Ghi ở "đỉnh rét" Lào Cai, Hà Giang

Ghi ở "đỉnh rét" Lào Cai, Hà Giang

(GD&TĐ) - Từ thành phố Lào Cai ngược đèo lên Sa Pa, đến cửa ngõ Trung Chải, cũng là cái “ngưỡng khí hậu” Mường Tiên, Tắc - kô, là chạm vào cái rét thấu xương. Mùa hè lên tới đây là nhiệt độ thay đổi rõ rệt, cảm thấy sự mát lạnh tỏa ra từ núi đá và rừng cây, còn mùa đông, nhất là những ngày rét đậm, rét hại, thì nơi này giá lạnh xuyên thấu vào tận từng thớ thịt. 

Các em học sinh tiểu học Trung Chải đủ quần áo ấm.
Các em học sinh tiểu học Trung Chải đủ quần áo ấm
Trong giá lạnh và màn sương mờ ảo, Trường tiểu học Trung Chải vẫn vang tiếng trẻ học bài. Các thầy cô giáo ở đây cho biết, trường đã xin ý kiến của Đảng ủy, HĐND, UBND xã tìm phương án hỗ trợ cho học sinh chống rét.
Xã đã thống nhất sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, sau khi thông qua ý kiến của phụ huynh học sinh và nhà trường, đã mua hơn 100 chiếc áo bông cho các em học sinh nghèo thiếu áo ấm. Cùng với số áo do cơ quan giúp đỡ xã là Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai tặng, tất cả học sinh tiểu học trên địa bàn đều được mặc ấm đi học. Lãnh đạo xã và Ban giám hiệu nhà trường đều thống nhất sẽ cho học sinh được nghỉ học nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, như khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.  

Còn về chuyện phòng chống rét cho gia súc là cả câu chuyện dài. Những năm trước, dù chính quyền và ngành nông nghiệp có nhiều khuyến cáo, tuyên truyền, nhiều biện pháp hướng dẫn tận nơi cho bà con phòng chống rét gia súc, nhưng vẫn có nhiều trâu bị chết rét.

Ngay mùa rét năm ngoái thôi, cả huyện Sa Pa có hàng nghìn con trâu bị chết, riêng Trung Chải cũng mất hàng trăm con. Hình ảnh đồng bào ngả thịt trâu ra bán tống bán tháo ven đường, nước mắt và băng giá tan hòa trên những tàu lá chuối thật đau xót và ảm đạm. Con trâu là đầu cơ nghiệp, có nhà vay tiền ngân hàng chính sách mua trâu lấy sức cày kéo, đến mùa rét chỉ sơ sảy là trâu lăn ra chết, còn gì để trông đợi vào sự làm ăn làm mặc và kỳ vọng vào đời sống khá lên.  

Sau thất bại, mất mát, chắc chắn những bài học kinh nghiệm quý sẽ được rút ra. Hôm nay là ngày nền nhiệt độ xuống thấp nhất từ đầu đông, trời mưa lây phây do sương mù quá nặng. Cái rét thấm vào từng ngón tay ngón chân tím tái, mặc dù đã phòng thủ cả găng tay và giày, tất đầy đủ.
Trước khi vào trụ sở xã, chúng tôi đọc được nội dung thông báo ghi bằng phấn trắng trên tấm biển lớn trước sân: “Để hạn chế tình trạng trâu bò chết rét và chết đói trong vụ đông, đề nghị nhân dân áp dụng: Không thả rông gia súc. Phải che chắn chuồng trại. Phải cho gia súc ăn uống đầy đủ khi nuôi nhốt”. 
Chị Giàng Thị Mú chăm sóc trâu
Chị Giàng Thị Mú chăm sóc trâu
Anh Châu A Phò, người Mông, chủ tịch xã cho biết: “Không như mọi năm đâu, đến thời điểm này cả xã chưa có nhà nào có gia súc chết rét”. Vào mùa rét năm nay, với chủ trương phòng rét sớm và tích cực, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các huyện vùng cao cấp kinh phí hỗ trợ cho dân làm mới và sửa chữa, tu bổ chuồng trại gia súc. Riêng xã Trung Chải được cấp kinh phí làm mới 110 chuồng trại và sửa chữa 82 chuồng trại. Đến ngày cuối cùng của năm 2011, tất cả các hộ đã thực hiện xong và được nghiệm thu đầy đủ.
Cán bộ khuyến nông cơ sở cũng vào cuộc tích cực, hướng dẫn bà con chăm sóc gia súc để phòng chống rét, ngoài việc chăm lo chuồng trại tránh gió lạnh, thì tăng cường chế độ cho ăn cho uống, đốt lửa sưởi ấm. Người dân rất chịu khó làm theo hướng dẫn. Một số hộ thì mạnh dạn đến trụ sở xã, xin tiêm phòng rồi xin cái giấy chứng nhận của thú y, sau đó lùa đàn trâu xuống xã vùng thấp để tránh rét, bởi vậy dọc đường 4D, vẫn có cảnh cả gia đình dong đàn trâu xuôi dốc, đi sơ tán để chắc chắn không bị thiệt hại.
Ngay trong buổi sớm chúng tôi đến, có 2 gia đình dong 13 con trâu xuống xã bạn Cốc San (Bát Xát) để tránh rét. Những hôm trước, đã có một số hộ khác đưa trâu đi sơ tán rồi. Thời tiết vẫn rất xấu, mưa nặng hạt hơn. Chủ tịch xã cử đồng chí cán bộ trẻ Châu A Trà đưa chúng tôi lên thăm các bản để mục sở thị những chuồng trại mới được nghiệm thu. Bấm mũi giày theo mép đường mòn có dòng nước liu riu chảy, rồi phải thật khéo léo men theo đường gân của những tảng đá trơn trượt, chúng tôi leo bộ chừng nửa tiếng mới lên tới mấy nóc nhà cao nhất thôn Chu Lìn 2.
h
Anh Châu A Trà giới thiệu về chiếc chuồng trâu mới của một hộ dân thôn Chu Lìn 2
Ở đây có vài chiếc chuồng trâu mới làm, nền xi măng, khung gỗ, mái pro-xi măng và được quây kín bởi những tấm bạt. Mái nhà của chị Giàng Thị Mú chìm trong sương mờ và làn mưa, nhưng vẫn nhận thấy làn khói tỏa. Bên hiên nhà, 3 con trâu béo khỏe đang lúc lắc cặp sừng.
Chị Mú chỉ tay cho chúng tôi xem cái chuồng trâu mới được sửa cách đầu nhà vài chục mét, và cho hay buổi tối thì cho trâu vào chuồng, đốt đống trấu sưởi cho chúng, và cho uống nước pha muối, còn ban ngày chị đưa trâu vào hiên nhà để tiện cho ăn cỏ mới cắt cùng cám ngô nấu. Vậy nên trâu của chị vẫn khỏe. Chị cũng cho hay nhà có lao động đi cắt cỏ được và có nhiều ngô, nên mới nuôi được như vậy, còn một số nhà khác thì dong trâu đi sơ tán rồi.  
Một số hộ dong đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét.
Một số hộ dong đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét.
Vào thời điểm này ở đỉnh đèo Hoàng Liên, nhiệt độ đang xuống thấp tới 1,8 độ C; ở thị trấn Sa Pa nhỉnh hơn chút ít, khả năng xảy ra băng giá hoặc mưa đông kết là rất lớn. Nhớ năm trước cũng vào thời điểm này, nhiệt độ còn thấp hơn, trên đỉnh đèo còn có người đi tìm trâu. Ở Trung Chải cũng vậy, năm ngoái nhiều gia đình còn chủ quan, nên khi trâu ngã gục vì rét thì mới đau lòng. Trâu chết là tài sản mất, là mùa vụ lại khó khăn rồi.
Năm nay, sau khi nghe báo cáo từ cơ sở và ngành chuyên môn, cùng với thẩm tra tình hình thực tế, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chỉ hỗ trợ công tác phòng rét, phòng từ sớm, cấp kinh phí cho dân làm mới hoặc sửa chữa chuồng trại, không hỗ trợ cho dân có gia súc bị chết rét nữa. Thông tin này đã được triển khai sớm và quán triệt đến từng huyện, xã và thôn bản vùng cao, vậy nên ý thức của các cấp cơ sở và người dân đã được nâng lên rất nhiều. 
Trời vẫn rét căm căm, đường trơn trượt khó đi, nhưng bước chân chúng tôi từ Chu Lìn xuống trung tâm xã chộn rộn niềm vui, trước hết là bởi cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường đã chăm lo chống rét cho trẻ em đầy đủ; sau đó, là đến thời điểm này, đàn gia súc 891 con của Trung Chải chưa con nào bị chết rét, đây là một thay đổi lớn, phá vỡ được hệ lụy nhiều năm cứ rét hại là lại gây thiệt hại cho đời sống của bà con.
Mèo Vạc (Hà Giang): Chủ động phương án phòng chống đói, rét cho gia súc 
Trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi của huyện Mèo Vạc đã có bước phát triển nhanh và mạnh; số đàn trâu, bò ngày càng tăng lên. Năm 2011, tổng đàn trâu, bò của huyện là 30.826 con tăng 5% so với cùng kỳ năm 2010. Và là huyện đứng đầu tỉnh Hà Giang về tổng sản lượng đàn bò.
Nhưng do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến bất thường, đặc biệt rét đậm, rét hại kéo dài trong vụ đông xuân đã gây thiệt hại rất lớn cho chăn nuôi. Theo thống kê, vụ đông xuân năm 2007-2008: Rét đậm, rét hại đã làm chết 707 con trâu, bò, thiệt hại trên 5 tỷ đồng; vụ đông xuân năm 2010-2011, chết 185 con trâu, bò, ước thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng. 
ảnh anh Giàng Pà Tủa xóm Sảng Chải A xã Lũng Pù (Mèo Vạc) chủ động chăn nuôi gia súc nhốt chuồng để phòng tránh rét.
Anh Giàng Pà Tủa xóm Sảng Chải A xã Lũng Pù (Mèo Vạc) chăn nuôi gia súc nhốt chuồng để phòng tránh rét
Xác định ngành chăn nuôi trâu bò đã trở thành thương hiệu hàng hoá giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời cũng là “Đầu cơ nghiệp” của người dân. Do đó, UBND huyện Mèo Vạc đã thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn song song với việc phát triển số lượng đàn gia súc thì phải luôn quan tâm chú trọng đến việc tăng nhanh diện tích trồng, thâm canh cỏ các loại nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc. 
Hiện nay, diện tích cỏ trồng trên địa bàn huyện là 3.384.4 ha, trong đó: cỏ VA06= 745ha, cỏ Voi= 1.600ha, cỏ Goatemala= 1.039,4ha; năng suất bình quân trong năm 72,5 tấn, sản lượng trong năm đạt 245,340 tấn/4 lần thu hái trong năm. Sản lượng cỏ thô xanh có thể đáp ứng được 61.335 tấn, còn thiếu hụt khoảng 600 tấn cỏ để phục vụ tốt nhu cầu cho đàn gia súc của huyện trong mùa đông.
Nhằm chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế tối đa số gia súc bị chết do đói và rét góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện Mèo Vạc khoá XVII về phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi trâu, bò hàng hoá. UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống đói, rét cấp xã, thị trấn. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tuyên truyền nhân dân chủ động chăm sóc tốt diện tích cỏ đang trồng, biết cách bảo quản ủ chua, phơi khô cỏ để dự trữ trong những ngày rét đậm, rét hại. Đối với những hộ chăn nuôi từ 3 con trâu, bò trở lên thì chỉ đạo mỗi hộ trồng tối thiểu 300m2 ngô dầy làm thức ăn bổ sung cho trâu bò. Ngoài ra, cần chủ động dự trữ một lượng thức ăn tinh bột bổ sung như: cám gạo, bột ngô, sắn,... đủ cung cấp cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân tiến hành tu sửa chuồng trại, sử dụng các vật dụng như bao tải, phên che, nứa để chủ động che chắn chuồng trại tránh rét; nền chuồng phải được giữ vệ sinh thường xuyên khô ráo không đọng nước. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để tránh phát sinh dịch bệnh.  Đồng thời, triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc vụ đông xuân nhằm tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh.
Với phương án chuẩn bị chu đáo của mình, huyện Mèo Vạc sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.
Mã Anh,N. LâmQuỳnh Lưu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ cúng rừng Nà Hẩu vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Độc đáo 'Tết rừng' Nà Hẩu

GD&TĐ - Lễ cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu (huyện Văn Yên, Yên Bái) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ảnh chụp từ trailer.

Thưởng thức kịch 'Dưới bóng giai nhân'

GD&TĐ - Nhà hát Kịch Idecaf tiếp tục công diễn vở “Dưới bóng giai nhân” (tác giả - đạo diễn: Quang Thảo) lúc 19 giờ 30 ngày 19/1 tại Nhà hát Bến Thành.

Làm trắng răng bằng cách chà mặt trong của vỏ chuối lên hàm răng mới đánh sạch trong khoảng 2 phút mỗi ngày. (Ảnh: ITN).

Bất ngờ công dụng của vỏ chuối

GD&TĐ - Vỏ chuối có rất nhiều công dụng mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Bài viết này chia sẻ với bạn những cách tận dụng vỏ chuối vô cùng thông minh.