Điểm tựa vững chắc…
“Vợ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời, hết lòng vì chồng vì con, luôn chu toàn chăm lo, quán xuyến mọi công việc trong nhà, là điểm tựa vững chắc cho tôi yên tâm làm việc”. Đó là tâm sự của anh Nguyễn Hữu Tâm (ngụ ở phường Phước Long A, quận 9, TP Hồ Chí Minh) khi nói về vợ anh là chị Lê Thị Mười Hai, hiện đang làm nội trợ và may gia công tại nhà.
Rời vùng quê nghèo của huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hai vợ chồng lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, lúc đó anh Tâm mới xin đi làm công nhân cơ khí tại Xí nghiệp Đóng tàu Ba Son, chị Mười Hai lo chăm con và làm may gia công tại nhà. Với đồng lương eo hẹp, vừa phải lo trả tiền thuê nhà, vừa phải lo nuôi con nhỏ, cuộc sống rất cùng cực. Nhưng nhờ biết động viên lẫn nhau, lại chịu thương chịu khó làm ăn, nên năm 2003, anh chị đã dành dụm được một khoản tiền để mua nhà ở quận 9. Từ đó, cuộc sống gia đình anh chị đỡ vất vả hơn.
Đối với anh Tâm, người vợ và cô con gái là điểm tựa vững chắc để anh yên tâm công tác (ảnh chụp vợ và con gái anh Hữu Tâm).
Vốn tính khéo léo, thật thà, chị Mười Hai đã luôn làm tốt vai trò của người vợ đảm trong gia đình. Chị tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, tôi thức dậy từ rất sớm chuẩn bị bữa sáng và đi chợ, dọn dẹp nhà cửa. Để chồng yên tâm đi công tác xa nhà, tôi còn giành hết phần chăm sóc, dạy học cho cô con gái nhỏ. Đây là bổn phận của một người làm vợ, làm mẹ trong gia đình và tôi cũng thấy rất hạnh phúc khi làm được những việc đó cho chồng và con”.
“Ngoài việc sinh cho tôi 1 cô con gái ngoan ngoãn, vợ tôi còn khéo léo trong việc dạy con gái biết làm việc nhà, biết nấu các món ăn của người miền Tây như món canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng vịt… Đặc biệt, vợ tôi là người nấu ăn khá giỏi, mỗi lần đi đâu xa tôi thường nhớ và thèm các món ăn do vợ nấu. Tôi rất biết ơn và cảm phục những gì mà vợ tôi đã làm cho gia đình”, anh Tâm chia sẻ thêm.
Tương tự gia đình chị Mười Hai, gia đình chị Lê Thị Bồng, công nhân Công ty may Việt Sang (quận Gò Vấp) cũng luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Quê ở huyện Châu Thành (Tây Ninh), sinh ra trong gia đình nghèo khó, sống bằng nghề làm thuê làm mướn mãi vẫn không đủ ăn; khi lấy chồng, vợ chồng chị Bồng quyết định lên TP Hồ Chí Minh làm ăn. Cưới nhau hơn 20 năm, nhưng chồng bị bệnh gút từ 2006 đến nay, chị Bồng thì bị bệnh tiểu đường; vì vậy, bao nhiêu tiền của cũng theo bệnh tật mà đi. Dù vất vả chống chọi với bệnh tật nhưng anh chị Bồng vẫn quyết tâm gìn giữ cuộc sống gia đình hạnh phúc và nuôi dạy các con nên người. Hiện nay, cô con gái lớn của anh chị đang là giáo viên mầm non ở Tây Ninh, cô con gái út đang là sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh.
Chị Bồng tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất của người làm cha mẹ là thấy con cái ngoan ngoãn, ăn học thành tài. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn nhưng vợ chồng biết san sẻ, yêu thương, đùm bọc nhau thì mọi khó khăn rồi sẽ tan biến”.
Nơi gìn giữ nét đẹp truyền thống
Có thể nói, chính sự nỗ lực, mẫu mực, chịu thương chịu khó, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau như gia đình chị Mười Hai, chị Bồng đang là những tấm gương sáng cho con trẻ về tình yêu thương, tinh thần sẻ chia, biết yêu thương đùm bọc trong các gia đình Nam Bộ hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia văn hóa học, nhiều gia đình Nam Bộ đang gìn giữ những nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc như: Tính hiếu khách, tính bộc trực mạnh mẽ, hào phóng, đôn hậu và tấm lòng nhân hậu, bao dung… Đặc biệt, người phụ nữ miền Nam rất vị tha, dịu dàng và lại khéo tay, chiều chồng và đáng quý nhất là sự hy sinh cho chồng, con trong mọi hoàn cảnh.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển và trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để các gia đình phát triển. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho gia đình Việt Nam nhiều khó khăn thách thức, dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng gia đình vẫn là hai tiếng thiêng liêng, ghi sâu vào tâm khảm của mỗi người con Việt Nam, là điểm tựa, là chốn bình yên của mỗi thành viên. Gia đình còn là sự sẻ chia, là tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau và gia đình chính là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người trong mọi thời đại.
Nói về những nét đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam, bà Võ Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Truyền thống gia đình Việt Nam được hun đúc từ hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, với những chuẩn mực tốt đẹp, những giá trị truyền thống quý báu. Đó chính là lòng yêu quê hương, đất nước, yêu con người; là tình thủy chung, hiếu nghĩa; là tinh thần hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt”.