Bà nội làm giúp việc, bố mẹ làm thuê, con đổi đời du học

GD&TĐ - Cu Tý đã lật cuộc đời sang trang khác, không còn lặp lại kiếp lao động xuất khẩu của mẹ cha, kiếp đi làm giúp việc của ông bà, mà nó đàng hoàng du học như một đứa con nhà giàu!

Du học Hàn Quốc.
Du học Hàn Quốc.

Bân khăn gói quả mướp, đùm đạc nào bánh trái, hoa quả lên sân bay N. đón thằng cu Tý từ Hàn Quốc trở về. Bân cứ quen miệng gọi nó là cu Tý, chứ nó có cái tên thật kêu – Anh Minh.

Mới 6 tháng trước, Anh Minh đã khiến cho vợ chồng Bân nở mày nở mặt khi nó kéo hai cái va ly thật oách lên taxi, tới sân bay quốc tế để sang Hàn Quốc du học.

Chuyến đi của Anh Minh tới Hàn Quốc du học là chuyến đi mong đợi đổi đời của nó, của cả gia đình Bân. Từ thằng cu Tý ở làng Nha, nó trở thành anh sinh viên du học Anh Minh ở tận Daegu, Hàn Quốc. Gia đình Bân đã nở mày nở mặt với xóm giềng.

Bân và Tĩnh, chồng chị, đã ăn nhịn để dành nửa đời người, từ đi làm thuê công nhật, tới buôn bán hoa quả ở chợ làng, rồi đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan suốt 6 năm trời, mới dành dụm được khoản tiền hơn một tỷ đồng, dồn cả cho Anh Minh du học.

Khi Bân khoe với hàng xóm, rằng thằng con cả của chị du học Hàn Quốc, hàng xóm còn dè bỉu, chắc nó đi xuất khẩu lao động chứ du học nỗi gì. Chỉ con nhà giàu mới du học, đằng này thằng cu Tý, bố mẹ còn đi làm thuê mửa mật ra, bà nó còn đi làm giúp việc, ông nó còn đi làm phu hồ, mà đòi được du học ư? Tài thánh nào mà dám du học?

Nhưng quả vậy, để có thể cho Anh Minh du học tại Hàn Quốc, ngay từ 6 tháng trước, Bân đã phải nộp tiền học phí, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, phí dịch vụ đủ cả nửa tỷ đồng. Ruột như xát muối, nhưng lúc vợ chồng Bân được lên sân bay N. không phải là để đi lao động xuất khẩu như mọi khi, mà để tiễn con du học nước ngoài, thì nỗi xốn xang tự hào đã khiến họ xóa đi nỗi xót tiền kia.

Lúc sang tới Daegu, Hàn Quốc, Anh Minh chụp ảnh trường học, lớp học trưng lên facebook, thì người làng mới ngộ ra rằng cu Tý đã lật cuộc đời sang trang khác, không còn lặp lại kiếp lao động xuất khẩu của mẹ cha, kiếp đi làm giúp việc của ông bà, mà nó đàng hoàng du học như một đứa con nhà giàu! Nó đã trở thành Anh Minh, du học sinh tại Hàn Quốc.

Nhưng chẳng ai học nổi chữ NGỜ. Đang học hành suôn sẻ, thì bỗng dưng dịch Covid-19 bùng nổ ở Hàn Quốc. Vợ chồng Bân ngày ngày theo dõi tin tức về số lượng người mắc Covid tăng chóng mặt ở Hàn, nhìn dòng người bất tận xếp hàng mua khẩu trang mà lo thắt ruột cho thằng Anh Minh.

Họ lên facetime gọi con, Anh Minh run rẩy nói trường nó đã cho nghỉ học, nó nằm ru rú trong phòng trọ vì không có khẩu trang. Mỗi khi ra ngoài, nó phải xé vạt áo phông buộc lên mặt thay khẩu trang, nhưng rủi ro là rất lớn.

Bân khóc lóc, không ngủ được, quyết định bằng mọi cách đưa Anh Minh về nước. Thôi thì chẳng sĩ diện hão nữa, đổi đời chẳng thấy đâu, tiền mất rồi thì cho qua, giờ đây quan trọng nhất là giữ được cái mạng sống của thằng con trai duy nhất, giữ được chữ bình an.

Kia rồi, thằng Anh Minh đã xuất hiện ở sảnh đến sân bay, nó chuẩn bị lấy hành lý. Trông nó xộc xệch ngơ ngác trong bộ quần áo màu xanh đen. Bân định ào đến ôm con, nhưng Anh Minh phải đi theo dòng người vừa nhập cảnh lên xe đưa về khu cách ly, vì nó ở vùng có dịch về. Bân gào gọi tên con, muốn nhao đến đưa cho con túi đựng bánh trái hoa quả, nhưng người cảnh vệ ngăn chị lại, không cho tiếp xúc.

Trong tuần đầu, ngày nào Anh Minh cũng gọi zalo về cho mẹ, phàn nàn về khu vực cách ly, nó kể, đó là một khu ký túc xá sinh viên, nhưng do sinh viên đã về nghỉ lâu rồi nên mọi đồ đạc không có, giường chiếu mốc meo, nhà vệ sinh cáu bẩn, tivi cũng không có. Nó chỉ giải trí qua điện thoại. Những người ở cùng lại cũng sợ lây nhiễm sang nhau nên tránh nói chuyện. Đồ ăn thì có bữa ngon, có bữa không hợp.

Anh Minh chủ yếu kêu chán nản. Chị Bân chỉ biết bảo, con về được là may rồi. Kiên nhẫn chờ đợi, nếu không bị mắc virus thì sẽ được trở về nhà thôi.

Tuần sau, Anh Minh bỗng dưng không nhắn tin hay gọi điện gì nữa. Chờ ba hôm không thấy tin con, Bân sốt ruột gọi cho con. Anh Minh chỉ nói vắn tắt là con bình thường, mẹ yên tâm, rồi ngắt máy.

Chừng khuya hôm đó, cậu chàng mới gọi lại cho mẹ, giọng hào hứng hẳn. Hóa ra, Minh đã tự tìm ra việc có ý nghĩa để làm. Thay vì kêu ca ký túc xá bẩn, nó gặp ban quản lý, xin cấp chổi, cây lau nhà, hóa chất tẩy rửa, và tình nguyện đi vệ sinh khắp khu nó ở, trong lúc tuyệt đối tuân thủ quy tắc chung trong khu cách ly. Qua lao động, Minh đã dần bình an trở lại.

Cho dù sau này, nếu còn được tiếp tục du học, thì con cũng sẽ học chăm chỉ, tốt nghiệp trở lại làng quê, tạo nên những thay đổi tích cực. Ở chính khu cách ly này, chứng kiến cảnh các y sỹ, chiến sĩ, tình nguyện viên làm việc vì người khác, trong nguy hiểm, con đã tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ