Sự thật nghẹn lòng sau câu nói: "Mẹ ổn, không sao đâu!"

GD&TĐ - Tôi chưa bao giờ oán giận khi mình phải sống với thân phận của một đứa trẻ nghèo, đơn giản là vì ở vùng quê này ai cũng vậy, chẳng có gì phải trách móc cả, hầu hết những đứa trẻ như tôi đều lam lũ, khổ cực. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhưng dẫu cố gắng thế nào đi chăng nữa, mảnh đất cằn cỗi cũng không bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp, chúng tôi thường xuyên thiếu ăn, vậy mà bất cứ khi nào có được chút lương thực, mẹ lại nhường tôi hết cả phần của bà. Vừa san cơm sang bát cho tôi, mẹ vừa nói: "Ăn đi con trai! Mẹ không đói".

Mẹ tôi rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó, sự kiên nhẫn của bà là một trong những phẩm chất tôi thấy khâm phục.

Bà dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi bên dòng sông gần nhà với hy vọng sẽ bắt được một vài con cá để bữa ăn có thêm chút dinh dưỡng, tốt cho sự phát triển của tôi.

Nhưng mỗi lần bà chỉ bắt được một hoặc hai con, đủ để làm món cháo cá. Trong lúc tôi đang húp cháo ngon lành, mẹ ngồi bên cạnh, gỡ những phần còn mắc lại trên xương cá. Tôi cảm thấy có lỗi nên đã đẩy bát cháo về phía mẹ, nhưng ngay lập tức bà từ chối: "Con ăn đi, mẹ không thích cá lắm".

Khi tôi đến tuổi đi học, mẹ đã đến một nhà máy để xin họ những chiếc thùng giấy phế liệu, buổi tối về nhà, bà tự chế thành những chiếc hộp đựng quà lưu niệm rất đẹp để ngày hôm sau đem bán, công việc này giúp bà trang trải được những khoản phí ở trường học cho tôi.

Một đêm mùa đông tôi tỉnh dậy, thấy mẹ đang ngồi cặm cụi cắt giấy bên chiếc đèn để bàn bé tí, tôi đến gần nhắc bà: "Muộn rồi, mẹ ngủ đi kẻo mệt, mẹ có thể làm nốt vào ngày mai mà". Bà mỉm cười: "Ngủ đi con trai! Mẹ không mệt đâu".

Khi tôi bước vào một kỳ thi quan trọng, mẹ đã đi cùng tôi. Mẹ ngồi chờ tôi hàng tiếng đồng hồ dưới cái nắng gay gắt, đợi đến khi chuông reo, tôi chạy thật nhanh đến chỗ mẹ.

Mẹ ôm lấy tôi và rót cho tôi ly trà bà đã chuẩn bị sẵn trong một chiếc bình thủy tinh. Thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt mẹ, tôi không uống mà đưa ly trà cho bà, bà lại nói: "Uống đi con trai, mẹ đã uống hết một bình ở nhà rồi".

Cha tôi qua đời, mẹ tôi trở thành mẹ đơn thân, bà phải sắp xếp lại mọi vấn đề chi tiêu trong gia đình, cuộc sống của chúng tôi càng trở nên khó khăn hơn, những bữa đói cũng thường xuyên hơn, điều kiện gia đình ngày càng xấu đi.

Hàng xóm khuyên mẹ tôi nên đi bước nữa vì bà còn trẻ và như vậy thì gánh nặng gia đình sẽ có người san sẻ cùng. Nhưng mẹ tôi từ chối với lý do bà không cần tình yêu.

Cuối cùng, với tất cả sự cố gắng và nỗ lực của mẹ, tôi đã hoàn thành việc học và nhận được một công việc, đây chính là thời điểm mẹ tôi được nghỉ ngơi, nhưng bà không muốn an nhàn.

Sáng nào bà cũng mang rau ra chợ để bán cho dù có hôm bà chỉ hái được vài mớ. Tôi liên tục gửi tiền về cho mẹ nhưng bà nhất quyết không nhận và gửi lại cho tôi, bà nói: "Mẹ có đủ tiền tiêu mà".

Tôi vừa làm vừa tranh thủ học tiếp để có được tấm bằng Thạc sĩ, đây là một khóa học được tài trợ bởi công ty Mỹ - nơi tôi đang làm việc.

Tôi đã thành công với những nghiên cứu của mình và đạt được một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp, lương của tôi cũng tăng lên đáng kể. Tôi quyết định đưa mẹ sang Mỹ để tận hưởng cuộc sống mới, nhưng bà tỏ ý không muốn làm phiền con trai, bà nói: "Mẹ thấy mình cứ sống ở đây là tốt nhất, mẹ không phù hợp với môi trường bên đó. Con cứ an tâm và công tác tốt nhé, mẹ tự lo được".

Nhận được tin nhắn thông báo mẹ đang cấp cứu ở bệnh viện, tôi đặt ngay chuyến bay sớm nhất về nước. Gặp mẹ, lúc này đang nằm bất động sau ca phẫu thuật, nhưng vẫn cố gượng cười, tôi thực sự choáng váng khi nhìn thấy thân hình quá mỏng manh và yếu đuối của mẹ. Bà nói: "Đừng khóc con trai! Mẹ không thấy đau chút nào cả".

Mẹ nói thế nào cũng không thể khiến tôi ngừng khóc, trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra mình đã hạnh phúc biết bao khi có mẹ ở bên, có mẹ là có tất cả.

“Cách xa ngàn khơi không bằng giây phút này” – lời bài hát ấy cứ văng vẳng trong đầu tôi, nó khiến tôi càng trân trọng hơn đôi tay gầy yếu đang gồng hết sức để vỗ về tôi. 

Tôi biết, mẹ không thể ở mãi bên tôi, nhưng với tôi, bà sẽ mãi là người đồng hành, người bạn vĩ đại nhất trong cuộc đời. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ