13 “bí mật” giúp con kiềm chế cảm xúc

GD&TĐ - Bằng cách dạy con nhận biết và đối phó với cơn giận, cha mẹ có thể ngăn chặn những tác động tiêu cực. Trẻ em cần học cách quyết đoán, thể hiện bản thân nhưng không hung hăng và bị cảm xúc chi phối.

Cha mẹ không nên nổi giận với cảm xúc của con. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên nổi giận với cảm xúc của con. Ảnh minh họa.

Nhà văn Kimberly Yavorski - bà mẹ của 4 con sống tại Mỹ, đã gợi ý những biện pháp để phụ huynh giúp con kiềm chế cảm xúc:

1. Sử dụng lời nói

Từ khi trẻ mới biết đi, cha mẹ nên đặt tên cảm xúc của con. Bực bội, thất vọng, xấu hổ và tức giận thường biểu hiện tương tự nhau. Tuy nhiên, mọi người thường phản ứng với những cảm xúc này khác nhau.

Bằng cách đặt tên cho những cảm xúc này, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ “dùng lời nói” để cảm thấy tốt hơn. Cảm thấy tức giận có thể là điều bình thường.

Tuy nhiên, trẻ cần biết không được hành xử hung hăng khi tức giận. Không chỉ dùng lời nói, cha mẹ cần hành động. Phụ huynh nên nói với con về cảm xúc của mình. 

2. Đặt mình vào địa vị người khác

Phụ huynh nên nhắc con rằng, mỗi người có tính cách, suy nghĩ khác nhau. Mọi người từ những nơi khác nhau có những phong tục khác nhau. Vì vậy, đôi khi, con sẽ có thể cảm thấy không quen.

Trẻ em ở các độ tuổi thường có mức độ trưởng thành về tình cảm khác nhau. Thậm chí, nhiều trẻ không thường xuyên chia sẻ ý kiến. Vì vậy, cha mẹ không nên  nổi giận với cảm xúc của con.

3. Xem xét “lý do tại sao”

Khi trẻ nổi giận, cha mẹ hãy đặt câu hỏi về hành động đó của con. Phụ huynh có tự hỏi rằng, liệu con tức giận do bị trêu chọc hay gặp lời nhận xét không hay? Và, còn nhiều tình huống khác có thể khiến trẻ buồn bã, giận dữ.

Đôi khi, những gì cha mẹ nhìn thấy chưa thể để kết luận. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần trao đổi thẳng thắn với con.

4. Giúp con thư giãn

Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng hầu như không phải ai cũng có thể thoải mái khi đang tức giận. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể giúp con nghĩ về một bài hát hoặc câu chuyện trẻ yêu thích.

Khi trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể dạy con một số kỹ thuật như hít thở hoặc thiền. Mỗi lúc tức giận, con hãy nhắm mắt và tưởng tượng mình đang đến một “nơi hạnh phúc”. Ngoài ra, trẻ cũng nên lặp lại từ “bình tĩnh” trong lúc hít thở sâu.

5. Thay đổi cách nhìn

Cha mẹ được khuyến khích giúp con cảm thấy lạc quan trong mọi tình huống. Thay vì nói rằng, mọi thứ thật tồi tệ, trẻ hãy nghĩ, chuyện xảy ra là điều hoàn toàn bình thường. Phụ huynh hãy nói cho trẻ biết, việc con đang đối mặt không phải là “ngày tận thế”. Đó chỉ là “tình huống khó chịu”.

6. Xử lý các tình huống

Khi gặp điều không như ý, trẻ cần tập trung đối mặt với vấn đề. Con cũng cần biết rằng, không phải mọi vấn đề đều có câu trả lời và cần thời gian giải quyết.

Cha mẹ hãy khuyến khích con suy nghĩ kỹ trước khi hành động. Nếu xung đột với người khác, trẻ cần cân nhắc tới phương án thỏa hiệp. Trong trường hợp con sai, phụ huynh nên yêu cầu trẻ xin lỗi. 

7. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Cha mẹ hãy cùng con nói về nguyên nhân tức giận. Đối với trẻ em, thất vọng thường là yếu tố dẫn đến những cơn thịnh nộ. Một khi vấn đề được xác định, cha mẹ có thể giúp đỡ bằng cách giải thích hoặc hướng dẫn con các kỹ năng cần thiết.

Trẻ có thể hít thở sâu để kiềm chế cơn giận. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể hít thở sâu để kiềm chế cơn giận. Ảnh minh họa.

8. Bỏ qua sự bực tức

Khi tâm trạng trẻ không tốt, cha mẹ hãy để con có khoảng thời gian yên tĩnh. Khi đó, trẻ sẽ có thời gian bình tĩnh và nhìn nhận lại, kiểm soát vấn đề. Cha mẹ cũng có thể đặt mình vào “thời gian chờ đợi”. Trẻ cần suy nghĩ trước khi quyết định đưa ra hành động tiếp theo.

Nếu con bị ốm, mệt mỏi hoặc căng thẳng, cảm giác tức giận sẽ dễ bùng phát hơn. Đặc biệt, những người ở trong “trạng thái bị tổn thương về mặt cảm xúc” nhiều khả năng sẽ phản ứng theo cách cực đoan.

9. Khuyến khích sự đồng cảm

Cha mẹ hãy khuyến khích con nhìn mọi thứ bằng quan điểm khác. Nếu con không muốn nói về cảm xúc của mình, phụ huynh có thể kể về nhân vật trong chuyện có hoàn cảnh tương tự.

Hãy đặt câu hỏi để thúc đẩy con nhìn ra khía cạnh khác của vấn đề và liên hệ với tình huống hiện tại. Ví dụ như, các nhân vật trong truyện sẽ cảm thấy và phản ứng thế nào?

Cha mẹ cần nhắc nhở con tha thứ cho bản thân và người khác. Ngay cả những người tốt đôi khi cũng có hành vi không đẹp. Mất bình tĩnh một lần không có nghĩa là con không thể thay đổi. 

10. Hào phóng với những cái ôm và khen ngợi

Những cái ôm có thể giúp xoa dịu tình huống khó khăn. Đặc biệt, cái ôm đúng lúc có thể ngăn chặn cảm giác ghen tị hoặc thất vọng dẫn đến tức giận ở trẻ. Một cái chạm nhẹ vào cánh tay có thể giúp làm dịu các dây thần kinh đang căng thẳng.

Cha mẹ đừng quên khen ngợi những nỗ lực của con. Hãy nhắc nhở trẻ về điểm mạnh và những gì con đã đạt được. Phụ huynh cần nhấn mạnh, những thất bại có thể giúp con mạnh mẽ tiến lên.

11. Khuyến khích con tập thể dục

Tập thể dục có thể là cách hiệu quả để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Việc tập thể dục thường xuyên cũng có thể làm giảm sự thất vọng - nguyên nhân gây ra cơn tức giận. Tập thể dục tăng cường endorphin, và cảm giác dễ chịu từ việc tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn sự khó chịu ở trẻ.

12. Tự lắng nghe cảm xúc

Khuyến khích con nhìn vào gương khi tức giận. Khi đó, con sẽ hiểu, giận dữ không phải là một cảm xúc tốt. 

13. Cha mẹ hãy là hình mẫu tốt

Để con có thể kiềm chế cảm xúc, cha mẹ hãy tự nhận thức được sự tức giận của mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến con.

Mặc dù tức giận là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Khi sự tức giận của con nằm ngoài các tiêu chuẩn, đó là lúc cha mẹ cần tìm kiếm sự giúp đỡ.

Theo Mother.ly

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.