồng ý của phụ huynh, sau đó tiến hành phân chia thành từng lớp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả học tập, phân tích mức độ, nguyên nhân yếu kém của từng em HS để xác định nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh trong việc phụ đạo HS yếu kém.