Phụ huynh dặn con: “Đại học không phải cánh cửa duy nhất để vào đời...“

Chọn nghề phải phù hợp năng lực và sở thích...
Chọn nghề phải phù hợp năng lực và sở thích...

Tại điểm thi của Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân (Hà Nội), chị Tú Lan có con học tại Trường THPT Nhân Chính chia sẻ: Con cái bây giờ tự lập hơn thế hệ ngày xưa của chúng tôi. Nếu như trước đây thế hệ mình nghe theo định hướng của cha mẹ, phải cố gắng bằng được để thi đỗ vào một trường đại học nào đó.

Nếu không đỗ được mới lại tính tiếp, đi học nghề hay làm công nhân luôn. Có người thi năm thứ 3 cũng không đỗ, cha mẹ và con cái đều buồn phiền thất vọng, vậy là mất 3 năm dậm chân tại chỗ... Còn bây giờ các cháu không như vậy.

Chờ con trước trường thi.
Chờ con trước trường thi. 

Công nghệ thông tin phát triển, ngay trong quá trình học tập ở phổ thông các con đã được tìm hiểu về nghề nghiệp. Chính vì vậy trước khi thi, đa phần các cháu đã có nguyện vọng theo đuổi một nghề nào đó. Thế nên các bậc phụ huynh như tôi cũng không quá nặng nề con buộc phải vào học đại học.

Cháu nhà tôi học lực ở mức độ trung bình khá, nên cháu dự định lựa chọn sau khi có điểm thi sẽ nộp nguyện vọng vào một số trường Cao đẳng có ngành điện hoặc ngành xây dựng.

Gia đình tôi cũng có bác làm nghề này nhiều năm rồi, nên cháu sẽ có thể vừa học ở trường vừa tham gia phụ nghề với bác. Theo tôi, như thế phù hợp với trình độ và cháu sẽ có kỹ năng tốt hơn khi ra trường.

Một nhóm phụ huynh có con học tại trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cũng đồng quan điểm: Quan trọng nhất đối với các con, là khi tốt nghiệp ra trường phải tìm được việc làm phù hợp với năng lực của các con.

Chị Ngọc Lan ở Đoan Hùng, Phú Thọ kể: “Con tôi là con gái học ở trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, tuy nhiên đến năm lớp 11 cháu đã bày tỏ nguyện vọng: Con muốn theo học ngành nghề về quản trị khách sạn, nhưng nếu như học đại học thì thường ít được cọ sát thực tế sợ rằng sau 4 năm ra trường không có mấy kỹ năng về ngành nghề.

Thế nên cháu mong muốn được lựa chọn một trường nào đó mà được thực hành nhiều về nghề nghiệp sau này của mình.

Bản thân tôi lúc đầu tôi rất muốn cho con đăng ký theo học ngành y, tuy nhiên khi con nói vậy gia đình tôi cũng tôn trọng quyết định của con. Song tôi cũng đưa ra lời khuyên với con rằng: Con hãy lựa chọn ngành nghề mà con thực sự yêu thích và xem xét với năng lực của bản thân.

Mặc dù điểm tổng kết của cháu khá cao, các môn tự nhiên đều trên 8,0, 3 năm học cháu đều đạt học sinh giỏi và được vào thẳng Trường ĐH Luật, nhưng cháu không lựa chọn điều này. Con sẽ đăng ký vào ngành quản trị khách sạn sau khi có điểm thi THPT quốc gia.

Còn chị Thu Mai, nhà ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), cũng trong nhóm phụ huynh này tâm sự: Các con bây giờ chỉ tham khảo ý kiến cha mẹ chút thôi, còn bản thân các con đã biết tự quyết định mình theo học ngành gì và trường nào. Con nói rằng: “Vì chỉ yêu thích một ngành nghề nào thì con mới quyết tâm và không cảm thấy áp lực khi theo đuổi nghề”.

Cũng theo chị Mai, gia đình chị không ép con phải theo ngành nào mà chỉ định hướng, phân tích giúp con xem con mong muốn sẽ làm nghề gì, liệu nghề đó có phù hợp với xu thế phát triển và năng lực hàng ngày của con hay không?

Con trai chị học chuyên tin của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên nên cháu có nguyện vọng sẽ đăng ký vào Khoa Công nghệ của Trường ĐH Bách khoa hoặc trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ