Gene Tierney: Cuộc đời thăng trầm của “Mona Lisa” mới

GD&TĐ - Gene Tierney được mệnh danh là “Mona Lisa” mới và “cô gái vàng của Hollywood” nhờ nhan sắc tuyệt đỉnh và nụ cười bí ẩn.

Gene Tierney và người chồng đầu tiên Oleg Cassini.
Gene Tierney và người chồng đầu tiên Oleg Cassini.

Tưởng như cả cuộc đời của nữ diễn viên là một câu chuyện cổ tích, nhưng kỳ thực bà đã trải qua rất nhiều sóng gió. Và một trường hợp ngẫu nhiên đã dẫn đến bi kịch thực sự và trở thành cốt truyện của tác phẩm nổi tiếng của “nữ hoàng truyện trinh thám” Agatha Christie.

Tuổi thơ hạnh phúc

Gene Tierney sinh ngày 19/11/1920 tại Brooklyn (Mỹ), tuổi thơ của bà rất hạnh phúc. Bà thực sự được tắm trong tình yêu thương của bố mẹ, ông bà, và không bị cấm đoán bất cứ điều gì. Cuộc Đại khủng hoảng toàn cầu diễn ra trong những năm 1930 không hề ảnh hưởng đến gia đình bà.

Họ sống trong sự sung túc đầy đủ. Bố bà, một nhà môi giới rất thành đạt, chu cấp đầy đủ cho gia đình. Còn mẹ bà chỉ lo công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Ngay từ nhỏ, nhan sắc của nữ diễn viên tương lai đã thu hút sự chú ý.

Gene lớn lên ở Westport, bang Connecticut và học phổ thông ở Waterbury và Fairfield. Ngay trong thời gian đi học, bà đã bắt đầu làm thơ, và lần đầu tiên thơ bà được đăng trên một tạp chí của trường.

Sau đó, Gene vào học Trường Quốc tế Brillantmont ở Lausanne, Thụy Sĩ, và nói tiếng Pháp thành thạo. Trở về Mỹ năm 1936, bà tiếp tục học tại một trường nữ sinh tư thục.

Nhập vai

Nữ diễn viên Gene Tierney.

Nữ diễn viên Gene Tierney.

Gene không hề mơ ước trở thành diễn viên, bà muốn trở thành nhà văn hoặc họa sĩ. Và quả thật, một lần bà tham gia vở kịch thời sinh viên và đã thành công. Mặc dù vậy, bà không có ý định đóng phim hay diễn kịch.

Nhưng năm 17 tuổi, một lần bà có dịp đến thăm hãng phim “Warner Bros” và gặp đạo diễn Anatole Litvak. Bị mê hoặc bởi sắc đẹp của Gene đến mức đạo diễn ngay lập tức tuyên bố: “Gene nhất định phải trở thành diễn viên”.

Hãng phim thậm chí sẵn sàng ký hợp đồng với Gene Tierney, nhưng bố mẹ bà ngăn cản, lấy cớ mức lương thấp, rằng con gái họ cần phải có một vị trí đàng hoàng trong xã hội.

Tháng 8/1938, Gene xuất hiện trong xã hội thượng lưu, nhưng nhận thấy cuộc sống đầy tiệc tùng quá nhàm chán, nên bà quyết định đóng phim.

Ông bố khuyên con gái, nếu thực sự muốn trở thành diễn viên, thì hãy bắt đầu từ sân khấu kịch. Và Gene đã đi học diễn xuất tại một studio nhỏ ở Greenwich Village.

Vai diễn đầu tiên của nữ diễn viên trẻ trên sân khấu Broadway trong vở kịch “What a Life” chỉ đơn giản là xách một xô nước. Nhưng ngay với vai diễn này, Gene đã được mọi người chú ý và gọi bà là người xách nước đẹp nhất trong lịch sử của nhà hát.

Chỉ một năm sau, bà nhận được vai Molly O’Day trong vở kịch “Mrs. O’Brien Entertains”, và ở đây các nhà phê bình có thể đánh giá một cách đầy đủ tài năng và sự quyến rũ của Gene.

Chẳng bao lâu, Gene được đóng vai chính trong các vở kịch của Broadway, còn hãng phim Columbia Pictures ký hợp đồng 6 tháng với bà. Tuy nhiên, Gene không tham gia một bộ phim nào, vì vậy bà lại quay trở về nhà hát Broadway.

Sau đó, Gene bắt đầu cộng tác với hãng 20th Century Fox và lần đầu tiên xuất hiện trong phim The Return of Frank James (Sự trở về của Frank James) ngay trong vai chính. Tiếp theo, nữ diễn viên đóng rất nhiều phim và những bộ phim bà tham gia đều đạt doanh thu cao.

Tuy nhận được sự quan tâm của nhiều nhân vật nổi tiếng, nhưng bản thân Gene vẫn rất khiêm tốn, bà không vội vàng trao gửi số phận của mình cho ai. Bà mơ ước về một tình yêu lớn và đẹp, giống như mối tình giữa bố mẹ bà.

Cuộc hôn nhân vội vàng

Vừa mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, Gene đã gặp phải cú sốc đầu đời khi phát hiện từ lâu bố mình không còn chung thủy với mẹ. Than ôi, Gene đã từng tin tưởng bố đến thế cơ mà, thậm chí bà đã từ chối hai người hâm mộ mình vì bố bà cho rằng họ không phù hợp.

Thế là Gene quyết định từ nay sẽ sống theo cách riêng của mình. Ngay lập tức bà kết hôn với Oleg Cassini, nhà thiết kế trang phục trong những bộ phim mà bà đóng vai chính. Oleg xuất thân là quý tộc Nga và Ý.

Theo những người thân của bà, Oleg cũng không thích hợp với Gene lắm. Nhưng lần này, nữ diễn viên không lùi bước: Bà thuyết phục người yêu của mình đến Las Vegas và đăng ký kết hôn ở đấy. Bằng cách đó, Gene đặt gia đình trước sự thật đã rồi.

Năm 1942, Oleg ra mặt trận, còn Gene, lúc đó đang mang thai, thường xuyên tiếp xúc với các nữ quân nhân tại nhà ăn của xưởng phim. Bà trò chuyện với người hâm mộ, bắt tay và tặng chữ ký.

Cái bắt tay định mệnh

Sau một cuộc gặp gỡ với người hâm mộ, nữ diễn viên cảm thấy không được khỏe, và các bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh sởi. Hóa ra, Gene bị lây bệnh từ một nữ sĩ quan hải quân.

Theo các bác sĩ, thông thường căn bệnh này dẫn đến những bệnh lý không thể phục hồi của thai nhi. Kết quả là bé Daria sinh ra bị mù, điếc và khuyết tật trí tuệ. Gene đã chiến đấu vì con gái một năm rưỡi, nhưng vô ích, đứa bé chỉ có thể sống trong điều kiện đặc biệt.

Gene hoàn toàn bị suy sụp sau sự cố này. Bà tự trách mình đã gây ra nỗi bất hạnh và rơi vào trầm cảm. Còn câu chuyện của bà đã trở thành cốt truyện của cuốn tiểu thuyết The Mirror Crack’d from Side to Side (Gương vỡ) của Agatha Christie.

Quả thật, không giống như nữ nhân vật của tác phẩm, Gene không trả thù bất cứ ai. Mặc dù, câu chuyện này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà.

Số phận lại mỉm cười

Trở về từ mặt trận, Oleg không hiểu rõ lý do khiến vợ mình trầm cảm, tuy nhiên, ông ta thích tìm kiếm sự an ủi ở bên ngoài, trong vòng tay của phụ nữ và những cuộc ăn chơi trác táng.

Coi mình không còn có nghĩa vụ với người chồng bội bạc, Gene cho phép mình tìm kiếm tình yêu mới. Ban đầu bà trở thành bạn tâm giao với John Kennedy (cựu Tổng thống Mỹ), nhưng một năm sau, họ chia tay.

Một thời gian, Gene lại đoàn tụ với chồng và thậm chí bà còn sinh một cô con gái, nhưng Oleg Cassini không tha thiết với cuộc sống gia đình êm ấm. Khi chồng từ chối đến thăm bà bị viêm phổi nặng trong thời gian đóng phim ở Argentina, Gene nhận ra rằng gia đình không còn nữa.

Tưởng như mọi chuyện đã kết thúc, nhưng số phận lại mỉm cười với Gene. Tình yêu mới đã mang đến cho bà hạnh phúc. Ông trùm dầu mỏ Howard Lee hơn bà 20 tuổi, không đẹp trai, nhưng bù lại, ông có tấm lòng hào hiệp và hết sức quan tâm, săn sóc bà.

Nhờ ông, bà mới có thể trở lại với điện ảnh. Họ chung sống với nhau hơn 20 năm và cái chết của Howard là nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời Gene Tierney.

Bà qua đời sau chồng 10 năm (1991), nhưng suốt thời gian đó, bà không thể nguôi ngoai trước nỗi mất mát và vẫn giữ trọn lòng chung thủy với ông cho đến ngày cuối cùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.