GD chuyên nghiệp đối mặt với nhiều thách thức

GD chuyên nghiệp đối mặt với nhiều thách thức

Kỳ 2: Khó khăn nhưng không thể làm sai!

* Khó khăn chung

(GD&TĐ) - Ở Bắc Ninh hiện có 8 trường TCCN, 6 trường CĐ và 1 Phân viện thuộc Học viện Ngân hàng. Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, công tác tuyển sinh vào trung cấp chuyên nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

->>Kỳ 1: Mở rộng quy mô và gắn với nhu cầu xã hội

Mặc dù mỗi năm có tới trên 330.000 chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN nhưng các trường này và các cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN cũng chỉ tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu, thậm chí có trường chỉ tuyển được 20 - 30% chỉ tiêu được giao. Còn năm 2012, chỉ tuyển được 6.453/10.969 - đạt 58,8% chỉ tiêu đào tạo TCCN. Như ở Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công thương Bắc Ninh - CCI, năm 2012 cũng chỉ tuyển được 100/300 chỉ tiêu - mặc dù yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh này khá lớn.

Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật  tỉnh  Tuyên Quang được giao tuyển sinh, đào tạo TCCN các ngành: Kế toán doanh nghiệp, Kế toán hành chính sự nghiệp, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trồng trọt, Lâm nghiệp, Quản lý đất đai, Chăn nuôi - thú y.

Cho dù hàng năm nhà trường luôn triển khai các phương án, kế hoạch tuyển sinh, tuyển sinh đến tất cả  học sinh các trường THPT, THCS và xuống  tận các xã, thôn, bản trong toàn tỉnh nhưng do sự cạnh tranh của các trường trong  và  ngoài tỉnh nên việc tuyển sinh của nhà trường đạt thấp, giảm dần so với kế hoạch. Năm 2011, tuyển sinh chỉ đạt 62,6% so với chỉ tiêu kế hoạch, năm 2012 tuyển sinh chỉ đạt  41,3% so với chỉ tiêu kế hoạch, có những ngành như Trồng trọt không tuyển đủ  số lượng học sinh để thành lập lớp. 

Cũng như vậy, trong một vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh ở Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hà Giang phải kéo dài, chia thành nhiều đợt nhưng hiệu quả vẫn thấp. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây tuyển sinh chỉ đạt từ 50 - 60% chỉ tiêu đề ra.

Lý giải về điều này, ông Hiếu cho rằng đây là tác động của suy thoái kinh tế, cộng với thông tin tuyển dụng của các cơ quan, các doanh nghiệp thời gian gần đây khiến nhiều thí sinh và gia đình không muốn cho con đi học TCCN vì điều kiện tìm được việc làm ngày càng trở nên khó khăn, trong khi lao động với trình độ TCCN có thu nhập ở mức thấp, kể cả người giỏi nghề khiến họ phải cân nhắc trước lối rẽ chọn nghề, hướng nghiệp.

Loay hoay tìm lối

x
Một giờ học lý thuyết của HS TCCN

Ở một trường học, yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của các trường đó chính là người học. Trong bối cảnh khó khăn đó, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế kỹ thuật (ATEC) đã có sáng kiến cùng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Thành viên của ATEC là các nhà trường đại diện cho các vùng miền trên cả nước, từ đô thị phát triển tới vùng núi, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn với những đặc thù riêng biệt đã cùng ngồi lại với nhau để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác tuyển sinh ở các trường. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tích cực đổi mới công tác tuyển sinh. 

Theo Nhà giáo ưu tú Trần Công Chánh – Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế kỹ thuật, sự phát triển quá nhanh và thiếu lành mạnh của các trường ngoài công lập cùng với khuynh hướng thương mại hóa giáo dục và sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường hiện nay đã làm xuất hiện một thực trạng đáng quan tâm về chất lượng đào tạo.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là chất lượng đầu vào (chất lượng tuyển sinh) đối với các cơ sở đào tạo nói chung và nhất là những vấn đề bất cập về công tác tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo TCCN.  Với vai trò là tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp với các thành viên là các trường Cao đẳng, TCCN Kinh tế - Kỹ thuật rộng khắp trong cả nước có liên quan trực tiếp trước những vấn đề có tính cấp thiết. 

Theo nhận định chung nguyên nhân, thách thức chi phối công tác tuyển sinh TCCN những năm qua và năm 2013 này là do tâm lí, thói quen của phụ huynh và học sinh luôn mong muốn vào ĐH, CĐ, bất chấp học sinh đó có học lực trung bình, kể cả yếu.

Còn với những học sinh dự tuyển vào hệ TCCN thì tâm lý chung lại lựa chọn vào các trường ở những đô thị lớn, dù vẫn đăng kí học ngành các trường trong tỉnh có đào tạo. Cùng với đó, cho dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương giảm tiết, giảm chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN trong các trường ĐH và đến năm 2017 sẽ chấm dứt việc này nhưng việc đào tạo TCCN trong các trường ĐH đang khiến khó khăn trong tuyển sinh ở trường trung cấp nhiều thêm lên, vì lợi thế về tâm lý và uy tín, trường trung cấp sẽ không thể cạnh tranh với các trường ĐH.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT của các Sở GD&ĐT không hợp lí, học sinh tốt nghiệp THCS dự thi vào THPT công lập và xét tuyển vào các trường THPT dân lập, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và trúng tuyển có năm lên tới 90%. Thực tế này không chỉ khiến các trường TCCN gặp khó khăn trong tuyển sinh mà cũng là rào cản lớn ngăn cản mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS như đã đề ra.

Và bất chấp làm sai

Nghệ An là tỉnh trung tâm Bắc Trung bộ, sức hút về đào tạo TCCN là rất lớn nên đây cũng là điểm đến của nhiều trường chuyên nghiệp. Chỉ mới đây thôi, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã phải 2 lần “tuýt còi” về việc vi phạm trong đào tạo TCCN ở tỉnh này, trước đó là việc tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề ASEAN và mới đây là Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh - Chi nhánh Nghệ An. Cần phải nói rằng, những sai phạm từ Trường Cao đẳng nghề ASEAN hay của Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh, chi nhánh Nghệ An, là việc bất chấp tất cả chỉ để nhằm mục đích tuyển sinh. 

Tờ trình số 12/TTr-TCYD ngày 25/2/2010 của  Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh (tháng 3/2009) cho biết, trường đã đầu tư 6 phòng thực hành thí nghiệm với giá trị trên 2 tỷ đồng (3 phòng thực hành về dược sĩ; 03 phòng thực hành về Y sĩ và điều dưỡng), đến tháng 10/2009, trường tiếp tục đầu tư 1,2 tỷ đồng (3 phòng thực hành Dược trung cấp; 4 phòng thực hành Y sĩ, điều dưỡng).

Tuy nhiên qua kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT của tỉnh Nghệ An thì tại Bắc Ninh, toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh ở cơ sở chính đang thuê mượn của Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long.

Còn theo giải trình của Chủ tịch HĐQT của Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh, Hội đồng quản trị của Trường Trung cấp Y dược Bắc Ninh và Trường Y Dược Thăng Long là một, nên hiện nay HĐQT đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long (!?). 

Đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã xử lý và đưa ra kết luận bản chất việc này là Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh chưa xây dựng cơ sở vật chất mà đang thuê mượn của Trường Trung cấp Y Dược Thăng Long nhưng vẫn đặt chi nhánh đào tạo tại Nghệ An.

Trường này cũng chưa được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp quyết định mở chi nhánh tại Nghệ An. Chi nhánh Trường Trung cấp Y Dược Bắc Ninh tại Nghệ An đã 3 năm hoạt động tuyển sinh đào tạo nhưng toàn bộ cơ sở đào tạo tại Nghệ An đều thuê mượn của Trường Cao đẳng Nghề số 1 Công đoàn. Những sai phạm này đã bị cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng tuyển sinh từ 1/6/2013 và chấm dứt các hoạt động đào tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói: “Thông cảm với khó khăn của các trường TCCN, nhưng phải là những trường biết giữ chữ tín với người học và trách nhiệm với sản phẩm mình đào tạo và với xã hội. Người học không có năng lực phát hiện ra sai phạm trong đào tạo, tuyển sinh của các trường, chính vì thế các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cần phải nâng cao trách nhiệm quản lý của mình”. Xem ra bài học từ Nghệ An cũng là kinh nghiệm quý báu với nhiều địa phương vì ai dám chắc sai phạm này chỉ có ở Vinh.

Hiên Kiều[links()]

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ