Ghi hình giám sát cảnh sát đăng lên mạng xã hội, ranh giới mong manh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên quan đến việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, CSCĐ khi thi hành công vụ có nhiều ý kiến tranh luận.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A.
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A.

Thời gian qua trên mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) xuất hiện nhiều video của một người hoặc nhóm người chuyên đi quay các chốt Cảnh sát giao thông (CSGT) và Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đang làm nhiệm vụ.

Nhiều đối tượng lợi dụng việc “giám sát” để tạo áp lực, thậm chí uy hiếp, can thiệp đến lực lượng làm nhiệm vụ. Đây là ranh giới mong manh giữa “giám sát” lực lượng thực thi công vụ và vi phạm pháp luật.

Trào lưu tung clip “giám sát”

Gần đây, cư dân mạng chia sẻ nhiều video của TikToker Tuấn Phò Mã 36 về những tình huống đối phó với CSGT, CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ. Trong các video đăng tải của mình, TikToker này thường xuyên hướng dẫn các tài xế lái xe an toàn trên các cung đường, đồng thời chia sẻ các tình huống tranh luận với lực lượng CSGT, CSCĐ trong quá trình làm nhiệm vụ và xử lý vi phạm.

Kênh TikTok của Tuấn Phò Mã 36 hiện nay có gần 190 nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt thích. Trong khi đó kênh YouTube Tuấn Phò Mã 36 cũng có gần 10 nghìn lượt đăng ký và mỗi video đăng lên cũng thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Tối 12/2, Tổ công tác Y11/141 thực hiện lập chốt tại nút giao Lê Trọng Tấn - KĐT Park City (Hà Đông). Một phần đường Lê Trọng Tấn (hướng từ Hoài Đức đi Hà Đông) được lực lượng chức năng ngăn lại để kiểm tra nồng độ cồn với tài xế.

Đến 20 giờ 35 phút cùng ngày, tổ công tác yêu cầu dừng ô tô mang BKS 30H- 484.XX do tài xế V.Đ.N. (SN 1995), trú tại Phú Thọ, điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế này không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, mà yêu cầu tổ Cảnh sát 141 cho kiểm tra chuyên đề, kế hoạch công tác.

Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng Tổ công tác Y11/141 giải thích cho tài xế V.Đ.N. biết về việc, người vi phạm không được phép kiểm tra chuyên đề của tổ Cảnh sát 141 vì đây là kế hoạch mật do Công an Hà Nội ban hành. Nhưng tài xế N. tiếp tục yêu cầu phải cho xem kế hoạch.

Tài xế liên tục dùng điện thoại quay clip và phát trực tiếp sự việc lên mạng xã hội (MXH), kêu gọi những người khác đến chốt kiểm tra để giúp sức. Sự việc kéo dài đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, tuy tài xế không chịu hợp tác nhưng lực lượng Cảnh sát 141 vẫn kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Trước đó, ngày 9/4/2019, Công an TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã thực hiện lệnh khám xét nhà khẩn cấp và bắt tạm giam đối với Trần Đình Sang (SN 1980), trú tại tổ 40, phường Minh Tân, TP Yên Bái, để làm rõ hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Đến ngày 18/9/2019, TAND TP Yên Bái đã tổ chức xét xử sơ thẩm với bị cáo Trần Đình Sang. Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ và quy định tại Khoản 1, Điều 330 của Bộ luật Hình sự về tội chống người thi hành công vụ, HĐXX tuyên phạt Trần Đình Sang 2 năm tù giam.

Nhắc đến Trần Đình Sang, cư dân mạng đã trở nên quen thuộc với trang MXH Facebook “Trần Đình Sang và những người bạn” với 99.101 lượt người thích và 173.418 người theo dõi. Đây là một người chuyên đăng tải những hình ảnh, video clip để gây rối và hạ uy tín của lực lượng công an trên toàn quốc.

Kênh TikTok của Tuấn Phò Mã 36 thu hút gần 200 nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt thích.

Kênh TikTok của Tuấn Phò Mã 36 thu hút gần 200 nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt thích.

Giám sát phải đúng luật

Liên quan đến việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, CSCĐ khi thi hành công vụ có nhiều ý kiến tranh luận. Một số ý kiến cho rằng, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT, CSCĐ nên việc ghi âm, ghi hình rồi phát trực tiếp lên MXH là bình thường, là quyền của người dân.

Tuy nhiên, có ý kiến không đồng tình, vì người dân có quyền giám sát nhưng không được lạm dụng quyền này để cản trở hoạt động nghiệp vụ, xâm phạm các quyền về hình ảnh cá nhân.

Bên cạnh đó, một số kẻ xấu lợi dụng quyền này với mục đích gây rối trật tự xã hội, phá hoại, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thi hành công vụ.

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết, việc công dân quay phim, chụp ảnh để giám sát lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật là bình thường.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp đòi quay video muốn sử dụng nền tảng MXH để câu like, câu view các lực lượng chức năng có nhiệm vụ giải thích các thông tư, nghị định cũng như chỉ cho họ các trang công khai kế hoạch…

“Được giải thích, nhưng họ vẫn cố tình không chấp hành, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ lập biên bản và lấy nhân chứng là người xung quanh, dùng thiết bị nghiệp vụ quay lại các hành vi vi phạm để làm cơ sở xử lý sau này…”, Thiếu tá Chiến nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, luật pháp hiện hành không cấm người dân quay phim, chụp ảnh, giám sát lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Từ ngày 15/1/2020, người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Việc ghi hình được quy định trong Thông tư 67/2019/TT-BCA, cụ thể người dân có quyền giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng phải bảo đảm các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tuân thủ các quy định pháp luật khác.

Ghi hình CSGT làm nhiệm vụ ngoài việc giúp phòng ngừa tiêu cực, tăng quyền giám sát của nhân dân, còn giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong việc đảm bảo trật tự ATGT.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện quyền giám sát thì chính người dân cần thực hiện nghĩa vụ chấp hành quy định của pháp luật. Qua đó tránh hành vi chống đối, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật và bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ