Trên đây là nội dung nằm trong báo cáo của BKHĐT chuẩn bị cho phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ diễn ra hôm nay (5.5). Cơ sở của các dự báo này, theo bộ KH&ĐT là tình hình kinh tế tháng 4 và bốn tháng đầu năm đã có những diễn biến tốt theo đà phục hồi của kinh tế thế giới và vẫn trong xu hướng tăng trưởng tốt. Hoạt động thu, chi ngân sách đang thuận lợi.
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 ước đạt 62,67 ngàn tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Sản xuất nông nghiệp cũng đã phục hồi.
Cơ sở của các dự là tình hình kinh tế tháng 4 và bốn tháng đầu năm đã có những diễn biến tốt , hoạt động thu, chi ngân sách đang thuận lợi. (Ảnh minh họa, ineternet) |
Cán cân thương mại được cải thiện đáng kể: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỉ USD, cao nhất trong 19 tháng qua, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung bốn tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,16 tỉ USD tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 6,95 tỉ USD, tăng 3% so với tháng 3. Tính chung bốn tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 24,8 tỉ USD, tăng 35,6%. Như vậy, nhập siêu cả bốn tháng đạt khoảng 4,65%, bằng 23,1% so với tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tín dụng có sự tăng trưởng khả quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, theo ước tính tăng 2,92% so với tháng 3 và tăng 5,88% so với tháng 12.2009. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4.2010 ước tăng 2,8% so với cuối tháng 3 và tăng 5,93% so với cuối tháng 12.2009.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,14%, mức tăng thấp nhất từ đầu năm, theo nhận định của bộ KH&ĐT cũng là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ cũng đã sôi động trở lại: ước bốn tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 4, đã có thêm khoảng 4.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 42 ngàn tỉ đồng. Tính chung bốn tháng, cả nước có 22.000 doanh nghiệp mới ra đời, bằng 81,5% số doanh nghiệp mới của năm 2009.
"Trong những tháng tới, các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông lâm nghiệp và thuỷ sản đều có triển vọng phát triển tốt hơn", bộ KH&ĐT nhận định. Cùng với đánh giá rằng, các nguồn vốn đầu tư có thể huy động cao hơn nhiều nhờ sự ổn định trở lại của kinh tế vĩ mô, thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu mở rộng hơn, theo bộ này, nền kinh tế sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng dù còn có nhiều khó khăn.
Những yếu tố có thể làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho các nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam, theo bộ KH&ĐT là tình hình kinh tế còn khó khăn ở các nước châu Âu (nguy cơ vỡ nợ công lan rộng sau Hy Lạp), áp lực tăng giá đầu vào, lạm phát của thị trường bên ngoài; xu thế bảo hộ mậu dịch ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng trong nước, theo bộ KH&ĐT cũng có những thách thức lớn như nguy cơ tiềm ẩn lạm phát cao trở lại, một số cân đối lớn như xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế… còn chưa vững. Bộ này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; đảm bảo vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách và tăng cường công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả.
Giang Đông