Không dễ dạy con ứng xử văn minh?

GD&TĐ - Hiện tượng các bạn trẻ nói tục, chửi bậy, ngổ ngáo, có biểu hiện coi thường pháp luật, thậm chí có những hành vi trái thuần phong mỹ tục... đang là mối lo ngại của không ít phụ huynh. 

Không dễ dạy con ứng xử văn minh?

Thế nhưng, việc giáo dục nếp sống thanh lịch, cách ứng xử văn minh lại chưa được chú trọng uốn nắn, thực hành từ trong mỗi gia đình…

Cách ứng xử “một mình một kiểu”

Mấy tháng nay các hộ dân ở trong khu chung cư rất khó chịu vì lối sinh hoạt phản khoa học và thói chiều con bất chấp đúng sai của chị Hoa (Khu đô thị Trung Yên - Hà Nội). Cái cảnh các con chị la hét, cười đùa ầm ĩ ở hành lang hoặc chị cho con ăn ở thang máy khiến mọi người ngang tai trái mắt. Nhiều lần việc đi lại, lên xuống của mọi người bị ách tắc do thằng bé lớn cứ nghịch ngợm bấm lung tung vào các nút lên xuống các tầng để mẹ đút cháo sữa cho em nó.

Nhờ cái thang máy mà chị Hoa và người giúp việc cho thằng bé ăn nhanh hơn. Xung quanh cái thang máy là vỏ túi bim bim, vỏ sữa hộp bọn trẻ ăn xong vứt bừa ra, cư dân tòa nhà không ít lần phải hít ngửi mùi sữa nôn hoặc giẫm phải cháo bột be bét ở lối ra vào. Có hôm thằng bé còn bấm liên tục vào nút báo động khiến cho bảo vệ tòa nhà bị một phen hốt hoảng. Hộc tốc chạy lên tìm hiểu sự cố thì chỉ thấy mẹ con chị đang cười đùa, dỗ dành nhau. Nhiều người rất khó chịu, thẳng thắn góp ý thì chị Hoa bao biện đủ lý do.

Chị Hoa đâu ngờ, cái cách ứng xử “một mình một kiểu” của nhà chị đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi người và từ những sự đùa nghịch vô tư của con trẻ, nếu không được nhắc nhở, rèn giũa sẽ khiến các con mình trở thành những đứa trẻ lệch lạc trong nhận thức và hành xử.

Người lớn phải làm gương

Đưa con đi mua sắm ở siêu thị Pico, gặp chương trình khuyến mại giờ vàng hấp dẫn, chị Hải Thanh (Đặng Tiến Đông - Đống Đa - Hà Nội) dắt con vào xếp hàng. Số lượng sản phẩm khuyến mại có hạn mà dòng người xếp hàng đông đúc, chen chúc cứ nối dài thêm giữa cái nắng nóng ngột ngạt.

Cậu con trai nhăn nhó, sốt ruột đòi bỏ cuộc nhưng mẹ nó cứ bắt phải kiên nhẫn và giảng giải: “Đây không phải ở nhà. Chưa đến giờ quy định mà ai cũng đòi được phục vụ trước thì sẽ hỗn loạn ra sao?”. Đang nhích dần đến chỗ phát số thứ tự, thằng Việt sửng sốt khi thấy chú Hà – em họ của mẹ chen vào đứng trước nó nói to: “Cho chú xin chỗ nhé. May quá, chú quay lại vừa kịp chứ không lại quá mất lượt….”.

Thằng bé tròn mắt trong khi mẹ nó lớn giọng cãi chày cãi cối với mấy người phản đối việc chen ngang của chú Hà “người ta xếp hàng từ đầu gửi chỗ tôi rồi đi có chút việc…”. Nhìn mẹ và chú Hà hỉ hả xách mấy túi hàng mua được giá rẻ ra xe, thằng Việt vẫn lùng bùng mãi trong đầu cái bài học về văn hóa xếp hàng mà nó phải tham gia và tận mắt chứng kiến.

Tại các khu chung cư cao cấp thường có những sân vui chơi dành cho trẻ con. Và cũng ở chính môi trường sinh hoạt tập thể này có nhiều chuyện tưởng là chuyện trẻ con nhưng lại gây mất lòng người lớn. Nó phản chiếu những thói quen xấu của các bậc phụ huynh. Khi được sử dụng những thiết bị hoặc đồ chơi, sân chơi miễn phí nhiều đứa trẻ muốn độc chiếm hàng giờ và ít khi chịu nhường nhịn nhau nếu không có sự can thiệp của người lớn. Tuy nhiên, người lớn vì bênh con, vì cái lợi trước mắt nhiều khi dung dưỡng cho con cháu mình sự ích kỷ với cái lý “của chung” hoặc can thiệp thô bạo khiến việc vui chơi của trẻ nhỏ thành lý do cãi cọ, đôi co ồn ào.

Thay vì giáo dục trẻ biết chia sẻ đồ chơi, biết nhường nhịn và kiên nhẫn chấp hành luật lệ, thứ tự, có những hành vi ứng xử văn minh trong cộng đồng thì người lớn lại “bêu gương xấu” bằng những ứng xử thiếu văn hóa, phản tác dụng trước mặt bọn trẻ.

Chuyên gia giáo dục Kim Hiền - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích:

Trước những hành vi sai trái của con, nhiều bố mẹ xem nhẹ cho rằng đó chỉ là chuyện bình thường, bởi con mình còn nhỏ, chưa biết gì, lớn lên tự khắc biết điều chỉnh. Vậy khi nào trẻ mới cần được dạy cách ứng xử văn minh?

Dạy trẻ không có khái niệm quá sớm mà chỉ sợ rằng quá muộn. Hãy bắt tay vào việc cùng con tập luyện trở thành người công dân tốt, biết ứng xử văn minh ngay từ động tác thấy rác là nhặt bỏ vào thùng... Muốn dạy được con thì trước tiên người lớn phải làm gương. Đó sẽ là một trong những phương cách cơ bản dạy con thành người, có lối sống lành mạnh, có văn hóa văn minh trong xã hội phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ