Có được kết quả đáng tự hào này, Dũng không chỉ nhận được sự quan tâm dạy bảo từ thầy cô giáo mà gia đình, bố mẹ chính là người đã nuôi dưỡng và thắp lên trong em niềm đam mê, sáng tạo với học tập.
Điểm tựa của đam mê và tri thức
Hoàng Tuấn Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo. Bà nội Dũng là GV môn Hóa đã nghỉ hưu, mẹ làm giáo viên môn Văn giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hà Giang. Vì vậy, từ nhỏ, Dũng được quan tâm và có điểm tựa vững vàng trong việc phát triển kiến thức.
Cô giáo Chu Hồng Vân, mẹ Dũng cho biết: Khả năng Toán học của Dũng bộc lộ từ sớm. 4 tuổi, em đã đọc thuộc lòng bảng cửu chương và dễ dàng thực hiện các phép tính cộng trừ đơn giản.
Ông bà nội và bố mẹ của Dũng đã tìm ra các phương pháp giáo dục phù hợp để giúp em phát triển tư duy toán học tốt nhất nhưng cũng không gò ép, nhồi nhét khiến việc học tập trở nên quá sức.
Trước khi đi ngủ, bố mẹ thường mở chuyên mục đố vui Toán học để Dũng vừa học vừa chơi. Dũng đã thể hiện tư duy tính toán rất nhanh và tỏ ra hào hứng khi được tham gia. Em luôn là đội chiến thắng trong các cuộc đố vui toán học.
Khi Dũng lớn, bố mẹ thường chọn mua tặng em những quyển sách Toán, đặt báo Toán học tuổi thơ… giúp em có nhiều cơ hội tự đọc và học qua sách, suy nghĩ và phát triển khả năng của mình. Khi được tặng những cuốn sách về toán học, Dũng thường bị cuốn hút mạnh mẽ và đọc một cách hứng thú.
Nói về phương pháp giáo dục, cô giáo Chu Hồng Vân – cho rằng: Gia đình luôn đồng hành cùng con trong quá trình học tập. Hầu hết các buổi tối, bố mẹ đều ngồi học với Dũng, cùng con tìm cách giải các bài Toán từ đơn giản tới phức tạp.
Nhiều bài Toán quá khó, nằm ngoài khả năng hỗ trợ của bố mẹ, Dũng lại gọi điện thoại trực tiếp cho chú ruột là thầy giáo dạy Toán tại Trường chuyên Sư phạm Hà Nội để trao đổi và lắng nghe cách hướng dẫn từ chú. Sau đó, em mày mò, tự tìm ra cách giải.
Theo cô giáo Chu Hồng Vân, gia đình ghi nhận năng lực của con ở bất cứ mặt nào. Cái gì con chưa đúng, chưa hoàn thiện thì góp ý để con tự điều chỉnh và phát triển bản thân. Động viên con học tập chứ không thúc ép.
“Không ai hoàn hảo, chỉ cần con có ý thức điều chỉnh bản thân. Con có tố chất về lĩnh vực nào thì động viên con phát triển về lĩnh vực đó. Không gây áp lực con phải giỏi toàn diện để đỗ vào trường ĐH nào đó, hoặc buộc con phải có thành tích a, b, c. Bất cứ môn học nào dù tự nhiên hay xã hội, con hứng thú và học tốt đều được động viên và khuyến khích học tập…” – cô Vân nói.
Không để con thành “gà chọi”
Đến nay, Hoàng Tuấn Dũng trải qua nhiều cuộc thi Toán trong nước và quốc tế.
Em đã khẳng định mình bằng nhiều thành tích ấn tượng như: Huy chương Đồng (HCĐ) kỳ thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ VN 2017 – MUTS (Hội Toán học Việt Nam tổ chức). Huy chương Bạc (HCB) kỳ thi Toán Singapore SMO - 2017; Giải nhất Toán, nhất Lý cấp thành phố.
Đặc biệt, Hoàng Tuấn Dũng đạt Huy chương Vàng (HCV) kỳ thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ VN 2018 - MYTS; HCB kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) – 2018; 2 HCB tại kỳ thi Toán học không biên giới (MWB) – Kỳ thi mùa Thu, Đông 2017; HCV kỳ thi Toán học không biên giới (MWB) – Kỳ thi mùa Xuân 2018; HC Bạch Kim kỳ thi APMOPS vòng quốc gia (Toán châu Á – Thái Bình Dương); HCV kỳ thi APMOPS (Toán châu Á – TBD) 2018…
Cô giáo Chu Hồng Vân – mẹ của Dũng bộc bạch: Kết quả đạt được của Dũng có sự góp sức của thầy cô, nhà trường rất nhiều. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục từ gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gia đình, bố mẹ là ngôi trường và người thầy đầu tiên phát hiện và nuôi dưỡng năng khiếu, đam mê cho con.
Chia sẻ về giáo dục gia đình, cô Vân cho biết: Gia đình luôn có sự thống nhất trong cách dạy con từ những vấn đề cơ bản nhất.
Cụ thể như rèn luyện cho con những thói quen thích đọc sách và say mê với học tập từ nhỏ. Khuyến khích và rèn con tự lập trong sinh hoạt cá nhân; tự giác trong học tập. Khi con còn nhỏ tuyệt đối không để tiếp cận với điện thoại, iPad, máy tính.
Hàng ngày, bố mẹ nói chuyện, hỏi thăm con thường xuyên về những vấn đề học tập trên lớp, kể cho con nghe những tấm gương học giỏi, chân dung đỗ thủ khoa, các tấm gương thi Olympic đoạt huy chương, chuyện về lịch sử dân tộc…
Đối với gia đình, mỗi cuộc thi mà Dũng tham dự như một lần để em thử thách, trải nghiệm và rút ra các bài học thi cử. Chính vì vậy, ở bất kỳ cuộc thi trong nước hay quốc tế, tinh thần Dũng luôn thoải mái, không mệt mỏi trong suốt quá trình làm bài. Thông điệp mà bố mẹ truyền đến Dũng trong học tập: Tri thức là sức mạnh. Có tri thức con sẽ tự tin làm chủ cuộc sống của mình…
Đặc biệt, gia đình luôn ý thức trong việc giáo dục kĩ năng sống, phát triển nhân cách đạo đức cho con. Con có giỏi đến mấy cũng không ép thành “gà chọi”, chỉ biết đến học tập và những cuộc đua kiến thức.
Do vậy, nghỉ hè năm học lớp 3 Dũng đã được gia đình cho tham gia lao động để học hỏi nhiều điều và biết trân trọng giá trị lao động. Gia đình gửi Dũng vào một hàng ăn, Dũng đóng vai trò như một người phục vụ từ bưng bê đồ ăn, dọn dẹp bát đũa… đến tính tiền cho khách.
Số tiền lương mà nhà chủ trả cho Dũng cũng chính là tiền của gia đình gửi chủ hàng đưa cho em. Không chỉ dừng lại ở đó, Dũng còn cùng mẹ làm kem để bán trong dịp nghỉ hè. Dũng đảm nhận vai trò ngồi bán, mời khách, thu tiền…
“Sau những phút lao động trải nghiệm ấy, Dũng thêm quý trọng giá trị lao động và cuộc sống. Em đã học được cách tính toán, phân tích thị trường, tư duy cuộc sống nhanh nhẹn, linh hoạt. Em hiểu được sự vất vả của bố mẹ trong lao động. Đặc biệt, Dũng đã tự giác và nỗ lực học tập hơn để đạt được những thành tích tốt…” - chị Vân chia sẻ.