Ghép tạng ở bệnh nhi: Phong phú nguồn tạng để giảm tỷ lệ tử vong

GD&TĐ - Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), số bệnh nhi có chỉ định ghép gan là hơn 100 ca/năm, chỉ định ghép thận là hơn 70 ca/năm.

Theo thống kê, chi phí giao động từ 300 – 500 triệu đồng/ca (đã trừ BHYT). Ảnh: BVCC
Theo thống kê, chi phí giao động từ 300 – 500 triệu đồng/ca (đã trừ BHYT). Ảnh: BVCC

Hiện nay, mỗi tháng trung bình có 2 bệnh nhi tử vong trong lúc chờ ghép tạng.

Do đó, việc đẩy nhanh tốc độ ghép tạng là nhu cầu cần thiết vì số lượng bệnh nhi có chỉ định cần ghép vẫn luôn tăng.

Trao thêm một cơ hội được sống

Hơn 19 năm trước, ca ghép gan đầu tiên diễn ra thành công tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đây là dấu mốc thành công, tạo tiền đề cho sự phát triển trong kỹ thuật ghép tạng tại bệnh viện đến ngày hôm nay.

Không giấu nổi xúc động, chị T.T. (ngụ TPHCM) chia sẻ về hành trình kỳ diệu của con mình khi là ca đầu tiên được ghép gan thành công, thời điểm mà người dân chưa có nhiều thông tin về ghép tạng.

Chị T. cho biết, con chị được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh, có chỉ định ghép gan, nhưng gia đình rất sốc vì chưa biết ghép gan là gì và tỷ lệ thành công là bao nhiêu. Vì đó là cách duy nhất để cứu con, với trách nhiệm của người mẹ và được sự thống nhất của gia đình, chị T. đồng ý với quyết định ghép gan để cứu sống con.

Theo chị T., thời điểm đó gia đình may mắn nhận được sự hỗ trợ nhiều từ Nhà nước khi thực hiện ca phẫu thuật. Đồng thời, trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, phẫu thuật, hậu phẫu và quá trình phát triển của con, gia đình luôn nhận được sự đồng hành của các bác sĩ, theo dõi sát sao diễn tiến của con.

“Nuôi một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh đã khó, nuôi một đứa con lúc đau ốm, bệnh tật, nhất là giai đoạn hậu phẫu, khó khăn càng chồng chất. Hiện nay, con tôi đang học đại học, có thể sinh hoạt bình thường, tham gia các hoạt động về thể chất, hòa nhập cuộc sống tốt và thường xuyên quay về bệnh viện để thăm các bác sĩ. Ghép gan là cơ hội cứu sống duy nhất của con nên tôi không thể nào có phương án khác, nhờ đó, con tôi được trao cơ hội sống thêm một lần nữa”, chị T. nói.

Chia sẻ về trường hợp của con đang chờ ghép thận, chị M.N. (tỉnh Tiền Giang) cho biết, dù gia đình không khá giả, nhưng khi con bị suy thận, phải duy trì chờ để có thể thực hiện ghép, gia đình vẫn vay mượn khắp nơi, những mong có thể sẵn sàng ghép cho con.

“Theo tư vấn của các bác sĩ, trẻ ghép xong có thể duy trì sự sống được khoảng 10 năm. Còn cứu được con, tôi vẫn sẽ cứu, chỉ mong sau ghép thận sẽ có phép màu. Không thể thấy con mình chết mà không cứu. Nhưng hiện nay nguồn tạng hiến không nhiều nên việc chờ cũng rất khó khăn cho các con. Nếu có nguồn tạng phong phú thì sẽ tăng được tỷ lệ cứu sống cho các con”, chị M. nói.

Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở duy nhất phía Nam triển khai ghép tạng cho trẻ em. Số lượng bệnh nhi có chỉ định ghép tạng tăng nhưng nguồn tạng còn kém phong phú. Đối với trẻ có chỉ định ghép thận, có thể chạy thận trong khi chờ nguồn tạng phù hợp để ghép nhưng đối với trẻ được chỉ định ghép gan thì việc ghép gan là cơ hội duy nhất để cứu trẻ.

ghep-tang-o-benh-nhi-phong-phu-nguon-tang-2-7548-7320.jpg
TS.BS Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Gan mật tụy - Ghép gan - Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ về thực hiện ghép tạng tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Chuẩn bị 8 ca, nhưng chỉ 4 ca được thực hiện

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy - Ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho hay, tính đến thời điểm hiện nay bệnh viện tiến hành ghép gan cho hơn 40 trường hợp. Chỉ trong vòng 1 tuần, từ ngày 26/8 đến ngày 30/8, bệnh viện thực hiện phẫu thuật ghép gan cho 3 trường hợp.

Các trường hợp bệnh nhi đến từ các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang và Gia Lai, đều có chỉ định ghép gan do các bệnh lý liên quan đến xơ gan, tăng áp cửa, teo đường mật. Hai trong số 3 bé đã phẫu thuật Kasai - phương pháp điều trị cho các trường hợp teo ống mật vùng rốn gan (chiếm 88% các ca teo ống mật).

Theo BS Trí, để thực hiện ghép gan cho 3 - 4 trường hợp, cần chuẩn bị 8 ca chờ ghép gan. Mỗi ca phẫu thuật ghép gan cần chuẩn bị hơn 50 nhân sự tham gia, thực hiện hội chẩn liên viện nhiều lần. Công tác chuẩn bị tốn nhiều nhân sự, trang thiết bị, phòng mổ, hồi sức...

“Việc chuẩn bị 8 trường hợp cho 3 - 4 ca được ghép tránh mất công do trong quá trình chờ thực hiện phẫu thuật, bệnh nhi có thể nhiễm cúm, nhiễm vi-rút, sức khỏe không cho phép nên không thể thực hiện, bắt buộc phải có trường hợp khác đủ sức khỏe để thực hiện ghép”, BS Trí cho hay.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, BS.CKII Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Trưởng khoa Gan Mật Tụy - Ghép gan (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho rằng, kể từ khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng, trong 3 năm 2021 - 2024, bệnh viện tăng số ca ghép gan lên 28 ca, cao gấp đôi so với 15 năm trước đó (2005 - 2020). Tốc độ trung bình hiện nay mỗi năm ghép được từ 10 - 14 ca. Tháng 8/2024, bệnh viện thực hiện 4 ca ghép gan. Riêng ghép thận, trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện 6 - 8 ca.

“Thời gian gần đây, bệnh viện đẩy nhanh tốc độ ghép gan, tuy nhiên hiện nay nhu cầu chờ ghép tạng vẫn còn rất cao. Do đó, các y bác sĩ luôn nỗ lực tăng tốc độ ghép, điển hình tháng 8 vừa qua lần đầu bệnh viện thực hiện 3 ca ghép liên tục một tuần. Dự kiến trong tháng 11, bệnh viện sẽ chuẩn bị 8 trường hợp chờ ghép để thực hiện ghép 4 ca”, BS Khánh cho hay.

Liên quan đến vấn đề nguồn tạng, BS.CKII Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu (Bệnh viện Nhi đồng 2) đánh giá, hiện nay, khó khăn nhất vẫn là nguồn người cho. Thực tế, không ai muốn mất thận khi cơ thể đang còn sống, trừ trường hợp chết não hoặc tim người cho ngừng đập.

ghep-tang-o-benh-nhi-phong-phu-nguon-tang-1-9898-5536.jpg
Ghép tạng là cơ hội cứu sống trẻ duy nhất khi có chỉ định ghép tạng. Ảnh: BVCC

Trong ghép tạng, nguồn tạng càng phong phú, thì tỷ lệ số bệnh nhân chờ ghép được phẫu thuật càng cao. Ở người lớn, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính chờ ghép tạng cao, xác suất nhận từ người lớn chết não hoặc ngưng tim sẽ cao hơn. Đối với trẻ từ 11 - 16 tuổi nếu chết não hoặc ngừng tim đều có thể hiến tạng nhưng quy định ở nước ta chưa có luật cho việc này.

“Nếu có luật thì bệnh nhi từ độ tuổi này có thể lấy được tạng để hiến. Đồng thời, bảo hiểm y tế chấp nhận chi trả chi phí liên quan ca ghép như Úc (có thể ghép từ 3 tháng tuổi), người nhà không tốn quá nhiều chi phí thì có thể nhiều trường hợp ghép hơn, có nhiều cơ hội hơn.

Đó là điều mà các bác sĩ vẫn trăn trở khi mỗi tháng vẫn có 2 ca chờ ghép tạng tử vong. Hy vọng khu chất lượng cao của bệnh viện sớm khánh thành để có thể đáp ứng được số lượng bệnh nhi chờ ghép tăng cao và sớm có luật thông qua để có nguồn tạng phong phú”, BS Đức nhấn mạnh.

Về vấn đề chi phí, BS CKII Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, mỗi bệnh nhân có thời gian điều trị và nằm viện sau phẫu thuật khác nhau, nhưng mức độ giao động trung bình mà bảo hiểm thanh toán trong khoản 200 - 300 triệu đồng. Đa số, ở các ca ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhưng nếu lâu dài cũng gặp những khó khăn nhất định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.