TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết năm 2023, bệnh mới nổi đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta.
Ghi nhận tại 10/20 tỉnh thành khu vực phía Nam có 117 ca mắc, trong đó có 6 ca tử vong.
Như vậy, tỷ lệ tử vong liên quan đậu mùa khỉ ở Việt Nam là 5,1%. Giữa tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chủng virus đậu mùa khỉ mới nguy hiểm hơn chủng xuất hiện năm ngoái, triệu chứng nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khoảng 10%.
Theo BS chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM), cho hay trong 3 tháng qua, bệnh viện tiếp nhận 49 ca đậu mùa khỉ. Trong đó có 6 ca nặng đã tử vong, 40 ca xuất viện, 3 ca đang điều trị.
Theo BS Hoa, do bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM) là nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các tỉnh thành phía Nam chuyển đến, nên tỉ lệ tử vong này không đại diện cho cộng đồng.
BS Hoa cho biết, những bệnh nhân nặng đều còn trẻ (28-30 tuổi), nhiễm HIV giai đoạn AIDS. Tất cả đều không điều trị bằng thuốc ARV để kiểm soát HIV hoặc chỉ mới bắt đầu trị.
Các sang thương da hoại tử, loét sâu rộng, bội nhiễm vi trùng gây viêm mô tế bào, áp xe da cơ nặng. Từ đó, bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, là bệnh cảnh chính gây tử vong.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, tại khu vực phía Nam, các đơn vị y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, năm 2024 các đơn vị y tế khu vực phía Nam tiếp tục chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND các cấp về ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Trong đó đặc biệt chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương.
Đồng thời Sở Y tế cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo. Có giám sát mới phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng.
Cùng với đó là xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí; phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế các tuyến bao gồm cả liên ngành Thú y, Quân Y và Y tế ngành, đặc biệt là với các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế.
Đặc biệt đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng để từ đó gắn hoạt động phòng chống dịch là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể.