Theo American Journal of Transplantation, nữ bệnh nhân hiến tạng qua đời năm 2007 vì đột quỵ. Trước khi mất, bà đồng ý hiến tặng phổi, gan, thận và tim của mình.
Từ 16 tháng đến 6 năm sau, bốn người ghép tạng của người phụ nữ này lần lượt được chẩn đoán ung thư. Đầu tiên, một phụ nữ 42 tuổi ghép phổi nhập viện với nghi ngờ phổi ngừng hoạt động. Các xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư xâm nhập cơ thể bà qua hai lá phổi mới, đã lan đến xương và gan.
Ghi nhận thông tin trên, đội ngũ y tế đề nghị người đàn ông 32 tuổi và người phụ nữ 62 tuổi được ghép hai quả thận, kiểm tra ung thư nhưng không phát hiện điều gì bất thường. 5 năm nữa trôi qua, người phụ nữ 62 tuổi được xác định bị ung thư thận và qua đời chỉ hai tháng kể từ ngày phát hiện bệnh. Trong khi đó, người đàn ông 32 tuổi kịp thời cắt bỏ quả thận và hóa trị nên hiện còn sống.
Người cuối cùng trong số 4 người ghép tạng kia là một phụ nữ 59 tuổi nhận lá gan, về sau cũng bị ung thư. Kiên quyết không phẫu thuật vì sợ biến chứng, bà qua đời do ung thư di căn.
Riêng người ghép tim thì qua đời bởi nhiễm trùng huyết chứ không bị ung thư.
"Câu chuyện đặc biệt này chỉ ra người hiến tạng bị ung thư có thể để lại hậu quả nghiêm trọng", tác giả báo cáo trường hợp này là nhóm nghiên cứu Đại học Tübingen (Đức) và Trung tâm Y tế Đại học VU (Hà Lan), kết luận. Theo họ, tỷ lệ "lây" ung thư từ người hiến tạng chưa đầy 1%. Tuy nhiên để hạn chế nguy cơ bệnh tật, người hiến tạng cũng như các bộ phận chuẩn bị cấy ghép phải được kiểm tra thật kỹ càng.
Sau khi công bố, báo cáo trên được chia sẻ rộng rãi trên Internet. Tuy nhiên, theo Newsweek, câu chuyện còn chỗ chưa hợp lý khi thời gian ung thư phát tác quá lâu, lên tới 6 năm. Hiện nhóm chuyên gia báo cáo về trường hợp này chưa đưa ra bình luận nào thêm.