Mẹ chồng chẳng bao giờ như mẹ đẻ

GD&TĐ - Một người tôn thờ chủ nghĩa độc thân như Nhã đã khiến bạn bè sốc nặng khi quyết định kết hôn. Mấy đứa bạn thân túm lấy cô, tra khảo: “Tại sao? Tại sao? Bố mẹ ép hả?”.

Mẹ chồng chẳng bao giờ như mẹ đẻ

Nhã lắc đầu: “Không, vì yêu nên tôi mới cưới, cưới xong 2 vợ chồng ở riêng mà”. 

Đối với Nhã, cuộc sống hôn nhân như vậy không quá tệ, chồng cô đủ sức lo liệu cuộc sống riêng, mỗi năm chạm mặt bố mẹ chồng vài lần, thời gian không đủ lâu để mẹ chồng - nàng dâu có dịp soi xét nhau. 

Tận hưởng cuộc sống vợ chồng son 2 năm mới có con nên Nhã mừng lắm. Người mừng không kém nữa là bố mẹ chồng. Vì chồng Nhã là con trai độc nhất của gia đình, Nhã lại mang bầu thằng cháu đích tôn cho ông bà, suốt thai kỳ, đều đặn mỗi cuối tuần, mẹ chồng Nhã đều ghé thăm.

Bà còn “theo sát” nhất cử nhất động của Nhã từ việc đi khám thai đến việc đi ngủ lúc mấy giờ. Vì được mẹ chồng quan tâm quá nên nhiều lúc Nhã cảm thấy mình như bị “theo dõi”. Ngay từ lúc ấy, Nhã đã nảy sinh ý định muốn về nhà mẹ đẻ ở cữ cho yên thân.

Đến cuối tháng thứ 8 thai kỳ, Nhã nằng nặc đòi chồng cho về nhà mẹ đẻ. Vừa nghe tin, mẹ chồng ra ngay lệnh khẩn: “Cái Nhã phải ở cữ nhà chồng 3 tháng rồi muốn đi đâu thì đi”.

Thấy giọng mẹ đanh thép, chồng Nhã cuống quá, tìm đủ mọi lý do để thuyết phục vợ chiều ý mẹ, nhưng Nhã nhất quyết không nghe. Cô giải thích trong nước mắt: “Anh là đàn ông nên chắc anh không thể hiểu đàn bà sinh nở trăm đường khổ. Đau đớn, tủi nhục ai biết đấy là đâu. Cùng kiếp phụ nữ, cũng đã từng sinh nở mà cớ sao mẹ anh không đồng cảm, không thấu hiểu được cho con dâu nhỉ?”.

Cuối cùng Nhã cũng được về nhà ngoại như mong muốn. Về đây rồi cô mới thấm thía, mẹ chồng chẳng bao giờ là mẹ đẻ. Cho dù có đau đớn, có tủi hờn cũng không thể nhõng nhẽo than thở, hay khóc lóc mà kêu “Mẹ đỡ con tý đi, con mệt quá rồi”.

Chỉ có về nhà ngoại, Nhã mới thực sự được sống với bản ngã của mình. Muốn ăn gì có thể đòi hỏi, lắm lúc tủi thân cũng có người tâm sự. Bạn bè cô cũng bảo: “Về nhà ngoại chính là liều thuốc lợi sữa và chống trầm cảm sau sinh”. 

Sau quyết định lạnh lùng và của Nhã, thi thoảng mẹ chồng chỉ gọi điện cho con trai hỏi han vài câu lấy lệ. Bà tỏ ra thờ ơ với con dâu và cả cháu nội.

Nhã nhớ có hôm bà miễn cưỡng sang thăm, lúc ăn cơm, cả nhà đang trò chuyện vui vẻ thì bà nội bảo Nhã đưa cháu cho bà bế. Nhã vừa và miếng cơm vào miệng thì bà thao thao bất tuyệt: "Ôi thằng bé này nó giống bố nên trán cao thông minh, mắt to. Bé mà giống mẹ thì chán chết, vừa xấu vừa dốt, lương chỉ đủ xăng xe với ăn vặt".

Liếc nhìn thấy mặt mẹ đẻ tái nhợt đi vì giận nên Nhã vội chống chế: "Mẹ cháu nuôi cháu lớn thêm một chút rồi sẽ xoay sở kiếm thêm bà ạ". Mẹ chồng Nhã vẫn chẳng chịu buông tha: “Đồng lương quèn thì làm nổi cái gì? Thôi sau này mẹ mày cứ bỏ việc, về bán hoa quả cho bà còn giàu gấp vạn".

Nhã cố mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Trong lòng không khỏi oán giận mẹ chồng. Bà chỉ đến chơi với cháu 1 ngày, sáng lên chiều về mà bà nỡ dội cho cô không biết bao nhiêu câu đau đớn.

Bà vừa đi khuất, Nhã ôm con mà nước mắt lưng tròng. Mẹ đẻ cô lại cố gắng động viên. Tuy nhiên, lần này bà chịu hết nổi nên bảo: “Biết tiếng bà ấy ghê gớm nhưng mẹ không nghĩ đến mức này. Thôi thì vì con vì cháu, mẹ cứ phải giả câm giả điếc, chứ nhà mình có đến nỗi nghèo hèn gì cho cam”.

Nói xong, mẹ Nhã quay đi lau nhanh giọt nước mắt. Nhã nhìn mẹ mà thấy giận bản thân mình. Người ta càng lớn càng khiến bố mẹ tự hào, còn cô, ngoài 30 tuổi vẫn khiến mẹ buồn tủi.

Tĩnh tâm trở lại, Nhã nghĩ có lẽ mẹ chồng cũng không đến mức quá đáng như vậy nếu cô không ở cữ nhà ngoại. Chờ con cứng cáp hơn, Nhã quyết định về nhà nội ở vài tháng để cân bằng cảm xúc với mẹ chồng. Nhưng về đây rồi cô mới té ngửa với sự thật, mẹ chồng thực chất là người đoảng chưa từng thấy. 

Bà ở nhà cả ngày nhưng hầu như chẳng đụng tay đụng chân vào việc gì. Nhã biết mình là phận con nên chuyện nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, cô tự nhận về mình mà không ca cẩm gì. Nhưng lắm khi cô không tránh khỏi cảm giác tủi thân khi vừa chăm con vừa đi chợ rồi về nhà nấu cơm.

Mẹ chồng ở nhà cả ngày nhưng nồi cơm cũng không cắm hộ Nhã được. Nhã có ý nhờ thì bà cười: "Nhất trí, việc nhỏ đó cứ để mẹ làm". Nhưng hôm sau, bà vẫn không nhớ để cắm hộ con dâu nồi cơm.

Không nhờ mẹ chồng được việc gì nên từ khi về đây, Nhã bỗng dưng trở nên bận rộn vô cùng. Hằng ngày, lo cơm nước rửa bát xong cũng đã gần 9 giờ tối. Rồi lại phải vội vàng dọn dẹp nhà cửa, cho quần áo vào máy giặt rồi đặt giờ giặt xong để còn đi phơi. Xong đâu đấy thì cũng đã sang ngày mới, lúc nào Nhã cũng thấy mệt mỏi và thèm ngủ, không thể tâm sự cùng chồng chuyện gì nữa.

Nhã nghĩ mình không thể chịu cảnh này thêm nữa. Có lẽ cô sẽ giục chồng ra ở riêng sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.