Sinh bé thứ hai được 3 tháng, chị Hoàng Thị Mai (Hà Nội) quay trở lại công việc. Lúc ấy, con lớn được hơn 2 tuổi, bé mới sinh quấy khóc đêm nhiều. Ôm con, lúc nào chị cũng nghĩ đến việc mình sẽ chết như thế nào.
Cho con bú, chị ý thức được việc mình có con nhưng lại không muốn yêu thương, chăm sóc. Mỗi ngày, chị Mai ngủ chập chờn 3-4 tiếng. Cứ khi nào thức là suy nghĩ về cái chết lại ấp đến. Chị sợ bóng tối đến mức từ 18h hàng ngày lại ngồi thu lu trong ánh đèn sáng trưng.
Bà mẹ hai con rạch ròi được suy nghĩ mình phải lựa chọn giữa sống vui vẻ, lạc quan và u sầu, tiêu cực. Chị ý thức mình phải sống vui lên nhưng có điều gì đó ghìm lại, cuốn vào nỗi buồn chán, ủ dột.
Cứ như vậy, ngày nào chị cũng mệt mỏi, buồn chán, nghĩ về cái chết. Chị trở nên mất kiểm soát với cuộc sống sau sinh. “Ba tháng sau sinh, tôi chỉ quanh quẩn trong phòng, tinh thần kiệt quệ", chị Mai nhớ lại.
Chị Mai gọi điện thoại tâm sự với một người bạn của mình. Họ cũng vừa trải qua cơn trầm cảm nên sau khi nói chuyện, tình trạng của chị ngày một nặng hơn và hoảng loạn.
Cuối cùng, chị chọn cách giãi bày với chồng, người thân và được gia đình đưa tới gặp chuyên gia tâm lý. Những lượt gặp chuyên gia tư vấn trôi đi trong khoảng 2-3 tháng nhưng không thấy có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình quyết định đưa chị tới Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, sau khi gặp bác sĩ tư vấn, bác sĩ chẩn đoán chị bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh, cần phải điều trị ngay.
Từ kinh nghiệm bản thân và sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, bà mẹ này rút ra được một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm như:
- Giấc ngủ bất thường: mất ngủ, ngủ không đủ, không ngon giấc.
- Mệt mỏi và kiệt sức dù cho đã ngủ và nghỉ ngơi nhiều.
- Rối loạn ăn uống: Buồn nôn, khó tiêu, rối loạn vị giác, ăn không ngon
- Khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt.
- Buồn chán, bi quan về cuộc sống, không còn cảm thấy bất kỳ điều gì vui vẻ, hứng khởi.
Những điều cần làm khi bị trầm cảm
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đưa ra những điều nên làm khi bạn hoặc gia đình có người thân rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh:
- Gọi cho bác sĩ tâm lý sớm nhất có thể: Nếu cảm thấy chán nản sau khi sinh con, bạn có thể miễn cưỡng hoặc ngượng ngùng khi thừa nhận điều đó. Tuy nhiên, khi gặp triệu chứng như rối loạn ăn uống và giấc ngủ, lo lắng, cảm giác tội lỗi, xấu hổ, suy nghĩ tiêu cực, khóc quá nhiều hoặc hay cáu gắt,… và chúng kéo dài trên 2 tuần, hãy gọi cho bác sĩ tâm lý và lên lịch hẹn sớm nhất có thể.
Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh, bạn cần chia sẻ với bác sĩ khi đang có kế hoạch hoặc phát hiện mình đang mang thai.
Nếu bạn có tiền sử trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm sau sinh, bạn cần chia sẻ với bác sĩ khi đang có kế hoạch hoặc phát hiện mình đang mang thai. Ảnh: Momspresso. |
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Ở bất kỳ thời điểm nào, nếu có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa con, ngay lập tức tìm sự giúp đỡ từ chồng, cha mẹ, người bạn thân thiết, hoặc liên hệ bác sĩ tâm lý ngay. Lúc này, tình trạng rối loạn tâm lý của bạn đang ở mức nguy hiểm.
Hãy cố gắng mở rộng kết nối với những người gần gũi với bạn và cho họ biết đang cần giúp đỡ. Bạn cũng có thể yêu cầu giúp đỡ về kỹ năng nuôi dạy con cái từ những hội bỉm sữa, bao gồm các kỹ thuật chăm sóc để cải thiện giấc ngủ của em bé và làm dịu cơn đau, khóc.
- Cải thiện lối sống: Những giải pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc chống trầm cảm, tâm lý trị liệu, thiết lập hệ thống hỗ trợ từ bạn bè người thân, chuyên gia tâm lý và cộng đồng các bà mẹ sau sinh, thay đổi lối sống, cải thiện dinh dưỡng, ngủ đủ giấc. Tránh uống rượu và các loại chất kích thích, vì những chất này có thể làm cho tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Lựa chọn lối sống lành mạnh: Bao gồm hoạt động thể chất như đi bộ với em bé và các hình thức tập thể dục khác trong thói quen hàng ngày. Bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, ăn thực phẩm lành mạnh.
- Tránh tạo áp lực: Chúng ta không đặt quá nhiều kỳ vọng vào mọi thứ và tự tạo áp lực cho mình. Đừng ép mình làm mọi thứ để trở nên hoàn hảo. Sẽ không có người mẹ nào hoàn hảo, chỉ có những người mẹ yêu thương con vô bờ bến.
- Biết dành thời gian cho chính mình: Hãy dành thời gian cho bản thân và ra khỏi nhà. Mẹ có thể yêu cầu chồng chăm sóc em bé hoặc sắp xếp cho một người khác trông nom. Hãy làm điều gì đó bạn thích như đọc sách, đi mua sắm, thậm chí buôn chuyện với bạn bè hoặc tham gia một số hình thức giải trí. Nếu có thể được, hãy ngủ trưa.
Trong các kế hoạch điều trị ở trên, điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý đó chính là sự quan tâm, chia sẻ từ người chồng, sự thấu cảm từ cha mẹ, người thân.
Các cặp vợ chồng nên quan tâm chăm sóc lẫn nhau giai đoạn ngay sau sinh. Điều đó làm cho người vợ cảm thấy thoải mái, có giá trị và ổn định tâm lý hơn.