Người ta thường bỏ nơi này và tới nơi kia. Là thành phố lớn thứ ba của Ý nhưng Napoli đang dần mất đi sự hấp dẫn với mọi người.
Thành phố này từng là một trong những động cơ thúc đẩy ngành công nghiệp nước Ý, một phần lịch sử ấy vẫn còn hiện diện qua những ống khói nhà máy ở các khu vực trung tâm thành phố.
Các quảng trường rộng lớn của thành phố cũng nhắc người ta nhớ tới những đóng góp của nó cho nghệ thuật, du lịch, văn học, bóng đá và cả tội phạm.
Nhưng trong những năm gần đây, khi nhiều thành phố được xây dựng trên nền móng của ngành công nghiệp và sản xuất, Napoli đã không còn giữ được sức hút. Những cư dân trẻ tuổi đã bỏ đi, biến Napoli trở thành nơi bạn khởi đầu hành trình chứ không phải điểm dừng chân lý tưởng.
Tuy nhiên, Apple đã đảo ngược xu hướng này. Công ty lớn nhất thế giới, giấc mơ Mỹ sáng chói nhất, đã đến Napoli.
Nằm trong nơi từng là xưởng đóng hộp cà chua lớn nhất nước Ý là ngôi trường Apple Developer Academy, nơi Apple đào tạo những nhà phát triển tương lai cho iOS. Apple Developer Academy là hiện thân của sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới. Nó nằm trong một khu ngoại ô của Napoli, kẹp giữa những ngôi nhà và nhà máy cũ kỹ.
Toàn cảnh Apple Developer Academy
Nhưng bên trong trường là một mô hình lớp học của tương lai được tạo ra một cách đặc biệt của Apple. Những chiếc bàn tròn với sinh viên sử dụng MacBook và iPhone ngồi xung quanh trong khi trên tường là chiếc Apple TV cỡ lớn được gắn ở chỗ vốn thuộc về chiếc bảng.
Trong căn phòng này, Apple đang đào tạo các nhà phát triển trong tương lai. Bất cứ ai cũng có thể theo học sau khi hoàn thành bài kiểm tra đầu vào tương đối đơn giản. Hiện trường đang tuyển sinh viên cho năm học thứ hai và quá trình nộp hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 31/5 tới. Toàn bộ quá trình nộp hồ sơ có thể được thực hiện trên web. Sau đó các cuộc thi đầu vào sẽ được tổ chức trên khắp châu Âu.
Khu vực Apple Developer Academy tọa lạc giống như một Napoli thu nhỏ. Nơi này từng có những nhà máy quan trọng nhất của Ý, nó hỗ trợ toàn bộ khu vực. Phụ nữ sẽ làm việc trong nhà máy đóng hộp và các tòa nhà khác sẽ hỗ trợ nhà máy này trong khi đàn ông làm việc tại khu cảng gần đó. Nhưng rồi mọi thứ kết thúc vào những năm 1970 bỏ lại các nhà máy ngừng hoạt động và một vùng ngoại ô không có việc làm.
Apple Developer Academy mang lại lợi ích cho cả khu vực mà nó tọa lạc chứ không chỉ đào tạo ra các nhà phát triển tài năng. Tòa nhà được xây dựng một cách đặc biệt để tạo ra một khuôn viên mở, cho phép người dân đi bộ quanh sân và những bãi cỏ được thiết kế một cách gọn gàng. Bên ngoài khuôn viên, một mạng lưới nhà hàng và quán cà phê đã được khai trương. Apple cố tình không xây dựng căng tin để giúp cư dân địa phương phát triển ngành công nghiệp dịch vụ.
Napoli đang mất dần việc làm và mất đi nhiều cơ hội. Dù thành phố vẫn vận hành tốt nhưng chủ yếu hoạt động tới từ một ngành công nghiệp tập trung vào tạo ra sản phẩm chứ không rèn luyện sự sáng tạo.
Ví dụ, Napoli có một ngành công nghiệp IT khổng lồ nhưng hầu hết các công ty ở đâu đều chỉ cung cấp các dịch vụ doanh nghiệp.
Apple đã đẩy nhanh quá trình xây dựng Developer Academy. Hợp đồng triển khai ngôi trường được ký vào tháng Ba năm ngoái, tới tháng Tám quá trình tuyển sinh đã được bắt đầu và trong tháng 10, các quan chức cấp cao địa phương và quan chức Apple đã tiến hành khai trương ngôi trường.
Những sinh viên đầu tiên đã theo học từ đó tới nay và sẽ sớm ra trường. Đợt tuyển sinh thứ hai đã được khởi động và họ sẽ sớm bắt đầu chương trình học. Trong những năm tới, Apple sẽ xây dựng thêm nhiều tòa nhà và thêm nhiều sinh viên theo học. Năm đầu tiên có khoảng 100 sinh viên và năm thứ hai số sinh viên dự kiến lên tới 400.
Quá trình tuyển sinh đầu vào khá đơn giản. Apple không tìm kiếm những lập trình viên toàn năng nên kỳ thi đầu vào bao gồm cả một số câu hỏi về code, logic, khả năng hiểu và tư duy phê phán.
Hiện tại quá trình tuyển sinh cho năm học mới đang được tiến hành và Apple mong muốn có thêm nhiều sinh viên quốc tế trong số sinh viên mới.
Nhóm sinh viên hiện tại khá đa dạng, bao gồm các sinh viên tới từ những vùng xa xôi như Mexcio và Madagascar. Tuy nhiên, đa số sinh viên tới từ Mỹ và đặc biệt là từ Napoli.
Sau khi gia nhập ngôi trường đặc biệt này, sinh viên sẽ được theo học một chương trình đặc biệt của Apple, mang đầy chất sáng tạo giống như các sản phẩm của "Táo khuyết".
Học tập dựa trên vấn đề (Challenge Based Learning - CBL) được Apple khởi xướng trong một dự án vào năm 2008 khi hãng này cố tìm ra các nguyên tắc thiết kế cho môi trường học tập thế kỷ 21.
Đây là việc Apple hiển nhiên phải làm bởi họ bán một lượng lớn thiết bị cho các lớp học và học sinh có thể gắn bó toàn bộ cuộc đời với các thiết bị của Apple nếu như hãng này chiếm được cảm tình của chúng ngay từ đầu.
Tuy nhiên, sau này Apple nhận ra rằng CBL có ích trong cả những lĩnh vực khác nên họ đã phát triển toàn bộ hệ thống để có thể áp dụng một cách dễ dàng cho bất cứ lĩnh vực nào.
Theo mô tả của Apple, CBL được cung cấp cho giáo viên để họ có thể sử dụng một số cách tiếp cận tương tự trong lớp học của mình. Nó cũng được phát triển nhằm chống lại sự rời rạc trong chương trình giáo dục dẫn tới việc hơn 30% học sinh bỏ học trước khi kết thúc năm đầu trung học.
"Apple đã hợp tác với các nhà lãnh đạo và giáo viên để xây dựng một cách dạy và học mới mang tên CBL, một cách tiếp cận có tính hấp dẫn, đa ngành, khởi đầu với nội dung dựa trên các tiêu chuẩn và cho phép sinh viên tận dụng công nghệ mà chúng dùng hàng để giải quyết các vấn đề phức tạp, thực tế", Apple mô tả chương trình CBL của mình.
"CBL là sự hợp tác và thực tế, đòi hỏi sinh viên phải hợp tác cùng với các sinh viên khác, giáo viên và chuyên gia trong cộng đồng của họ cũng như trên toàn thế giới để hiểu sâu hơn về các môn mà họ đang học, xác định và giải quyết các thách thức, tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của họ và chia sẻ kết quả với thế giới".
Nói cụ thể hơn, CBL dựa trên việc thúc đẩy sinh viên tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của mình.
Do vậy, sinh viên trong trường của Apple không được dạy từng bước tạo ra ứng dụng.
Giáo viên sẽ đốc thúc sinh viên tự tạo ra phần mềm tốt nhất mà họ có thể, đẩy sinh viên xuống vực sâu và bắt họ phải học cách bơi.
CBL hy vọng sinh viên không chỉ học thông tin mà còn học cách tìm thông tin. Và trong trường của Apple, phương pháp tiếp cận này đang hoạt động ổn định. Tất cả sinh viên theo học đều đam mê khởi nghiệp, háo hức trình làng những ứng dụng do họ tạo ra mà không cần sự chỉ bảo cúa giáo viên.
Các sinh viên theo học tại đây không cần tuyên thệ trung thành với iPhone và hệ sinh thái phần mềm của Apple. Sinh viên được dạy Swift, ngôn ngữ lập trình của Apple, và đây là một phần mềm mã nguồn mở nên có thể sử dụng ở bất cứ đâu. Các nguyên tắc học tập trong trường cũng dễ dàng áp dụng trong bất cứ lĩnh vực, môi trường nào. Hơn nữa, sinh viên còn dành rất nhiều thời gian để học những thứ có ích cho họ khi muốn quay sang phát triển ứng dụng cho Android hoặc các sản phẩm hoàn toàn khác. Phần lớn khóa học tập trung vào những thứ như marketing, thiết kế, làm việc nhóm và truyền thông.
Apple Developer Academy muốn đào tạo ra các nhà phát triển toàn diện, hiểu biết cả về kinh doanh chứ không chỉ giỏi code và thông thạo các ngôn ngữ lập trình như Swift của Apple hoặc bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào khác.
Ý định của Apple khá rõ ràng: App Store hiện tại là một mảng kinh doanh quy mô cực kỳ lớn và đang phát triển mạnh của Apple. Do vậy, "Táo khuyết" luôn cần những nhà phát triển tốt nhất và những ứng dụng tốt nhất cho App Store.
Mọi sự thành công của App Store đều ngay lập tức ảnh hưởng trực tiếp tới Apple bởi họ thu về 30% doanh số bán ứng dụng. Rộng hơn nữa, đảm bảo hoạt động của App Store sẽ giúp iPhone luôn có phần mềm tốt nhất và mới nhất.
Sự phát triển của App Store không chỉ hỗ trợ Apple mà còn tạo ra những công ty mới có giá trị nhiều tỷ USD. Một năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, App Store được trình làng với chỉ 500 ứng dụng nhưng nay nó là ngôi nhà của 2 triệu ứng dụng và tạo ra 1,2 triệu công ăn việc làm.
Và các sinh viên tại Apple Developer Academy đang được đào tạo để phát triển ứng dụng cho App Store. Mỗi sinh viên sẽ nhận được một chiếc iPhone và một chiếc MacBook (nhiều sinh viên đeo trên tay Apple Watch) và học cách tạo ra các ứng dụng cho Apple. Hầu hết sinh viên đều là fan của Apple và sau đó trở thành các nhà phát triển ứng dụng iOS, sẵn sàng tung ứng dụng của họ vào App Store.
Nhóm sinh viên đầu tiên không được đa dạng cho lắm. Chỉ 15% trong số họ là sinh viên nữ và hầu hết sinh viên là người da trắng.
Để khắc phục điều này, Apple đang khuyến khích mọi người trên toàn thế giới nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Bên cạnh việc nhờ các cơ quan báo chí thông tin về trường, Apple cũng khuyến khích các đối tác cung cấp học bổng cho những sinh viên không có khả năng ở lại thành phố trong chín tháng để theo học.
Sự đa dạng giúp sinh viên phát triển nhanh hơn và có thể xây dựng các ứng dụng cho nhiều nhóm người dùng hơn. Sự cởi mở và đa dạng này cũng sẽ ảnh hưởng tới App Store và các sản phẩm của Apple giúp chúng tiếp cận được tới nhiều người dùng hơn nữa.
Khuyến khích sinh viên từ khắp thế giới tới theo học sẽ mang lại những quan điểm và ý tưởng khác nhau, giáo sư Giorgio Ventre nói. Ventre là một trong những thành viên đầu tiên của trường và là người quản lý dự án đưa Apple tới Napoli.
"Ý tưởng của chúng tôi không phải là tạo ra một viện hàn lâm để giữ chân các sinh viên tài năng. Chúng tôi muốn thu hút tài năng từ những quốc gia khác. Chúng tôi thực sự muốn tạo ra một hệ sinh thái, nơi các ý tưởng mới có thể trở thành các cơ hội", Ventre tuyên bố.
Apple Developer Academy đã thu hút được một số cư dân Napoli trẻ tuổi trở về quê hương. Sau khi rời Napoli, Luigi đã tới Anh và làm việc tại Starbucks trong khi tìm kiếm một công việc liên quan tới công nghệ. Tuy nhiên, khi ngôi trường của Apple tuyển sinh đợt đầu, Luigi đã ngay lập tức nộp đơn.
Anh được chấp thuận và được mời tham dự kỳ thi viết. "Tôi đã mạo hiểm nhưng đây là cơ hội của cuộc đời tôi", Luigi chia sẻ. Vượt qua kỳ thi, Luigi tham gia nghiên cứu cùng các sinh viên khác và hiện tại đang hợp tác với một nhóm làm game tài năng. Anh được đào tạo những kỹ năng cần thiết để trở thành nhà phát triển trong tương lai.
Luigi khuyến khích mọi người nên theo học tại đây bởi ngoài môi trường học tập sáng tạo chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà cũng khá hợp lý. Bên cạnh đó, Apple cũng sẽ cung cấp học bổng cho những sinh viên khó khăn.
Có hai sinh viên muốn bát đầu startup của riêng mình, giáo sư Ventre kể. Ban đầu, họ muốn về quê nhà để thành lập công ty nhưng rồi họ nhận ra rằng tiếp tục dự án của mình ở Ý sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Ở lại Napoli mang lại cho các công ty non trẻ cơ hội tuyển dụng các nhà phát triển tài năng mà Apple đào tạo ra. "Nếu bạn ở lại đây bạn sẽ trở thành một phần của hệ sinh thái, nơi không ngừng đào tạo các nhà phát triển", ông Ventre nói.
"Đây là điều mà bạn cần khi muốn thành lập công ty. Bạn muốn dựa vào bản thân nhưng bạn cũng cần những kỹ sư với kỹ năng cao giúp công ty của bạn phát triển. Nếu ở lại đây bạn sẽ luốn có cơ hội tuyển dụng những nhà phát triển tốt nhất".
Không phải tất cả sinh viên đều quyết định ở lại Napoli. Nhiều sinh viên quốc tế đã hoàn thành quá trình nghiên cứu và đang lên kế hoạch trở về quê hương.
Napoli, thành phố với một trong những bến cảng lớn nhất thế giới, đang rất hài lòng với các mặt hàng mà họ xuất khẩu: Ngày xưa họ xuất khẩu những hộp cà chua nhưng bây giờ họ xuất khẩu các nhà phát triển Apple.